'Bông hồng thép' Nguyễn Đức Thạch Diễm: Hành trình thăng tiến đặc biệt và 8 năm tái sinh Sacombank
"Hãy sống thật ý nghĩa vì bạn chỉ có một lần duy nhất được sống”, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm viết trên trang cá nhân.
Ngày 21/5, Sacombank bất ngờ thông báo Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Thạch Diễm nộp đơn từ nhiệm, khép lại hành trình hơn 8 năm chèo lái nhà băng vượt qua giai đoạn hậu sáp nhập đầy thử thách.
Dù không phải là người sáng lập hay sở hữu nhiều cổ phần, bà Thạch Diễm – với tư cách một “người làm công chuyên nghiệp” – vẫn ghi dấu ấn rõ nét trong giai đoạn Sacombank vượt qua sóng gió tái cấu trúc, theo cách như lời một thành viên HĐQT từng nói: “Thời thế tạo anh hùng”.
“Thời thế tạo anh hùng”: Hành trình thăng tiến khác biệt của nữ CEO Sacombank
Gia nhập Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, mã STB) từ năm 2002 với vị trí nhân viên kế toán, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm đã từng bước thăng tiến qua nhiều vị trí quản lý từ cấp trung đến cấp cao. Với quãng thời gian “thực chiến” ở các chi nhánh tỉnh, bà nắm rõ thực tế hoạt động kinh doanh tại cơ sở - nền tảng vững chắc cho quá trình lãnh đạo sau này.
Năm 2013, bà Thạch Diễm được bổ nhiệm làm Giám đốc khu vực Nam Trung Bộ Tây Nguyên. Ông Phan Đình Tuệ, Thành viên HĐQT Sacombank - người từng là sếp của bà Diễm chia sẻ trong một sự kiện rằng, ông đã tham gia điều hành tại Sacombank khi bà Diễm còn làm ở chi nhánh tỉnh và chứng kiến sự trưởng thành cũng như bản lĩnh của nữ quản lý.
Năm 2014, với hàng loạt thành tích kinh doanh, bà Thạch Diễm được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh khu vực Nam Trung Bộ Tây Nguyên. Thời điểm này, bộ máy Ban lãnh đạo của STB rất đông người, có đến 20 vị Phó TGĐ phụ trách các phần công việc riêng lẻ như kinh doanh (chia nhỏ từng khu vực thị trường), công nghệ thông tin, quản lý rủi ro, thanh toán, tiền tệ,…
![]() |
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm |
Năm 2016, giữa bối cảnh ngành ngân hàng bước vào giai đoạn tái cơ cấu sâu rộng, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm được điều chuyển về TP. Hồ Chí Minh, phụ trách xử lý nợ, một trong những lĩnh vực "xương" nhất của ngân hàng.
Theo ông Phan Đình Tuệ, thời điểm đó ngân hàng trải qua nhiều biến động, đặc biệt là sự thay đổi toàn diện trong bộ máy lãnh đạo cấp cao. Giữa bối cảnh khó khăn, bà Diễm được xem là ứng viên nổi bật nhất cho vị trí Tổng Giám đốc.
“Đến năm 2017, Sacombank có những biến động, có đội ngũ Hội đồng quản trị mới và Thạch Diễm là gương mặt sáng nhất được đề cử làm Tổng giám đốc… Tôi có thể ví von, thời thế tạo anh hùng”, ông Tuệ chia sẻ.
Theo Báo Đầu tư (năm 2019), bà Nguyễn Đức Thạch Diễm thẳng thắn nhìn nhận ba thách thức lớn nhất khi tiếp quản vị trí Tổng Giám đốc Sacombank là: “Uy tín của Sacombank giảm tận đáy, nhân sự giỏi ra đi, lương, chính sách đãi ngộ thấp”. Bà cho rằng yếu tố then chốt để vượt qua giai đoạn cam go ấy chính là cách hành xử xuất phát từ cái tâm – “cái tâm sáng, đủ mạnh, đủ lửa truyền để hàng nghìn nhân sự đặt niềm tin khi Hội đồng quản trị vừa bị ‘sụp’, người thì bị bắt, người thì tạo ra nợ xấu…”
Không chỉ đối mặt với áp lực tái cấu trúc, nữ CEO còn phải gánh thêm một thử thách đặc biệt: lãnh đạo một đội ngũ gồm tới 17 Phó Tổng Giám đốc, trong đó phần lớn từng là cấp trên của bà – như ông Phan Đình Tuệ hay ông Lê Đức Thịnh. Đây là bài toán không đơn thuần về chuyên môn, mà còn đòi hỏi khả năng thuyết phục, gắn kết và điều hành nhân sự cấp cao trong một tổ chức đang ở thời kỳ nhiều xáo trộn.
