Sống

Bước chuyển mình của giao thông công cộng Hà Nội - Những điểm trừ cần xóa sổ

Nguyệt Linh 03/08/2023 - 21:44

Sau 15 năm hợp nhất kể từ năm 2008 đến nay, Hà Nội đã phát triển nhanh, toàn diện và bền vững hơn với một diện mạo hoàn toàn mới. Trong đó, diện mạo đô thị thay đổi rõ nhất qua những công trình giao thông công cộng.

Để giải bài toán ách tắc giao thông và ô nhiễm của đô thị nén với mật độ dân số cao, Hà Nội còn rất nhiều việc phải làm để phát triển hệ thống giao thông công cộng, đặc biệt trong đó là loại hình vận tải hành khách như xe buýt.

Bước chuyển mình của giao thông công cộng Hà Nội - Bài 4: Những điểm trừ cần xóa sổ ảnh 1

Giơ tấm vé xe bus với các ô vuông dán kín tem tháng, chị Thúy Hoa (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ câu chuyện từ gần hai năm nay, xe buýt công cộng đã trở thành một phần cuộc sống, phương tiện đi lại chủ yếu của mình. Theo đó, sau đợt nghỉ do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trở lại công việc, chị Hoa bỗng thấy không còn muốn di chuyển bằng xe máy, phần ngại mưa nắng, phần lo ô nhiễm, tắc đường. Ban đầu, chị thử các phương tiện như tàu điện, xe buýt hoặc bắt grab để tới chỗ làm. Dần dà, chị rút ra kết luận xe buýt là phương án tối ưu đối bởi điểm đón đa dạng, chi phí hợp lý, cũng như mang đến cơ hội cho chị Hoa đi bộ rèn luyện sức khỏe.

“Đi xe buýt ưu điểm là khỏi lo bụi bặm lại an toàn dù khá mất thời gian và bất tiện hơn xe máy. Trước đây, tôi thường nghĩ xe buýt dành cho học sinh và người già nhưng trong quá trình sử dụng, tôi thấy nhiều người trong độ tuổi lao động, nhân viên văn phòng cũng lựa chọn hình thức di chuyển này”, chị Hoa nói.

Bước chuyển mình của giao thông công cộng Hà Nội - Bài 4: Những điểm trừ cần xóa sổ ảnh 2

Đây cũng là lựa chọn của rất nhiều người, vừa để giảm chi phí đi lại do giá xăng tăng, vừa để giữ sức khỏe bằng cách đi bộ đều đặn giữa các điểm trung chuyển. Theo thông tin từ Trung tâm quản lý giao thông công cộng, thuộc Sở Giao thông vận tải Hà Nội, trong năm 2022 và vài tháng đầu năm 2023, sản lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt có dấu hiệu phục hồi rõ rệt sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19.

Cụ thể, sản lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt năm 2022 đạt 340 triệu lượt hành khách, tăng 67,7% so với con số năm 2021. Trong đó, buýt trợ giá đạt 334 triệu lượt hành khách, tăng 72% so với thực hiện cùng kỳ 2021. Dù vậy, sản lượng vận tải nói trên vẫn chưa đạt được như mục tiêu kỳ vọng và khả năng cung cấp mà Trung tâm quản lý giao thông công cộng TP. Hà Nội dự kiến. Theo đơn vị này, các “nút thắt” ngăn cản người dân sử dụng xe buýt công cộng nằm ở tình trạng ùn ứ giao thông, hạ tầng phục vụ cho xe buýt còn thiếu và chưa đảm bảo theo quy hoạch. Bên cạnh đó, văn hóa, thái độ ứng xử của một bộ phận lái xe, nhân viên phục vụ còn chưa đúng mực gây ra những thiện cảm không tốt với hành khách.

