Bộ Tài chính đề xuất sửa khung thuế bảo vệ môi trường với xăng theo hướng giữ mức thuế tối thiểu hiện hành là 1.000 đồng/lít và tăng mức thuế tối đa lên hơn 4.000 đồng/lít.
Dự thảo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh năm 2023 đang được Bộ Tư pháp tổng hợp lấy ý kiến. Trong đó có đề xuất sửa đổi Luật thuế bảo vệ môi trường.
Theo Bộ Tư pháp, qua rà soát luật này, Bộ Tài chính đã đề nghị điều chỉnh khung mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn nói chung.
Hiện nay, khung thuế bảo vệ môi trường đối nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn được quy định là xăng, trừ etanol là 1.000-4.000 đồng/lít; nhiên liệu bay là 1.000-3.000 đồng/lít; dầu diesel là 500-2.000 đồng/lít; dầu hỏa là 300-2.000 đồng/lít; dầu mazut là 300-2.000 đồng/lít; dầu nhờn là 300-2.000 đồng/lít và mỡ nhờn là 300-2.000 đồng/kg.
Mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu (trừ dầu hỏa) đã bằng mức tối đa trong khung thuế.
Tuy nhiên giai đoạn từ 1-8-2020 đến hết 31-12-2023 mức thuế này đối với xăng, dầu, mỡ nhờn được giảm để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trước bối cảnh dịch COVID-19, góp phần kiềm chế lạm phát.
Bộ Tài chính cũng dẫn các nghiên cứu cho thấy so với nhiều nước trên thế giới, tỉ trọng thuế trong giá xăng dầu bán ra của nước ta hiện nay vẫn thấp hơn mức bình quân chung.
Tính toán theo mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu 4.000 đồng/lít đối với xăng và 2.000 đồng/lít đối với dầu diesel, nếu giá dầu thô thế giới trong khoảng từ 90-100 USD/thùng thì tỉ lệ thuế trong giá xăng, dầu khoảng 31% đối với xăng, 18,7% đối với dầu.
Trong khi đó, tỉ trọng thuế trong giá bán xăng dầu ở nhiều nước chủ yếu trong khoảng 40-55% đối với xăng và 35-50% đối với dầu (ngoại trừ một số quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn có tỉ trọng thấp hơn).
Cũng theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh khung thuế theo định hướng nêu trên sẽ góp phần đảm bảo thuận lợi trong công tác điều hành nhằm chủ động ứng phó khi giá xăng dầu thế giới biến động mạnh.
Phù hợp với xu hướng điều chỉnh tăng thuế đối với các sản phẩm nhiên liệu hóa thạch của các nước để thực hiện cam kết quốc tế về giảm mức phát thải ròng.
Khi giá xăng dầu thế giới tăng cao, để góp phần kiềm chế lạm phát thì thực hiện điều hành mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn ở mức sàn như hiện hành.
Khi phải thực hiện cắt giảm thuế nhập khẩu theo cam kết quốc tế cũng như phải thực hiện biện pháp mạnh để giảm mức thải ròng về “0” vào năm 2050 theo cam kết của Chính phủ tại COP26 thì thực hiện điều chỉnh tăng mức thuế này với xăng, dầu, mỡ nhờn cho phù hợp.
Đề xuất bổ sung mức thuế bảo vệ môi trường ưu đãi với xăng sinh học
Theo dự thảo, hiện nay xăng sinh học phổ biến trên thị trường trong nước là xăng E5RON92 có hàm lượng etanol khoảng 5% và xăng gốc hóa thạch (xăng không chì) chiếm 95%.
Tuy nhiên, quy định chỉ không thu thuế bảo vệ môi trường đối với etanol tại luật chưa có tác động mạnh nhằm khuyến khích việc sản xuất, nhập khẩu và sử dụng xăng sinh học thay thế xăng gốc hóa thạch.
Từ đó dự thảo đề nghị bổ sung quy định mức thuế bảo vệ môi trường ưu đãi đối với xăng sinh học.
Cụ thể, quy định mức thuế bảo vệ môi trường ưu đãi để đảm bảo số thuế phải nộp đối với xăng sinh học phải thấp hơn so với số thuế phải nộp theo cách tính hiện hành.
Cùng với đó phân loại mức thuế bảo vệ môi trường ưu đãi với từng loại xăng sinh học theo tỉ lệ phối trộn etanol (tương tự như thuế tiêu thụ đặc biệt), trong đó xăng sinh học có tỉ lệ phối trộn etanol càng cao thì áp dụng mức thuế này thấp hơn.
Dự thảo cũng nêu việc đề nghị sửa đổi quy định về thời điểm tính thuế này đối với xăng dầu nhập khẩu.