Tài chính Ngân hàng

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc: ‘Trái phiếu doanh nghiệp sẽ bắt đầu chu kỳ mới’

Khúc Văn 12/02/2024 03:03

Để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển đúng với tiềm năng và vai trò là kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế cần có sự “chung tay góp sức” của tất cả các chủ thể tham gia.

screenshot-2024-02-10-at-22.09.30.png

Đưa ra nhận định về thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) năm 2024, ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính tin rằng thị trường trái phiếu năm 2024 sẽ trở lại mạnh mẽ và phát triển cả về quy mô và chất lượng, tiếp tục khẳng định là kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, ông Phớc cũng nhấn mạnh thị trường TPDN tại Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa và tiềm năng để phát triển, đặc biệt là trong quá trình phục hồi kinh tế, doanh nghiệp cần huy động lượng vốn lớn.

screenshot-2024-02-10-at-22.18.00.png

Có thể nói thời gian vừa qua là chặng đường sóng gió với trái phiếu doanh nghiệp. Nhìn lại những diễn biến bất ổn đó, chúng ta đúc kết được bài học gì, thưa Bộ trưởng?

Trên thực tế, khung khổ pháp lý đối với thị trường TPDN bắt đầu từ năm 1994, tuy nhiên đến năm 2016, thị trường mới bước vào giai đoạn phát triển. Trong giai đoạn này đã có phát sinh một số vấn đề ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thị trường.

Mặc dù, Bộ Tài chính đã theo sát tình hình phát triển của thị trường nhưng không thể phủ nhận những khó khăn, thách thức, rủi ro mà thị trường phải đối mặt.

Nguyên nhân chính là do một số doanh nghiệp lợi dụng cơ chế khuyến khích tự do kinh doanh, hoạt động, lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ, sử dụng vốn được quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020 cộng thêm sự thiếu thông tin của một số nhà đầu tư để tăng vốn ảo, sau đó phát hành TPDN với khối lượng lớn.

Thêm nữa, chất lượng nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân chưa cao, kiến thức tài chính, năng lực phân tích rủi ro của nhiều nhà đầu tư hạn chế; nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp là cá nhân mua trái phiếu chỉ vì lãi suất cao, không hiểu rõ rủi ro, quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật, mặc dù đã được các cơ quan Nhà nước thông tin, tuyên truyền, cảnh báo rất nhiều lần.

Tính tuân thủ và đạo đức nghề nghiệp của một số doanh nghiệp phát hành và tổ chức cung cấp dịch vụ chưa cao. Nguyên nhân của những bất ổn trong thời gian vừa qua xuất phát từ một số tổ chức, trong đó có Ngân hàng Thương mại, đã phân phối trái phiếu cho một số lượng lớn các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ bao gồm cả những người dân gửi tiền tiết kiệm ngân hàng.

Cùng với đó, hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra của các cơ quan quản lý Nhà nước còn gặp nhiều khó khăn do phạm vi, đối tượng liên quan đến TPDN ngày càng mở rộng, các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường ngày càng tinh vi, khó phát hiện và xử lý. Quy định pháp luật về người có liên quan, sở hữu chéo, tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật doanh nghiệp còn chưa đầy đủ. Cơ chế và nguồn lực giám sát liên thông giữa các lĩnh vực của thị trường tài chính còn hạn chế.

Những bất ổn đó để lại cho chúng ta bài học như thế nào, thưa ông?

Đứng trên góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, tôi đúc rút ra một số bài học kinh nghiệm:

Thứ nhất, phải coi trọng công tác phân tích, dự báo tình hình để chủ động, linh hoạt và ứng phó nhanh với những biến động về kinh tế - tài chính trong và ngoài nước. Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo điều kiện ổn định, phát triển nhanh, an toàn, hiệu quả, bền vững thị trường TPDN.

Thứ hai, phát triển cân đối, hài hòa các kênh cung ứng vốn từ thị trường vốn, thị trường tín dụng và mối quan hệ liên thông giữa các thị trường với đối tượng sử dụng vốn là các doanh nghiệp trong nền kinh tế.

Thứ ba, trong chỉ đạo, điều hành cần sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo để ứng biến kịp thời với sự vận động của thị trường, đảm bảo mục tiêu an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững.

Thứ tư, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện sớm các nguy cơ, rủi ro và các sai phạm để răn đe, chấn chỉnh, đảm bảo sự an toàn của thị trường.