Bước chuyển mình của giao thông công cộng Hà Nội - Bài 4: Những điểm trừ cần xóa sổ ảnh 3

Với mô hình của một đô thị nén, giao thông công cộng là giải pháp phù hợp nhất để phát triển Hà Nội theo hướng xanh sạch, an toàn, bền vững. Việc gia tăng phương tiện giao thông cá nhân ngày càng dẫn đến những vấn đề như ùn tắc, xuống cấp cơ sở hạ tầng, đặc biệt ô nhiễm không khí sẽ làm giảm chất lượng sống của cư dân trong thành phố.

Cần nhìn nhận thực tế là dù đã được quan tâm đầu tư, trợ giá bù lỗ nhưng nhìn chung hệ thống giao thông công cộng của Thủ đô chỉ đảm nhiệm được một phần rất nhỏ nhu cầu đi lại của người dân, chưa tạo được dấu ấn, thói quen, văn hóa sử dụng phương tiện công cộng dù đã xuất hiện nhiều thập kỷ nay.

Từ số liệu thu thập, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội cho biết, trong năm 2022, xe buýt Hà Nội mới đáp ứng được gần 18% nhu cầu đi lại trong thành phố. Con số này còn khiêm tốn vì mục tiêu được đề ra là 23%. Thực trạng này có rất nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, từ tính hợp lý của mạng lưới, chất lượng phục vụ đến chất lượng công tác vận hành.

Bước chuyển mình của giao thông công cộng Hà Nội - Bài 4: Những điểm trừ cần xóa sổ ảnh 4

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, vấn đề đầu tiên và quan trọng nhất của giao thông công cộng là phải quan tâm phát triển hạ tầng, phủ kín mạng lưới, tăng cường tính kết nối giữa các loại hình giao thông công cộng để người dân ở mọi nơi đều có thể tiếp cận một cách dễ dàng, thuận tiện. Xe buýt có ưu thế so với phương tiện cá nhân ở những yếu tố như tính an toàn, chi phí rẻ; nên nếu tiếp cận, sử dụng được thuận tiện, dễ dàng thì người dân sẽ ưu tiên lựa chọn các loại phương tiện giao thông công cộng.

Ngoài ra, mạng lưới xe buýt của Hà Nội còn gặp những vấn đề như nhiều điểm đón trả chưa hợp lý khiến một số chuyến đi bị lòng vòng, hao phí năng lượng mà không đáp ứng được nhu cầu sử dụng. Tính liên thông, trung chuyển nội mạng còn thiếu, trùng lặp tuyến… Về chất lượng, văn hóa phục vụ, cả lái xe và phụ xe buýt còn chưa cao, còn trường hợp lái xe ẩu, thái độ phục vụ thiếu thân thiện, kẻ cả với hành khách. Tình trạng thời gian chuyến đi kéo dài, không đúng giờ cũng khiến xe buýt kém hấp dẫn và không phải lựa chọn tối ưu đối với một bộ phận khách hàng.

Bước chuyển mình của giao thông công cộng Hà Nội - Bài 4: Những điểm trừ cần xóa sổ ảnh 5

TS Phan Lê Bình, chuyên gia kỹ thuật hạ tầng, Trường Đại học Việt Nhật nhận định: “Ưu tiên cho xe buýt không chỉ là ưu tiên khi hoạt động trên đường, mà điểm dừng, nhà chờ cũng cần được lưu tâm. Hà Nội hiện có rất nhiều vị trí chờ xe buýt nằm cạnh điểm tập kết rác thải, hàng quán rất mất vệ sinh. Thậm chí, vỉa hè để tiếp cận điểm dừng xe buýt cũng bị lấn chiếm. Cần khảo sát, điều chỉnh lại các điểm dừng để bảo đảm hợp lý hơn”.

Để phát triển về lâu dài, Thủ đô cần có thêm các chính sách ưu tiên trong đầu tư phát triển giao thông công cộng như ưu tiên quỹ đất cho giao thông công cộng, làm hạ tầng điểm đầu cuối, điểm trung chuyển, dừng đỗ, tạo những điều kiện thuận lợi nhất để người dân tiếp cận và sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.

