Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ: “Đối với tôi, hạ cánh mềm là khi nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng, thị trường lao động vẫn phát triển và lạm phát đi xuống".
Tại hội nghị do Wall Street Journal tổ chức ngày 12/12, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen cho hay: “Đối với tôi, hạ cánh mềm là khi nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng, thị trường lao động vẫn phát triển và lạm phát đi xuống. Và tôi tin rằng đó là con đường chúng ta đang đi”.
Đây là bài phát biểu ngay sau khi công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước vào tháng 11, chững lại một chút so với tốc độ tăng 3,2% trong tháng 10.
Đầu năm nay, các chuyên gia khảo sát của Wall Street Journal dự đoán nền kinh tế số một thế giới sẽ suy thoái. Tuy nhiên, vài tháng gần đây, các nhà kinh tế lại tranh luận về việc liệu Mỹ có thể hạ cánh mềm hay không.
Theo bà Yellen, dữ liệu mới chứng tỏ lạm phát đang quay về mức mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và không có vẻ chặng cuối của chu kỳ thắt chặt chính sách sẽ gây khó khăn cho người Mỹ.
“Lạm phát đang đi xuống. Và tôi không thấy lý do gì khiến lạm phát không thể từ từ quay về mức mục tiêu của Fed. Cá nhân tôi cũng không thấy có lý do chính đáng nào để nghĩ rằng chặng cuối sẽ đặc biệt khó khăn”, vị Bộ trưởng giải thích.
Diễn biến lạm phát và lãi suất quỹ liên bang tại Mỹ |
Bà Yellen cho biết, người Mỹ không cho rằng tình trạng lạm phát sẽ kéo dài, điều này sẽ giúp nền kinh tế khống chế đà tăng của giá cả một cách suôn sẻ. Trong các chu kỳ lạm phát trước đây, người Mỹ dự đoán giá cả sẽ tăng trong thời gian dài, buộc Fed phải giữ lãi suất ở mức cao nhằm làm thị trường lao động yếu đi, qua đó đẩy lạm phát xuống.
“Bởi vì kỳ vọng lạm phát chưa bao giờ tăng mạnh trong dài hạn, chúng ta chỉ cần ổn định nền kinh tế”, bà Yellen cho hay.
Khi được hỏi liệu những tiến bộ trên mặt trận chống lạm phát có thể thúc đẩy Fed bắt đầu hạ lãi suất từ mức đỉnh 22 năm hay không, bà Yellen từ chối bình luận về chính sách của Ngân hàng Trung ương Mỹ. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ nói rằng, lạm phát giảm là khi lãi suất thực tăng lên, ngay cả khi Fed giữ lãi suất danh nghĩa ở mức ổn định.
“Tất nhiên, khi lạm phát đi xuống, lãi suất thực có xu hướng tăng. Đó là một yếu tố có thể ảnh hưởng đến quyết định của Fed về lãi suất”, bà Yellen thông tin.
Ngay cả khi nền kinh tế Mỹ vẫn hoạt động bền bỉ, nhiều người tiêu dùng vẫn có cái nhìn bi quan. Đây sẽ là một thách thức đối với chính quyền Tổng thống Joe Biden trước cuộc bầu cử năm 2024. Bà Yellen cho biết tâm lý bi quan của một số người bắt nguồn từ những căng thẳng thời đại dịch, cũng như do thực tế là nhiều mặt hàng vẫn tăng giá dù với tốc độ chậm hơn trước.
“Chúng tôi đang cố gắng để kìm hãm đà tăng của giá cả”, bà Yellen nói, đồng thời đề cập đến những thành tựu lập pháp của chính quyền ông Biden.
Tăng trưởng GDP hàng quý của Mỹ |
Bà cũng lưu ý rằng lãi suất tăng cao đang gây áp lực lên ngân sách của chính phủ liên bang bằng cách làm chi phí đi vay phình to. Theo bà Yellen, các kế hoạch tăng doanh thu thuế do chính quyền ông Biden đề xuất, nhiều trong số đó đã bị Quốc hội bác bỏ, có thể giúp nền tài khoá của Mỹ bền vững hơn.
Ngoài ra, bà cho biết chi tiêu cho An sinh Xã hội và Medicare dự kiến sẽ tăng lên và vấn đề chi tiêu này cần được đem ra bàn luận để tìm hướng giải quyết.
>> Chính phủ yêu cầu giải ngân vốn đầu tư công đạt ít nhất 95%