Tài chính Ngân hàng

Bữa tiệc tất niên dang dở của CEO một tổ chức tín dụng

Tuân Nguyễn 02/02/2024 - 14:01

Những cuộc họp đã rất căng thẳng, xoay quanh việc phân loại nợ xấu của các khách hàng doanh nghiệp. Giữ nguyên nhóm nợ hay cho nhảy nhóm? Bữa tiệc tất niên không còn tâm trạng nào, vị CEO bỏ về giữa chừng.

Nợ xấu toàn hệ thống vượt 5%

Nợ xấu tăng mạnh khiến trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tăng vọt, không những bào mòn vào lợi nhuận mà còn cả quỹ thưởng Tết của nhân viên các nhà băng. Điều này khiến cho không khí những bữa tiệc tất niên của một số tổ chức tín dụng đâu đó trở nên miễn cưỡng. Thậm chí, Tổng giám đốc Công ty cho thuê tài chính thuộc một ngân hàng thương mại lớn đã phải bỏ dở bữa tiệc tất niên để ra về vì “không có tâm trạng nào mà tiệc tùng” – theo lời của một nhân viên dưới quyền chia sẻ với VietNamNet.

Trước đó, những cuộc họp trong công ty đã rất căng thẳng, xoay quanh việc phân loại nợ xấu của các khách hàng doanh nghiệp. Giữ nguyên nhóm nợ hay cho nhảy nhóm? Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp cơ cấu nợ thì có giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh hay không? Đó luôn là những trăn trở của lãnh đạo các tổ chức tín dụng trong thời gian qua.

“Lợi nhuận năm 2023 trước trích lập dự phòng khoảng 250 tỷ đồng. Sau trích lập dự phòng chỉ còn hơn 100 tỷ đồng. Đến thời điểm này hy vọng có thưởng Tết là rất mong manh. Chưa có năm nào không khí ảm đạm như năm nay”, nhân viên công ty trên nói với VietNamNet.

Tại buổi Họp báo Triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2024 diễn ra đầu tháng 1, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN, cho biết mặc dù NHNN điều hành rất linh hoạt với các giải pháp đồng bộ, nhưng nợ xấu thời gian qua tăng rất nhanh, đến nay tỷ lệ nợ xấu của toàn ngành đã hơn 5% tổng dư nợ toàn hệ thống.

Nợ xấu của các TCTD được xác định gồm các khoản nợ quá hạn trên 3 tháng trở lên, tương ứng nợ nhóm 3 (nợ dưới chuẩn), nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) và nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn).

Theo quy định, trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tăng dần lên từ 20% với nợ nhóm 3, lên 50% với nợ nhóm 4 và nợ nhóm 5 là 100%.

Báo cáo tài chính quý IV/2023 của các ngân hàng cho thấy, tình trạng nợ nhóm 5 tăng so với năm 2022 xảy ra ở hầu hết các ngân hàng.

Tại BIDV, nợ nhóm 5 tăng 8,33% lên 12.868 tỷ đồng trong bối cảnh các nhóm nợ đều tăng so với cuối năm 2022.

Còn tại VietinBank, nợ nhóm 5 tăng vọt 50% lên gần 9.400 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2023. Nợ nhóm 4 cũng tăng tới 108% lên con số 4.700 tỷ đồng. Thông tin tích cực là nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) và nợ nhóm 3 tại VietinBank đều giảm mạnh so với cuối năm 2022.

Con số nợ xấu tại Vietcombank còn đáng ngại hơn khi đây là năm thứ tư liên tiếp ghi nhận nợ xấu tăng cả về giá trị tuyệt đối lẫn tỷ lệ.

Tại ngày 31/12/2023, nợ xấu của Vietcombank đạt 12.455 tỷ đồng, tăng 59,3% so với cuối năm 2022 và chiếm tỷ lệ 0,98% tổng dư nợ của ngân hàng này, trong khi tỷ lệ này năm 2022 là 0,68%, năm 2021 là 0,64% và năm 2020 chỉ 0,62%.

Đáng chú ý, nợ có khả năng mất vốn của Vietcombank đã tăng 18% lên hơn 7.800 tỷ đồng vào cuối năm 2023. Điều trái ngược là chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lại giảm mạnh 51,8% xuống còn 4.565 tỷ đồng.

z4712307260157 e957d3dcdb92f37b8baa0effe715650a.jpg
Nợ xấu tại các ngân hàng tăng mạnh. (Ảnh: VCB).

