Gia đình đông con tại Việt Nam sẽ được hưởng chính sách riêng về nhà ở xã hội?
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa định hướng nghiên cứu bổ sung nhóm đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội, trong đó có các gia đình đông con và người nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khi sinh con.
Mở rộng chính sách nhà ở xã hội
Tại phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật ngày 22/5, trong phần thảo luận về đề nghị xây dựng Luật Dân số, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu chuyển từ tư duy "kế hoạch hóa dân số" sang phát triển dân số bền vững, thích ứng với xu hướng già hóa đang diễn ra nhanh chóng, theo báo VnExpress.

Một trong những giải pháp được Thủ tướng đề cập là mở rộng chính sách nhà ở xã hộinhằm hỗ trợ, khuyến khích người dân sinh con và tạo điều kiện phát triển con người toàn diện.
Hiện tại, nhà ở xã hội là phân khúc nhà ở do Nhà nước hỗ trợ phát triển, hướng tới mục tiêu đảm bảo chỗ ở giá rẻ cho các nhóm yếu thế trong xã hội.
Các đối tượng thụ hưởng bao gồm: Người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ, hộ nghèo và cận nghèo ở nông thôn và đô thị, người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, cán bộ lực lượng vũ trang...
>> Từ bây giờ, sẽ không thu tiền sử dụng đất đối với những trường hợp đất ở này

Trước đó, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) từng đề xuất chính sách hỗ trợ tài chính một lần cho các cặp vợ chồng có từ hai con trở lên khi mua nhà ở xã hội.
VARS lý giải rằng giá nhà tăng cao khiến chi phí thuê nhà leo thang, tạo áp lực tài chính nặng nề, dẫn đến xu hướng trì hoãn sinh con hoặc chỉ sinh một con ở nhiều gia đình trẻ.
Thách thức kép: Mức sinh thấp, dân số già hóa nhanh
Tình trạng mức sinh giảm sâu trong khi tốc độ già hóa dân số tăng nhanh, đặc biệt tại các đô thị lớn, đang đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với tương lai phát triển bền vững của Việt Nam.

Theo số liệu từ Cục Thống kê (Bộ Tài chính), năm 2024, số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ chỉ còn 1,96 – mức thấp nhất trong lịch sử. Năm 1989, con số này là 3,6.
Tại TP. HCM, mức sinh giảm mạnh từ 1,42 con (năm 2023) xuống còn 1,32 con vào năm ngoái. Đồng thời, độ tuổi kết hôn lần đầu tại thành phố đã chạm ngưỡng 30,4 – cao nhất cả nước. Hệ lụy là lực lượng lao động trẻ suy giảm, năng suất lao động bị ảnh hưởng và gánh nặng an sinh xã hội ngày càng lớn.
Đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội – một trong những mũi nhọn chính sách
Để ứng phó với những biến động dân số, Chính phủ đang thúc đẩy chương trình xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030, theo VTC News.
Tuy nhiên, tiến độ hiện vẫn chậm so với kế hoạch. Báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết, đến hết năm 2024, mới chỉ có khoảng 21.000 căn được hoàn thành, tương đương hơn 16% mục tiêu giai đoạn đầu (130.000 căn).
Trong giai đoạn 2025–2030, mục tiêu là hoàn thành gần 1 triệu căn hộ, trong đó Hà Nội cần triển khai gần 45.000 căn và TP. HCM khoảng 67.000 căn. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo nghị quyết thí điểm một số cơ chế đặc thù cho phát triển nhà ở xã hội.
Điểm nhấn đáng chú ý là đề xuất thành lập Quỹ nhà ở quốc gia – một quỹ tài chính ngoài ngân sách, hoạt động phi lợi nhuận nhằm hỗ trợ người dân tiếp cận nhà ở với chi phí hợp lý.
>> Từ 1/7, chung cư và quán ăn thuộc diện này bắt buộc phải mua bảo hiểm cháy nổ