Bộ trưởng Bộ Công Thương: Livestream bán hàng vi phạm pháp luật sẽ bị xoá trang vĩnh viễn, chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra

05-06-2024 18:22|Chi Hạ

Hoạt động của các đối tượng bán hàng qua livestream, thương mại điện tử biến hoá khôn lường nên các quy định pháp luật cần kịp thời sửa đổi phù hợp với thực tế.

Chiều ngày 4/6, Quốc hội khoá XV tiến hành Phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7. Tại phiên họp, Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên về vấn đề livestream bán hàng trên mạng xã hội mang về doanh thu hàng trăm tỷ một ngày trong thời gian qua.

Vị Đại biểu này đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết thông tin này đúng hay không? Nếu đúng, Bộ trưởng cần cho biết việc quản lý hình thức thương mại điện tử diễn ra như thế nào?

Theo ông Nghĩa, giá bán ở các phiên livestream hàng chục tỷ đồng này thường thấp hơn giá đại lý rất nhiều, gây bất ổn, hoang mang trên thị trường về vấn đề hàng thật, hàng giả. Vì vậy, ông Nghĩa đề nghị Bộ trưởng nhận định vấn đề này, cách xử lý và có kinh nghiệm quốc tế nào để giải quyết triệt để vấn đề này.

>> Truy thu gần 3.000 tỷ đồng từ hơn 22.000 vụ vi phạm thuế thương mại điện tử và livestream bán hàng

Ngoài ra, Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa cũng cho rằng, giải pháp của Bộ Công Thương là quản lý các sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, đây là sàn đã có định danh vì vậy quản lý tương đối dễ, còn các cá nhân bán hàng qua livestream mới là vấn đề đáng lo.

“Các cá nhân này có thể livestream bán hàng với doanh thu lên tới cả trăm tỷ đồng mỗi ngày là vấn đề rất lớn chứ không phải chỉ mang tính cá nhân. Theo giải pháp của Bộ trưởng là là xóa các trang đó như báo cáo trình bày trước Quốc hội thì không giải quyết được triệt để vì xoá thì khó nhưng lập trang mới lại rất dễ”, ông nghĩa nêu thực tế.

Đại biểu này cũng đánh giá nếu cứ chạy theo như vậy, xóa trang và người bán lại lập mới thì rất khó giải quyết dứt điểm vấn đề này.

Ông Đỗ Chí Nghĩa nhận định: "Cảm giác nếu không đi đúng hướng thì cơ quan quản lý rất vất vả, cứ đuổi theo như một ma trận, trong khi người tiêu dùng thì lãnh đủ, cơ quan thuế thì thất thu”.

Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chất vấn. Ảnh: Hoàng Phong
Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, ông Đỗ Chí Nghĩa chất vấn. Ảnh: Hoàng Phong

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thừa nhận việc quản lý bán hàng online, livestream gặp nhiều khó khăn. Theo Bộ trưởng, giải pháp tốt nhất trong việc quản lý hoạt động bán hàng trên sàn thương mại điện tử nói chung và livestream nói riêng là sự phối hợp của nhiều Bộ, ngành liên quan. Không chỉ ngành Công Thương mà còn cần sự vào cuộc của Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Tài chính…

Trong đó, với ngành Công Thương, lực lượng quản lý thị trường tăng cường rà soát, kiểm tra để phát hiện, làm rõ hành vi sai phạm của các đối tượng bán hàng online. Bộ này cũng tăng chia sẻ dữ liệu với các cơ quan, để kịp thời xử lý sai phạm, đặc biệt là chống thất thu thuế.

Hoạt động của các đối tượng bán hàng qua livestream, thương mại điện tử biến hoá rất khôn lường nên các quy định pháp luật cần kịp thời sửa đổi phù hợp với thực tế.

>> Chống thất thu thuế bán hàng livestream

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, đây là lĩnh vực mới, không chỉ với Việt Nam mà còn với tất cả các quốc gia trên thế giới. Hiện, tốc độ phát triển thương mại điện tử của nước ta rất mạnh, trung bình đạt khoảng 20 - 25% một năm, quy mô thương mại là 21 tỷ USD.

Trong tương lai chắc chắn thương mại điện tử sẽ phát triển hơn nữa nên cơ chế chính sách cần tiếp tục hoàn thiện. Đồng thời cần phát huy vai trò quản lý Nhà nước của địa phương trong xem xét xử lý những xung đột lợi ích giữa người mua và người bán trong trường hợp này.

Trường hợp chứng minh được vi phạm của người bán online, livestream... thì ngành chức năng chắc chắn sẽ xóa vĩnh viễn các trang kinh doanh và yêu cầu chủ phòng livestream chịu trách nhiệm trước pháp luật. Việc này sẽ giúp từng bước giảm vi phạm pháp luật trong bán hàng online.

Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định: "Với những trường hợp phát hiện vi phạm sẽ hoàn tất hồ sơ chuyển sang cơ quan chức năng xem xét xử lý theo quy định pháp luật."

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn. Ảnh: Gia Hân
Bộ trưởng Bộ Công Thương, ông Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn. Ảnh: Gia Hân

Trước đó, tại họp báo thường kỳ Chính phủ chiều ngày 1/6, Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, năm 2022, doanh thu quản lý thuế từ các tổ chức và cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, trong đó bao gồm livestream bán hàng là 3,1 triệu tỷ đồng; số thuế đã nộp là 83.000 tỷ đồng. Năm 2023, doanh thu quản lý thuế là 3,5 triệu tỷ đồng và số thuế đã thu khoảng 97.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, giai đoạn 2021-2023, cơ quan quản lý đã xử lý 22.159 trường hợp vi phạm, bao gồm cả doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân, với số thuế thu tăng thêm gần 3.000 tỷ đồng.

>> Bộ trưởng Tài chính: Thu được 15,6 nghìn tỷ đồng thuế từ sàn thương mại điện tử

Chống thất thu thuế bán hàng livestream

Bộ trưởng Tài chính: Thu được 15,6 nghìn tỷ đồng thuế từ sàn thương mại điện tử

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/bo-truong-bo-cong-thuong-livestream-ban-hang-vi-pham-phap-luat-se-bi-xoa-trang-vinh-vien-chuyen-ho-so-sang-co-quan-dieu-tra-237470.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Bộ trưởng Bộ Công Thương: Livestream bán hàng vi phạm pháp luật sẽ bị xoá trang vĩnh viễn, chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra
    POWERED BY ONECMS & INTECH