Đối mặt với không ít áp lực, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm đã chứng minh năng lực điều hành vững vàng thông qua kết quả cụ thể, đều đặn qua từng năm. Một trong những minh chứng rõ nét nhất là sự ổn định đáng kể trong bộ máy lãnh đạo của Sacombank dưới thời nữ CEO này.
Đến hiện tại, nhiều nhân sự chủ chốt vẫn tiếp tục gắn bó hàng chục năm với ngân hàng, tiêu biểu như ông Nguyễn Minh Tâm (gia nhập từ năm 1995), ông Lê Đức Thịnh (1996), bà Quách Thanh Ngọc Thủy (1992), ông Đào Nguyên Vũ (1993)... Bên cạnh đó, các lãnh đạo chủ chốt khác đều có thâm niên trên 10 năm công tác tại Sacombank – một điều không dễ duy trì trong giai đoạn tái cơ cấu đầy biến động.
Người làm công chuyên nghiệp
Cũng trong một phát biểu được báo Đầu tư ghi lại vào năm 2019, bà Thạch Diễm từng thẳng thắn xác định, bản thân là “người làm công chuyên nghiệp”, nghĩa là việc gì tốt nhất cho cổ đông, nhân viên thì sẽ làm.
Tính đến cuối năm 2024, bà Diễm chỉ sở hữu 76.320 cổ phiếu STB, tương đương 0,004% vốn điều lệ ngân hàng – một con số khiêm tốn, phản ánh đúng nghĩa vai trò “người làm công”. Không phải là người sáng lập, cũng không nắm giữ nhiều cổ phần, nhưng bà lại là người đã điều hành Sacombank một cách bền bỉ và hiệu quả xuyên suốt giai đoạn thử thách nhất trong lịch sử ngân hàng này.
Ngay năm đầu tiên đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc (2017), nữ lãnh đạo đã để lại dấu ấn mạnh mẽ khi xử lý 19.665 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, trong đó có tới 15.365 tỷ đồng thuộc khuôn khổ Đề án tái cơ cấu Sacombank. Nhờ nỗ lực quyết liệt, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng đã giảm mạnh từ 6,68% đầu năm xuống còn 4,59% vào cuối năm 2017.
![]() |
Lợi nhuận Sacombank ngay trong năm đầu bà Diễm điều hành đã tăng trưởng 856% so với mức nền thấp của năm 2016. Ảnh: Báo cáo Sacombank 2017 |
Ngày 20/4/2018, bà Diễm được bầu vào Hội đồng Quản trị Sacombank, đánh dấu vai trò điều hành sâu rộng hơn trong các quyết sách trọng yếu. Không chỉ là thành viên HĐQT, bà còn trực tiếp tham gia, chỉ đạo và giữ vai trò nòng cốt tại hàng loạt hội đồng và ủy ban chuyên trách do Sacombank thành lập nhằm xử lý các vấn đề hậu sáp nhập.
Cụ thể, bà Diễm là Ủy viên Thường trực Ủy ban Chỉ đạo triển khai Đề án tái cơ cấu sau sáp nhập – nơi bà cùng các cộng sự đánh giá toàn diện hoạt động của ngân hàng, đề xuất lộ trình giải pháp chi tiết, đảm bảo tuân thủ các chỉ số an toàn và chuẩn mực kế toán, kiểm toán theo quy định.
Bà đồng thời giữ vai trò Phó Chủ tịch Hội đồng Xử lý nợ và tài sản tồn đọng, trực tiếp phê duyệt và chỉ đạo thực hiện kế hoạch xử lý nợ xấu trên tinh thần minh bạch, đúng định hướng của Đề án được NHNN phê duyệt.
Song song, bà cũng là Phó Chủ tịch Ủy ban Ngăn chặn, xử lý nợ quá hạn và triển khai Nghị quyết 42 – cơ chế pháp lý quan trọng để các ngân hàng thu hồi nợ xấu. Trong vai trò này, bà tham mưu và chỉ đạo các giải pháp quyết liệt như khoanh nợ, bán nợ, chuyển nợ thành vốn góp, nhằm kiểm soát nợ quá hạn phát sinh.
Ngoài ra, bà còn được giao làm Chủ tịch Hội đồng Ngăn chặn và xử lý nợ quá hạn – một thiết chế đặc biệt có chức năng kiểm tra, giám sát và đề xuất các giải pháp tín dụng nhằm đảm bảo hoạt động cho vay được kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với định hướng phục hồi sau sáp nhập.
Bên cạnh việc tập trung xử lý nợ xấu và các tài sản tồn đọng sau sáp nhập, Sacombank dưới sự điều hành của bà Nguyễn Đức Thạch Diễm nỗ lực duy trì và thúc đẩy hoạt động kinh doanh cốt lõi, mở rộng thị phần, gia tăng thu nhập từ các mảng kinh doanh ngoài lãi.