Bước chuyển mình của giao thông công cộng Hà Nội - Bài 4: Những điểm trừ cần xóa sổ ảnh 6

Hiện đại, sạch sẽ, chu đáo là cảm nhận đầu tiên khi hành khách bước chân lên một chiếc xe buýt điện. Phát triển loại hình giao thông xanh là xu hướng hiện đại giúp Hà Nội hướng tới hình ảnh của một thành phố sở hữu bầu không khí trong lành, giảm ô nhiễm môi trường trong tương lai.

Có thể thấy, kể từ khi chính thức đi vào hoạt động từ đầu tháng 12/2021, những chiếc xe buýt điện Vinbus đã góp phần thay đổi bộ mặt giao thông công cộng của Thủ đô. Sự xuất hiện của xe điện không chỉ tạo hứng khởi cho hành khách trước sự chuyển mình của giao thông công cộng, mà còn đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của Hà Nội trong chiến lược cắt giảm lượng phương tiện dùng năng lượng hóa thạch trong thành phố.

Cùng với đó, theo Quyết định 876/QĐ-TTg năm 2022 phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methane của ngành Giao thông vận tải, trong lĩnh vực giao thông đô thị, từ năm 2025, 100% xe bus thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội đạt 45 - 50%.

Bước chuyển mình của giao thông công cộng Hà Nội - Bài 4: Những điểm trừ cần xóa sổ ảnh 7

Với kế hoạch chuyển đổi dần từ bus chạy xăng dầu sang bus điện, Transerco đang rà soát thời hạn tính khấu hao phương tiện để xác định đơn giá khấu hao phương tiện tại quyết định số 1494 của Thành phố Hà Nội, đảm bảo thời gian thu hồi đủ vốn đầu tư phương tiện, sau đó sẽ dần thay thế sang xe bus điện đối với các tuyến bus đang vận hành.

Ông Nguyễn Công Nhật, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái VinBus chia sẻ, 9 tuyến xe buýt điện của Vinbus được ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại để tinh gọn các khâu vận hành, nâng cao rõ rệt hiệu quả quản lý và chất lượng dịch vụ. Dù vậy, sau một thời gian thí điểm, xe buýt điện đang gặp những khó khăn, thách thức rất lớn, đặc biệt là do những bất cập trong cơ chế, chính sách.

Theo đó, nhà đầu tư xe buýt điện chưa tiếp cận được vốn vay ưu đãi của Hà Nội. Giá thành một chiếc xe buýt điện cao gấp 3 - 3,5 so với xe buýt thường, nên chi phí lãi vay chiếm khoảng 10 - 11% tổng chi phí. Hiện, công ty vẫn đang lỗ và nếu không có tiềm lực mạnh đã không thể tiếp tục duy trì hoạt động.

Lãnh đạo Vinbus cho biết thêm, do hai depot xe buýt điện của đơn vị đều được xây dựng trong các khu đô thị, có nguồn cung năng lượng ổn định nên việc vận hành vẫn đảm bảo tốt. Tuy nhiên, nếu muốn mở rộng mạng lưới xe buýt điện ra toàn thành phố trong bối cảnh chưa có quy hoạch nguồn năng lượng riêng như hiện nay sẽ rất khó khăn.

Hà Nội đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phát triển giao thông công cộng gắn với hạn chế phương tiện cá nhân

Viễn cảnh nền giao thông công cộng không tiền mặt ở Thủ đô

Theo ngaynay.vn
https://ngaynay.vn/buoc-chuyen-minh-cua-giao-thong-cong-cong-ha-noi-bai-4-nhung-diem-tru-can-xoa-so-post136967.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Bước chuyển mình của giao thông công cộng Hà Nội - Những điểm trừ cần xóa sổ
POWERED BY ONECMS & INTECH