Thứ năm, tăng cường công tác đào tạo, tuyên truyền, phổ biến kiến thức tài chính theo các cấp độ cho các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân để hiểu rõ về rủi ro, quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật khi tham gia thị trường.

screenshot-2024-02-10-at-22.17.33.png

Nhiều kỳ vọng các điều chỉnh về khuôn khổ pháp luật và nhận thức về trái phiếu doanh nghiệp hiện tại sẽ mở ra một chu kỳ mới cho sự phát triển của thị trường, một chu kỳ phát triển ổn định hơn, thực chất và có tốc độ tăng trưởng chậm hơn. Theo quan điểm của ông, liệu kỳ vọng này có thành hiện thực?

Thời gian qua, thị trường TPDN đã hình thành và đóng góp lớn cho sự phát triển của nền kinh tế và thực sự được quan tâm phát triển trong 5 năm trở lại đây. Chúng ta đã chứng kiến thị trường TPDN rất sôi động.

Tuy vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển, thị trường TPDN đã phát triển nhanh với quy mô tăng trưởng bình quân khoảng 33%/năm, đáp ứng nhu cầu huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế theo đúng chủ trương, mục tiêu của Đảng và Nhà nước là phát triển cân bằng giữa thị trường tín dụng và thị trường trái phiếu nhằm giảm áp lực cho hệ thống ngân hàng.

Tính đến cuối tháng 10/2023, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp khoảng 1 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 10,5%GDP, bằng 8% tổng dư nợ tín dụng, cho thấy đây là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế. Cùng với sự phát triển của thị trường, chúng ta cơ bản đã xây dựng được khung khổ pháp lý khuyến khích thị trường TPDN phát triển.

Tuy nhiên, so với quy mô thị trường TPDN so với GDP của một số quốc gia trong khu vực hiện nay như Malaysia (45%) và Thái Lan (26%), thị trường TPDN tại Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa và tiềm năng để phát triển, đặc biệt là trong quá trình phục hồi kinh tế, doanh nghiệp cần huy động lượng vốn lớn.

Hiện nay, quy mô thị trường TPDN chỉ chiếm khoảng 10% GDP trong khi quy mô thị trường tín dụng chiếm đến khoảng 130%GDP, phản ánh thực trạng thị trường vốn Việt Nam đang phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng.

Bên cạnh đó, trong quá trình phát triển thị trường TPDN đã có những vấn đề bất cập như tái cơ cấu chưa cân bằng giữa phát hành ra công chúng và phát hành riêng lẻ. Một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu huy động vốn có nhiều rủi ro cao, cá biệt có một số trường hợp lợi dụng những quy định thông thoáng của Luật Doanh nghiệp khi thành lập hoạt động của doanh nghiệp vi phạm pháp luật về công bố thông tin và sử dụng trái mục đích.

screenshot-2024-02-10-at-22.17.48.png

Trong thời gian tới, để thị trường TPDN phát triển đúng với tiềm năng và vai trò là kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế cần có sự “chung tay góp sức” của tất các chủ thể tham gia trên thị trường.

Riêng đối với cơ quan quản lý, tôi cho rằng các Bộ, ngành cần thực hiện đồng bộ các giải pháp điều hành chính sách vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; tháo gỡ khó khăn, ổn định thị trường bất động sản; theo dõi thanh toán TPDN đến hạn và tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền; tổ chức thị trường và nâng cao hiệu quả quản lý giám sát; rà soát tổng thể để hoàn thiện quy định của pháp luật tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và các Luật liên quan; nghiên cứu chính sách khuyến khích xếp hạng tín nhiệm, thúc đẩy lộ trình nâng hạng thị trường chứng khoán, phát triển hệ thống nhà đầu tư tổ chức; tăng cường nguồn lực, nhân sự cho các cơ quan thanh, kiểm tra của UBCKNN và NHNN....

Nhưng đó mới chỉ là những giải pháp mang tính chất ngắn hạn. Vậy về lâu dài, trong dài hạn, chúng ta cần xử lý vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Về trung và dài hạn, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, rà soát tổng thể, nghiên cứu báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan đến phát hành TPDN riêng lẻ (Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp).

Đồng thời, tiếp tục phát triển hệ thống các nhà đầu tư tổ chức, các quỹ đầu tư (gồm quỹ đầu tư trái phiếu); tăng cường nguồn lực, nhân sự để quản lý, giám sát và phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán, thị trường TPDN.

Cùng với đó, chúng tôi cũng sẽ tăng cường cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin và giám sát liên thông giữa các Bộ, ngành về ngân hàng, chứng khoán và BĐS.

Bước sang năm 2024, áp lực đáo hạn trái phiếu chắc chắn sẽ là nỗi lo lớn cho các doanh nghiệp trong năm tới. Bộ trưởng nhận định như thế nào?

Thời gian qua, thị trường TPDN đã từng bước phát triển theo đúng định hướng trở thành kênh huy động vốn trung, dài hạn quan trọng, góp phần giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Cơ quan quản lý đã xây dựng khung khổ pháp lý khuyến khích thị trường TPDN phát triển bền vững, lành mạnh, hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn cho sản xuất kinh doanh, giúp nhà đầu tư có thêm kênh đầu tư hiệu quả.

Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước có những diễn biến phức tạp, thị trường gặp khó khăn về thanh khoản và niềm tin của thị trường bị ảnh hưởng, Chính phủ và Lãnh đạo Chính phủ đã có các chỉ đạo quyết liệt để khôi phục niềm tin và giảm áp lực thanh khoản của thị trường TPDN.

Về khung khổ pháp lý, ngày 05/3/2023 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế để góp phần giải quyết vấn đề khó khăn trước mắt về thanh khoản, để thị trường có thời gian điều chỉnh lại, góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp cân đối nguồn tiền phục vụ sản xuất kinh doanh và thanh toán nghĩa vụ trái phiếu đến hạn, đồng thời đảm bảo quyền lợi của chủ sở hữu trái phiếu, tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.

Từ ngày 19/7/2023, hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội chính thức hoạt động, góp phần thúc đẩy tính thanh khoản cho thị trường TPDN và tạo điều kiện cho thị trường sơ cấp TPDN riêng lẻ phát triển bền vững hơn.

Bên cạnh đó, Chính phủ, các Bộ, ngành cũng ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp như đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép ngân hàng thương mại giãn thời gian trả nợ lãi và gốc của các khách hàng đang gặp khó khăn, giảm lãi suất, duy trì thanh khoản trên thị trường tiền tệ để cung ứng vốn cho nền kinh tế…

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp để ổn định thị trường theo chỉ đạo của Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ, kể từ quý II/2023 đến nay, thị trường đã dần ổn định trở lại.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường còn khó khăn, để phát triển thị trường TPDN an toàn, lành mạnh, củng cố niềm tin của nhà đầu tư thì từng chủ thể tham gia trên thị trường cũng cần tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật. Cụ thể, doanh nghiệp phát hành cần phải có trách nhiệm đến cùng đối với nghĩa vụ nợ trái phiếu, chủ động minh bạch hóa tình hình tài chính, khả năng trả nợ của doanh nghiệp, kiểm toán báo cáo tài chính, công bố đầy đủ thông tin về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu, tình hình sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu.

Vậy, trong bối cảnh đó, ông có khuyến nghị gì cho cộng đồng doanh nghiệp, thưa ông?

Về phía nhà đầu tư, cần có hiểu biết đầy đủ về quy định của pháp luật, tiếp cận đầy đủ thông tin về doanh nghiệp phát hành và trái phiếu, đánh giá kỹ tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành, đánh giá mức độ rủi ro tương xứng với lợi nhuận đầu tư trái phiếu, tự quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình.

screenshot-2024-02-10-at-22.17.24.png

Các tổ chức cung cấp dịch vụ có trách nhiệm nâng cao chất lượng dịch vụ, tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật và thực hiện nghĩa vụ báo cáo, tư vấn và cung cấp đầy đủ thông tin cho nhà đầu tư mua trái phiếu, làm rõ sự khác biệt giữa TPDN và tiền gửi tiết kiệm ngân hàng, tuyệt đối không được mời chào nhà đầu tư không đáp ứng đủ điều kiện trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mua trái phiếu.

Cơ quan quản lý Nhà nước sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật và công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của thị trường TPDN.

Chúng ta đều biết tinh thần chung của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam là rất bản lĩnh, luôn có tinh thần vượt khó, thích ứng nhanh với mọi tình huống.

Tôi tin rằng các doanh nghiệp sẽ biết nắm bắt cơ hội từ những giải pháp tháo gỡ khó khăn của Chính phủ để thúc đẩy kinh doanh. Các doanh nghiệp cần quan tâm hơn tới việc tăng cường năng lực quản trị, khả năng ứng phó với những biến động thị trường, cơ cấu các nguồn lực theo hướng bền vững hơn, đặc biệt là luôn phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật… có như vậy chúng ta mới có thể phát triển thị trường an toàn, lành mạnh, bền vững.

Thị trường trái phiếu năm 2024 sẽ trở lại mạnh mẽ và phát triển cả về quy mô và chất lượng, tiếp tục khẳng định là kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế.

Trân trọng cảm ơn ông!

Trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong tháng 1/2024 giảm 98%

Giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp giảm mạnh trong tháng 1/2024, nổi bật CII

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/bo-truong-bo-tai-chinh-ho-duc-phoc-trai-phieu-doanh-nghiep-se-bat-dau-chu-ky-moi-222789.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc: ‘Trái phiếu doanh nghiệp sẽ bắt đầu chu kỳ mới’
    POWERED BY ONECMS & INTECH