Nỗi buồn không của riêng ai

Nợ xấu nói chung và nợ nhóm 5 cũng tăng mạnh tại các ngân hàng thương mại, ngay cả những ngân hàng vốn có khẩu vị rủi ro thấp.

Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank) cho biết tỷ lệ nợ xấu đến cuối 2023 đã tăng lên 3,31% (năm 2022 là 2,79%). BVBank đã phải đẩy mạnh trích lập dự phòng trong quý cuối năm, với chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đạt 135 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ. Lũy kế cả năm, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng gần 280 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2022. Do đó, kết thúc năm 2023, lợi nhuận trước thuế đạt gần 72 tỷ đồng, giảm 84% so với năm 2022.

Tuy nhiên, tín hiệu lạc quan đối với BVBank là năm 2023 đánh dấu bước chuyển dịch thành công sang phân khúc cho vay khách hàng cá nhân. Nếu trong giai đoạn 2019-2022, tỷ trọng cho vay cá nhân trung bình chỉ chiếm 54% trong tổng dư nợ, sang đến năm 2023, con số này đã lên đến 70%.

Việc hướng đến trở thành một ngân hàng bán lẻ với phân khúc khách hàng chủ yếu là cá nhân sẽ giúp phân tán mức độ rủi ro, từ đó dần nâng cao chất lượng tài sản.

Điều tương tự cũng diễn ra với ngân hàng chuyên về bán lẻ như VIB khi cho vay hộ kinh doanh, cá nhân thường chiếm tỷ trọng trên 80% tổng dư nợ (năm 2023 là 84,41% và năm 2022 là 89%).

Mặc dù vậy, dự phòng rủi ro tín dụng của VIB cũng tăng 39% so với cùng kỳ lên hơn 4.200 tỷ đồng. Năm 2023 VIB cũng đã thu hồi được hơn 692 tỷ đồng nợ đã xử lý trong những năm trước (tăng 83% so với năm 2022).

Nợ xấu của VIB tới cuối năm 2023 là 2,2% (năm 2022 là 1,79%). Tuy nhiên nợ nhóm 5 lại giảm 10% so với thời điểm cuối năm 2022 xuống còn 2.200 tỷ đồng.

Hay như Exmbank, nợ xấu đã tăng từ 1,8% hồi đầu năm lên 2,65%. Điều này buộc ngân hàng phải trích gần 700 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng (gấp 7 lần so với năm trước). Do đó lợi nhuận trước thuế giảm 27% còn 2.720 tỷ đồng.

Tại ACB, dù là ngân hàng luôn có tỷ lệ nợ xấu thấp nhưng nợ cả 3 nhóm đều tăng trong năm qua. Hiện nợ xấu của ngân hàng này là hơn 5.800 tỷ đồng, tăng mạnh 93% so với cuối năm 2022 và chiếm 1,2% tổng dư nợ. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của ACB cũng tăng đột biến từ mức 70 tỷ đồng năm 2022 lên 1.804 tỷ đồng năm 2023.

Ngân hàng TPBank cũng luôn được coi là ngân hàng kiểm soát nợ xấu dưới 1%. Tuy nhiên kết thúc năm 2023 tỷ lệ nợ xấu tại nhà băng này là 2,04%, đạt 4.200 tỷ đồng.

Theo các ngân hàng, tác động của lãi suất huy động vốn cao trên thị trường vào các tháng cuối năm 2022 và quý I/2023 đã làm cho chi phí trả lãi tiền gửi năm 2023 tăng đáng kể. Cùng với việc nợ xấu tăng do khách hàng gặp khó khăn, làm chi phí trích lập dự phòng tăng theo đã ảnh hưởng đến lợi nhuận.

>> Lo sợ rủi ro tín dụng, một mã cổ phiếu ngân hàng được khuyến nghị trung lập

MBBank lãi kỷ lục 26.300 tỷ đồng nhưng nợ xấu tăng thêm gần 4.800 tỷ đồng

Ngân hàng LPBank hoàn thành mục tiêu kinh doanh năm 2023, nợ xấu thuộc nhóm thấp nhất ngành

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/bua-tiec-tat-nien-dang-do-cua-ceo-mot-to-chuc-tin-dung-2246303.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Bữa tiệc tất niên dang dở của CEO một tổ chức tín dụng
    POWERED BY ONECMS & INTECH