Doanh nghiệp

Bộ Công Thương kiến nghị gia hạn Chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ ô tô

Quang Dương 02/02/2025 - 12:33

Từ năm 2020 đến nay, Bộ Công Thương đã cấp Giấy xác nhận ưu đãi cho khoảng 40 dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô.

Theo Bộ Công Thương, những năm gần đây, ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô tại Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể. Nhờ các chính sách ưu đãi thuế nói chung và Chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ ô tô nói riêng, nhiều doanh nghiệp sản xuất ô tô đã mở rộng quy mô, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn đẩy mạnh xuất khẩu.

Trong năm 2023, giá trị xuất khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô của Việt Nam đạt 3,09 tỷ USD, với các thị trường chủ lực là Nhật Bản và Hoa Kỳ. Đáng chú ý, nhóm linh kiện dây điện chiếm tỷ trọng lớn, đạt khoảng 1,17 tỷ USD, tương đương 38% tổng giá trị xuất khẩu linh kiện ô tô của cả nước, đưa Việt Nam lên vị trí thứ ba thế giới trong lĩnh vực này.

Bộ Công Thương kiến nghị gia hạn Chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ ô tô
Bên trong nhà máy sản xuất ô tô điện của VinFast tại Hải Phòng. Ảnh: congan.com.vn

>> 3 nhà máy VinFast với tổng công suất 500.000 xe/năm sẽ đi vào hoạt động ngay trong năm nay

Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất xe có động cơ tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng linh kiện, phụ tùng ô tô cũng ghi nhận mức tăng trưởng tích cực. Cụ thể, phụ tùng khác của xe có động cơ tăng 24,55%, thiết bị khác dùng cho động cơ xe tăng 5,88%, trong khi bộ dây đánh lửa và bộ dây khác sử dụng cho xe có động cơ tăng 5,79%.

Đối với lĩnh vực sản xuất ô tô, phân loại xe có động cơ đốt trong chở từ 10 người trở lên có sản lượng tăng 33,51% và xe có động cơ đốt trong chở dưới 10 người tăng 31,46%.

Kể từ khi Chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ ô tô được triển khai, Hiệp hội Cơ khí Việt Nam (VAMI) đánh giá, các doanh nghiệp thành viên đã ghi nhận nhiều lợi ích thông qua việc áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện sản xuất, lắp ráp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Từ năm 2020 đến nay, Bộ Công Thương đã cấp Giấy xác nhận ưu đãi cho khoảng 40 dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô. Điều này không chỉ góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển mà còn giúp doanh nghiệp trong nước từng bước tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo Bộ Công Thương, chính sách ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ ô tô, đến hết ngày 31/12/2024, đã trở thành đòn bẩy quan trọng, tạo động lực để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ.

Trước những kết quả tích cực đạt được, Bộ Công Thương, Hiệp hội Cơ khí Việt Nam (VAMI) và Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đều đề xuất kéo dài thời gian áp dụng Chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ ô tô đến ngày 31/12/2027, đảm bảo sự tương thích về thời gian với các chương trình ưu đãi thuế khác trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô, tạo điều kiện để ngành công nghiệp ô tô Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững.

>> Đối tác nhượng quyền 5.000 trạm sạc của V-Green vừa khai trương cơ sở mới

VinFast chỉ cần 2 ngày để làm được điều mà nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới phải mất đến 9 tháng

Tỷ phú Trần Bá Dương: THACO AUTO là thành viên chủ lực trong sản xuất ô tô, cần tập trung phát triển nhân lực

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/bo-cong-thuong-kien-nghi-gia-han-chuong-trinh-uu-dai-thue-cong-nghiep-ho-tro-o-to-274026.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Bộ Công Thương kiến nghị gia hạn Chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ ô tô
    POWERED BY ONECMS & INTECH