Bộ Xây dựng phản hồi đề xuất áp giá trần nhà ở xã hội
Nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất cần áp giá trần nhà ở xã hội để người thu nhập thấp dễ tiếp cận. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng khẳng định không thể áp dụng một mức giá chung do đặc thù đơn giá từng địa phương.
Đề xuất áp giá trần, giá sàn với nhà ở xã hội
Sáng 24/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội. Vấn đề kiểm soát giá bán, giá thuê đang là điểm nghẽn lớn, thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu.
Khẳng định nhà ở xã hội là chính sách nhân văn, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận) nêu quan điểm, nếu không kiểm soát tốt giá bán, giá thuê thì chính sách sẽ khó phát huy hiệu quả. Ông đề nghị Chính phủ có phương án điều tiết phù hợp, giúp người dân thu nhập thấp tiếp cận dễ dàng hơn.

Đại biểu Phan Đức Hiếu (Đoàn Thái Bình) cho rằng, quy trình hiện tại với nhiều bước thẩm định, kiểm toán giá bán nhà ở xã hội vừa tốn thời gian, vừa khiến chi phí đội lên. "Chậm xác định giá cũng là tiền, khiến giá nhà bị đẩy cao. Nên nghiên cứu phương án áp giá trần để tiết kiệm thời gian, công sức và giảm giá thành", ông Hiếu đề xuất, đồng thời cho rằng nên cho phép doanh nghiệp chủ động linh hoạt về giá, kể cả bán thấp hoặc chấp nhận lãi ít vì mục đích xã hội.
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn TP. HCM) nêu thực tế nhiều người lao động đang xa dần giấc mơ sở hữu nhà ở xã hội do giá bán vượt xa khả năng chi trả. Bà đề xuất cần có cơ chế trợ giá, bù giá từ ngân sách Nhà nước hoặc Quỹ nhà ở quốc gia, đồng thời đảm bảo công khai, minh bạch trong xét duyệt để người dân có thu nhập thấp được tiếp cận công bằng.
"Đừng để những khu nhà ở xã hội bị bỏ hoang, xuống cấp với sự tiếc nuối và khát khao của biết bao người lao động", nữ đại biểu nhấn mạnh.
Bộ Xây dựng: Không thể áp giá trần, giá sàn
Trước đề xuất của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh khẳng định không thể áp dụng một mức giá trần hay giá sàn chung cho nhà ở xã hội. Lý do là giá vật liệu, đơn giá xây dựng tại từng địa phương là khác nhau.

Theo Bộ trưởng, sau khi có thiết kế mẫu, Sở Xây dựng và Sở Tài chính địa phương sẽ phê duyệt giá dự toán, và mức giá bán chỉ được phép chênh lệch tối đa 10% so với giá thành được duyệt. "Nếu áp giá sàn, khoảng 34 tỉnh thành sẽ không thể thực hiện được do mỗi nơi một đơn giá vật tư", ông nói.
Ông cũng cho biết, việc phát triển nhà ở xã hội là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Tuy nhiên, thực tế đến nay mới hoàn thành khoảng 15% mục tiêu 1 triệu căn hộ giai đoạn 2021–2030. Riêng năm 2025, mục tiêu là 100.000 căn nhưng mới hoàn thành 15.600 căn và chỉ đạt 44% nếu tính cả số đang khởi công.
Bên cạnh các vướng mắc về chính sách và thủ tục, gói tín dụng 145.000 tỷ đồng dành cho phát triển nhà ở xã hội đến tháng 4 chỉ mới giải ngân được 3.042 tỷ đồng, tương đương gần 3%. Bộ trưởng nhận định: "Một số quy định tín dụng quá chặt, khiến nhà đầu tư ngại tham gia".
Do đó, dự thảo Nghị quyết lần này đã lược giản, lồng ghép nhiều thủ tục, giúp rút ngắn thời gian triển khai từ 300 ngày xuống còn 75 ngày.
>> Gia đình đông con tại Việt Nam sẽ được hưởng chính sách riêng về nhà ở xã hội?
Từ ngày 1/7, nhà ở, công trình thiếu đường, lối thoát nạn sẽ bị xử phạt nặng
Gia đình đông con tại Việt Nam sẽ được hưởng chính sách riêng về nhà ở xã hội?