Đề xuất cho phép cán bộ có nhà ở cách nơi làm việc trên 30km được mua nhà ở xã hội
Dự thảo nghị quyết đề xuất với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được sắp xếp lại, việc xác định điều kiện về nhà ở của đối tượng thụ hưởng chính sách sẽ căn cứ theo địa giới hành chính của địa phương nơi có dự án trước thời điểm sáp nhập.
Sáng 20/5, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh đã trình bày trước Quốc hội Dự thảo nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội.
Theo Bộ trưởng, mặc dù thời gian qua lĩnh vực này đã đạt được một số kết quả nhất định, song tiến độ triển khai vẫn còn chậm so với mục tiêu đề ra.
Cụ thể, đến nay các địa phương mới chỉ thực hiện được chưa đến 16% mục tiêu của Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021–2030.
Một trong những nội dung trọng tâm của dự thảo là đề xuất sửa đổi điều kiện xác định đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội, nhất là trong bối cảnh sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Theo quy định hiện hành, người mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội phải đáp ứng điều kiện chưa sở hữu nhà ở tại tỉnh/thành phố nơi có dự án, hoặc nếu có thì diện tích bình quân đầu người phải thấp hơn mức tối thiểu theo quy định.
>> Liên danh Tập đoàn Hòa Phát đề xuất làm dự án đường sắt đô thị hơn 2 tỷ USD tại TP. HCM
Tuy nhiên, quy định này đang bộc lộ nhiều bất cập, đặc biệt tại các tỉnh có diện tích rộng, nơi người dân sinh sống tại vùng nông thôn nhưng làm việc ở các đô thị xa nơi cư trú, khiến họ không đáp ứng điều kiện thụ hưởng dù nhu cầu là có thật. Việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh trong thời gian tới càng làm gia tăng bất cập.
Sau sáp nhập, nhiều người từng đủ điều kiện sẽ bị loại khỏi nhóm được hưởng chính sách, dù thực tế nhu cầu nhà ở của họ không thay đổi. Do đó, Bộ Xây dựng cho rằng điều kiện chưa có nhà ở như quy định hiện hành không còn phù hợp.
Dự thảo nghị quyết đề xuất với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được sắp xếp lại, việc xác định điều kiện về nhà ở của đối tượng thụ hưởng chính sách sẽ căn cứ theo địa giới hành chính của địa phương nơi có dự án trước thời điểm sáp nhập.
Bên cạnh đó, đối với trường hợp người lao động có chỗ ở nhưng nơi làm việc cách xa, điều kiện được mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội gần nơi làm việc sẽ được xét theo tiêu chí người đó chưa sở hữu nhà ở, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở tại khu vực làm việc.
Trường hợp đã có nhà ở thuộc sở hữu của mình thì khoảng cách từ nhà đến nơi làm việc phải từ 30km trở lên.
Một nội dung quan trọng khác được Bộ Xây dựng nêu tại dự thảo là cơ chế xác định giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội – vấn đề vốn gây nhiều khó khăn cho cả chính quyền địa phương lẫn chủ đầu tư.
Hiện nay, giá bán, thuê mua nhà ở xã hội do chủ đầu tư lập phương án theo nguyên tắc quy định (đảm bảo tỷ lệ lợi nhuận định mức 10%) và trình cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh thẩm định tại thời điểm nhà ở đủ điều kiện giao dịch. Tuy nhiên, do nhiều chi phí chỉ được xác định rõ ràng sau khi hoàn tất dự án (như chi phí đầu tư xây dựng, hạ tầng, bán hàng, quản lý...), việc thẩm định tại thời điểm giữa chừng chỉ mang tính dự toán, thiếu cơ sở chính xác.
Thực tế, hiện nay việc thẩm định giá thường trải qua hai lần: lần đầu là tạm tính khi chủ đầu tư nộp hồ sơ; lần thứ hai sau khi dự án hoàn thành, dựa trên kết quả kiểm toán quyết toán. Giá bán/thuê mua không được vượt quá mức thẩm định lần đầu; nếu thấp hơn, chủ đầu tư phải hoàn trả phần chênh lệch hoặc điều chỉnh hợp đồng với người mua.
Cơ chế này không chỉ kéo dài thời gian thẩm định, mà còn khiến chủ đầu tư gặp khó trong việc xây dựng phương án kinh doanh, kiểm soát dòng tiền, đồng thời tạo áp lực lên các cơ quan thẩm định địa phương.
Trước thực trạng đó, dự thảo nghị quyết đề xuất: căn cứ theo phương pháp xác định giá và tỷ lệ lợi nhuận định mức quy định tại Luật Nhà ở, chủ đầu tư được quyền tự xây dựng và phê duyệt giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội. Trước khi phê duyệt, chủ đầu tư phải thuê đơn vị tư vấn có đủ năng lực để thẩm tra phương án giá.
Việc xác định giá có thể thực hiện linh hoạt theo từng công trình, từng giai đoạn hoặc phân kỳ đầu tư trong tổng thể dự án, bảo đảm phù hợp tiến độ thực hiện và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho quá trình triển khai nhà ở xã hội.