Năm 2017, Sacombank đánh dấu cột mốc quan trọng khi ký kết hợp tác độc quyền 20 năm với Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Dai-ichi Việt Nam – thời hạn dài nhất trên thị trường bancassurance Việt Nam thời điểm đó.
Thỏa thuận này nhanh chóng phát huy hiệu quả. Ngay trong năm đầu triển khai, Sacombank ghi nhận gần 24.000 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ được phân phối, mang về hơn 550 tỷ đồng phí dịch vụ bảo hiểm – vượt kế hoạch đề ra và đóng góp tới 23,2% tổng nguồn thu dịch vụ năm 2018 của ngân hàng.
![]() |
Đại diện Sacombank là bà Nguyễn Đức Thạch Diễm - Tổng giám đốc (bên trái) và đại diện Dai-ichi Life Việt Nam là ông Trần Đình Quân - Tổng giám đốc ký kết hợp đồng hợp tác. Ảnh năm 2017 – Nguồn: Sacombank |
Cũng trong năm này, nợ xấu của Sacombank tiếp tục giảm mạnh về mức 2,11% trong khi lợi nhuận đạt hơn 2.200 tỷ đồng, vượt mức cam kết với cổ đông.
Tính tổng chung từ năm 2017 đến cuối năm 2024, quy mô tổng tài sản của Sacombank tăng từ dưới 370.000 tỷ đồng lên hơn 749.000 tỷ đồng, tiếp tục vượt 757.000 tỷ đồng vào 31/3/2025. Trong cùng giai đoạn, dư nợ cho vay khách hàng cũng ghi nhận sự tăng trưởng đều đặn, đạt hơn 564.000 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý I/2025.
Bên cạnh quy mô, tăng trưởng lợi nhuận cũng là điểm sáng của Sacombank dưới thời CEO Thạch Diễm. Từ mức hơn 1.000 tỷ đồng thời kỳ đầu tái cơ cấu, lợi nhuận Sacombank đã lần đầu tiên vượt mốc 10.000 tỷ đồng trong năm 2024. Quý I năm nay, ngân hàng tiếp tục báo lãi gần 2.900 tỷ đồng, trên tổng lợi nhuận mục tiêu 14.560 tỷ đồng (trước thuế) năm 2025.
Tính đến cuối năm 2024, Sacombank đã thu hồi và xử lý tổng cộng 103.988 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, trong đó 76.695 tỷ đồng thuộc phạm vi Đề án tái cơ cấu. Các khoản tồn đọng thuộc Đề án đã giảm 80,5% về quy mô và 25,7% về tỷ trọng, hiện chỉ còn chiếm 2,4% tổng tài sản của ngân hàng. Bên cạnh đó, Sacombank đã hoàn tất trích lập 100% dự phòng cho toàn bộ danh mục nợ tồn đọng chưa xử lý và xử lý toàn bộ 21.576 tỷ đồng lãi dự thu được khoanh thuộc Đề án.
Hiện tại, Sacombank chỉ còn vướng mắc cuối cùng để hoàn tất Đề án tái cơ cấu đó là chờ NHNN phê duyệt phương án xử lý lô cổ phiếu STB (32,5% vốn điều lệ) đang được Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) quản lý. Sau khi được phê duyệt và xử lý dứt điểm, Sacombank sẽ đủ điều kiện chia cổ tức và tăng vốn điều lệ, mở ra giai đoạn phát triển mới.
![]() |
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm - Phó Chủ tịch thường trực HĐQT kiêm Tổng giám đốc Sacombank trình bày báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh nổi bật năm 2024. Ảnh: Sacombank |
Hiếm khi xuất hiện trước truyền thông chia sẻ về bản thân, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm lựa chọn sự lặng lẽ và kiên định để đồng hành cùng Sacombank suốt hơn 8 năm qua. Trên trang Facebook cá nhân có dấu tích xanh, bà viết: "Hãy sống thật ý nghĩa vì bạn chỉ có một lần duy nhất được sống”.
Cuối tháng 5 này, hành trình đầy nỗ lực của vị CEO đặc biệt tại Sacombank khép lại – và với bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, đó chắc hẳn là một chặng đường đầy ý nghĩa.
>> Giữa sóng nợ xấu và NIM co hẹp, VietinBank 'ém' hơn 27.000 tỷ đồng chờ bung lợi nhuận
Tổng Giám đốc Sacombank gửi thư chia tay, cổ phiếu STB lập tức tăng trần
CEO Sacombank Nguyễn Đức Thạch Diễm viết thư chia tay, khép lại hành trình 8 năm trên 'ghế nóng'