Xã hội

Bộ Công an đề xuất các mức xử phạt nồng độ cồn mới với ô tô, xe máy từ 2025

Hải Châu 25/09/2024 - 11:36

Bộ Công an đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Trong nội dung dự thảo Nghị định, để phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, Bộ Công an đề xuất mức phạt mới đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Đề xuất mức xử phạt nồng độ cồn mới từ năm 2025. Ảnh: Báo Điện tử Chính phủ

Đề xuất mức xử phạt nồng độ cồn mới từ năm 2025. Ảnh: Báo Điện tử Chính phủ

Cụ thể, đối với người điều khiển xe ôtô và các loại xe tương tự xe ôtô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ:

Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng khi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu, hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở (mức phạt cũ là 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng).

Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm trên còn bị trừ 2 điểm Giấy phép lái xe.

Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu, hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở (giữ nguyên theo mức phạt hiện hành).

Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm trên còn bị trừ 10 điểm Giấy phép lái xe.

Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu, hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở (giữ nguyên theo mức phạt hiện hành).

Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm trên còn bị trừ 12 điểm Giấy phép lái xe, là hết số điểm.

Bộ Công an đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Ảnh minh họa

Bộ Công an đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Ảnh minh họa

Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy:

Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu, hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở (mức phạt cũ là 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng).

Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm trên còn bị trừ 2 điểm Giấy phép lái xe.

Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu, hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở (giữ nguyên theo mức phạt hiện hành).

Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm trên còn bị trừ 10 điểm Giấy phép lái xe.

Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu, hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở (giữ nguyên theo mức phạt hiện hành).

Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm trên còn bị trừ 12 điểm Giấy phép lái xe, trừ hết điểm.

Các hình phạt bổ sung khác được áp dụng theo quy định của pháp luật.

Hạ mức phạt hành chính nồng độ cồn là đề xuất hợp lý

Bộ Công an vừa đưa ra một đề xuất đáng chú ý về việc giảm mức phạt vi phạm nồng độ cồn chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở, động thái này đã nhận được sự đồng tình của nhiều người dân.

Theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật, đề xuất này được xây dựng dựa trên ý kiến từ các bộ, ngành và người dân. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo rằng, một người đàn ông khỏe mạnh uống một ly rượu trong vòng một giờ có thể đạt mức nồng độ cồn dưới 0,35mg/lít khí thở, hoặc dưới 50mg/ml máu. Kết quả từ các nghiên cứu của WHO cũng chỉ ra rằng, một lượng nhỏ rượu bia có thể không ảnh hưởng đáng kể đến khả năng lái xe, vì thế nhiều người ủng hộ giảm mức phạt đối với các trường hợp uống ít.

Hạ mức phạt hành chính nồng độ cồn là đề xuất hợp lý. Ảnh minh hoạ

Hạ mức phạt hành chính nồng độ cồn là đề xuất hợp lý. Ảnh minh hoạ

Đại tá Nguyễn Quang Nhật cho biết, sau khi Bộ Công an công bố dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi. Một số ý kiến đề xuất giữ nguyên mức phạt hiện tại để đảm bảo tính răn đe và nhấn mạnh rằng việc tuyên truyền nguyên tắc "đã uống rượu bia thì không lái xe" đã mang lại hiệu quả. Những biện pháp mạnh mẽ này đã góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc tuân thủ luật giao thông.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác lại cho rằng việc hạ mức phạt đối với vi phạm ở mức thấp là hợp lý, vì nó không ảnh hưởng quá lớn đến khả năng điều khiển phương tiện. Đa số người dân ủng hộ việc giảm mức phạt, cho rằng mức phạt hiện hành từ 6-8 triệu đồng là khá cao, đặc biệt với những người có thu nhập thấp. Việc hạ mức phạt xuống còn 800.000 đến 1 triệu đồng sẽ giúp giảm bớt gánh nặng tài chính và khiến người vi phạm dễ dàng chấp nhận nộp phạt hơn.

Với những ý kiến đóng góp và sự đồng thuận của nhiều người, Bộ Công an sẽ tiếp tục tổ chức các hội thảo và nghiên cứu để hoàn thiện dự thảo nghị định. Tinh thần của việc này là đảm bảo sự nghiêm minh, công bằng và phù hợp với mức độ vi phạm, trước khi trình Chính phủ phê duyệt quyết định cuối cùng.

Xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức vi phạm nồng độ cồn

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông, ngoài việc chịu xử phạt hành chính, sẽ bị xử lý kỷ luật nghiêm khắc từ cơ quan quản lý.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ thị xử lý cán bộ, công chức, viên chức và chiến sĩ trong lực lượng vũ trang vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn. Ảnh: Báo Điện tử Chính phủ

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ thị xử lý cán bộ, công chức, viên chức và chiến sĩ trong lực lượng vũ trang vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn. Ảnh: Báo Điện tử Chính phủ

Ngày 17/9/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 35/CT-TTg về việc xử lý cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang vi phạm quy định khi điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, cũng như các trường hợp không hợp tác với lực lượng chức năng trong quá trình xử lý vi phạm. Chỉ thị nhấn mạnh: "Nghiêm cấm việc bao che, giấu giếm khuyết điểm của cán bộ, công chức, viên chức vi phạm".

Các cơ quan có trách nhiệm phải tổng hợp kết quả xử lý hàng năm và báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ. Lãnh đạo các đơn vị sẽ chịu trách nhiệm nếu để xảy ra nhiều vi phạm hoặc không xử lý kỷ luật nghiêm đối với các cá nhân vi phạm.

Bộ Nội vụ được giao nhiệm vụ hướng dẫn quy trình xử lý cán bộ, công chức vi phạm, đồng thời làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo lực lượng chức năng xử lý vi phạm giao thông một cách nghiêm túc, đảm bảo không có ngoại lệ hay vùng cấm. "Không chấp nhận việc can thiệp, tác động để bỏ qua vi phạm trong quá trình xử lý hành chính," Thủ tướng nhấn mạnh.

Đối với các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức vi phạm nồng độ cồn, lực lượng Cảnh sát giao thông phải thông báo về cơ quan quản lý để thực hiện các biện pháp kỷ luật thích hợp. Chỉ đạo này đã được Thủ tướng đưa ra từ tháng 4/2023 nhằm đảm bảo sự minh bạch và nghiêm túc trong việc xử lý vi phạm.

Trường hợp vi phạm gây tai nạn giao thông hoặc cản trở, chống đối lực lượng chức năng, cơ quan công an sẽ lập hồ sơ điều tra và phối hợp với Viện Kiểm sát, Tòa án để xử lý theo quy định của pháp luật. Ảnh: Báo Người Lao Động

Trường hợp vi phạm gây tai nạn giao thông hoặc cản trở, chống đối lực lượng chức năng, cơ quan công an sẽ lập hồ sơ điều tra và phối hợp với Viện Kiểm sát, Tòa án để xử lý theo quy định của pháp luật. Ảnh: Báo Người Lao Động

Nếu vi phạm gây tai nạn giao thông hoặc có hành vi chống đối lực lượng chức năng, cơ quan công an sẽ lập hồ sơ điều tra và phối hợp với Viện Kiểm sát, Tòa án để xử lý theo quy định pháp luật.

Bộ Quốc phòng cũng nhận nhiệm vụ nhắc nhở, chấn chỉnh toàn quân tuân thủ nghiêm các quy định về nồng độ cồn, tuyệt đối không điều khiển phương tiện giao thông sau khi sử dụng rượu bia. Những trường hợp quân nhân, công chức, công nhân viên quốc phòng vi phạm sẽ bị kiểm điểm và xử lý nghiêm minh, đặc biệt nếu có hành vi không hợp tác khi bị xử phạt.

Chủ tịch các tỉnh, thành phố được yêu cầu chỉ đạo các cơ quan trực thuộc tăng cường tuyên truyền, vận động người thân và bạn bè không lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp vào quá trình xử lý vi phạm giao thông, đặc biệt là các vi phạm liên quan đến nồng độ cồn.

Chỉ thị được ban hành trong bối cảnh một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang vẫn tiếp tục vi phạm quy định về nồng độ cồn, thậm chí có trường hợp gây tai nạn chết người và bỏ trốn hoặc không hợp tác với cơ quan chức năng.

60 phút truy đuổi tài xế vi phạm nồng độ cồn kịch khung

Tài xế vi phạm nồng độ cồn gấp 1,4 lần kịch khung: Bạn mời uống, khó từ chối

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/bo-cong-an-de-xuat-cac-muc-xu-phat-nong-do-con-moi-voi-o-to-xe-may-tu-2025-d133616.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Bộ Công an đề xuất các mức xử phạt nồng độ cồn mới với ô tô, xe máy từ 2025
POWERED BY ONECMS & INTECH