Hoài Đức sắp đấu giá loạt lô đất sát lô 133 triệu/m2 gây sốt, giữ giá khởi điểm
Theo kế hoạch, đầu tháng 11, huyện Hoài Đức sẽ đưa ra đấu giá 52 lô đất tại xã Tiền Yên, nằm ngay cạnh 19 thửa đất đấu giá thành công hồi tháng 8 với mức trúng cao nhất lên tới 133,3 triệu đồng/m2 (gấp hơn 18 lần khởi điểm).
52 lô đất thuộc dự án Hạ tầng kỹ thuật đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn xã Tiền Yên - xứ đồng Lòng Khúc, đều có giá khởi điểm là 7,3 triệu đồng/m2, sẽ được đấu giá trong hai phiên.
Cụ thể, ngày 4/11 sẽ diễn ra phiên đấu giá 20 thửa đất (LK01 và LK02). Các thửa đất có diện tích 89-145m2/thửa. Tiền đặt trước của các thửa từ hơn 130,8-212 triệu đồng.
Tiếp đó, ngày 11/11, sẽ diễn ra phiên đấu giá 32 thửa đất (LK05 và LK06). Các thửa có diện tích từ 97,2-172m2, tiền đặt trước từ gần 142-251 triệu đồng/thửa.
Các cuộc đấu giá đều diễn ra theo hình thức cách bỏ phiếu trực tiếp tối thiểu 6 vòng theo phương thức trả giá lên. Bước giá áp dụng chung là 6 triệu đồng/m2, giống như phiên đấu giá đất 19 lô đất đã kéo dài trong gần 20 tiếng đồng hồ, từ sáng 19/8 đến rạng sáng 20/8, qua 9 vòng đấu mới kết thúc.
8/19 lô đất trúng đấu giá tại Hoài Đức chưa nộp tiền
Liên quan đến phiên đấu giá tại khu Lòng Khúc, xã Tiền Yên (ngày 19/8), theo báo cáo của UBND huyện Hoài Đức, trong 13 khách hàng (trúng đấu giá 19 thửa đất) đã có 6 khách (trúng đấu giá 11 thửa) nộp đầy đủ tiền sử dụng đất theo quy định. Trong số các khách hàng đã nộp, có cả người trúng thửa đất với mức giá cao nhất là 133,3 triệu đồng/m2.
7 khách hàng còn lại trúng 8 thửa đất chưa nộp tiền (chiếm hơn 42% tổng số thửa đất trúng đấu giá) cũng cam kết hoàn thành nghĩa vụ tài chính trước ngày 27/11 (hạn chót theo quy định).
Tổng cộng đến nay, số tiền các khách hàng trúng đấu giá đã nộp theo quy định đợt 1 là 50%, được khoảng 70 tỷ đồng.
Đánh giá về vấn đề đấu giá đất tại một số địa phương thời gian qua, tại báo cáo tình hình triển khai Luật Đất đai gửi đại biểu Quốc hội mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cho biết, sau khi Luật Đất đai có hiệu lực từ 1/8, nhiều phiên đấu giá có giá trúng chênh lệch rất lớn so với khởi điểm. Điều này tạo dư luận không tốt, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản.
Như tại Thanh Oai, vẫn còn 56/68 thửa đất trúng đấu giá ở xã Thanh Cao chưa được nộp tiền, tương đương tỷ lệ 80%. Chỉ có 13 lô hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo thông báo của cơ quan thuế.
Đây cũng là một trong những phiên đấu giá vùng ven gây xôn xao thị trường trong tháng 8. Số lượng hồ sơ đăng ký lên đến 4.600 hồ sơ với hơn 1.500 người, tương đương một thửa đất có hơn 22 người quan tâm. 68 lô đất được bán thành công với giá gấp 5-8 lần khởi điểm, cao nhất đạt 100,5 triệu đồng/m2.
Lý giải nguyên nhân trên, cơ quan này cho biết, một số đối tượng tham gia đấu giá không có nhu cầu ở thực mà chủ yếu vì mục đích đầu cơ, thao túng giá thông qua việc đẩy giá trúng lên cao và bán lại ngay để thu lợi hoặc tạo mặt bằng giá ảo với khu vực xung quanh.
Ngoài ra, một số địa phương sử dụng giá đất trong Bảng giá đất hiện hành chưa được điều chỉnh nên thấp hơn nhiều so với mặt bằng giá thực tế, thu hút nhiều người tham gia để kiếm lời.
Bên cạnh đó, việc lập, công khai quy hoạch các khu vực phát triển nhà ở chưa được thực hiện công khai, minh bạch, "tạo cơ hội" để các nhóm lợi dụng đầu cơ đất đai.
Bộ TN-MT đề xuất giải pháp công khai thông tin người bỏ cọc để tránh thổi giá, trục lợi qua đấu giá đất. Giải pháp này cũng được bộ đề xuất Chính phủ tại hội nghị trực tuyến với 63 địa phương ngày 8/10.
Trong khi đó, UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu UBND cấp huyện lập danh sách các trường hợp trả giá cao hơn thị trường để trúng đấu giá nhưng không nộp tiền theo quy định, gây nhiễu loạn thị trường. Danh sách này sẽ được công khai trên trang thông tin của các huyện, Sở TN-MT.