Sống

Buồn của môi giới bất động sản: Nhóm bỏ nghề đi tìm việc mới nhiều nhất

Mộc Hương 25/07/2023 - 08:53

Khi giao dịch bất động sản xuống dốc sâu khiến các doanh nghiệp bất động sản giải thể, ngừng kinh doanh, trong quý vừa qua, theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, môi giới bất động sản dẫn đầu nhóm bỏ việc đi kiếm nghề mới mưu sinh.

Giai đoạn cuối năm 2019 đến đầu năm 2022 khi thị trường bất động sản sốt nóng nhiều người lao vào làm “cò đất” nuôi giấc mộng đổi đời, bởi vì có thể kiếm tới hàng trăm triệu đồng sau mỗi giao dịch mua bán đất.

Thế nhưng, khi cơn sốt đất đi qua, thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng, thanh khoản đóng băng, khắp nơi xuất hiện biển rao bán với mức giá cắt lỗ thì hàng nghìn môi giới phải từ bỏ giấc mơ, chuyển sang công việc khác hoặc phải làm song song hai công việc để kiếm tiền mưu sinh.

Môi giới bất động sản bỏ nghề

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản thành lập mới quý I/2023 là 940 doanh nghiệp, giảm 63,2% so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng kinh doanh có thời hạn lần lượt là 341 doanh nghiệp (tăng 30,2%) và 1.816 doanh nghiệp (tăng 60,7%) so với cùng kỳ năm trước.

Theo bản tin thị trường lao động Việt Nam của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong quý II/2023, môi giới bất động sản dẫn đầu trong nhóm nghề đi tìm việc làm nhiều nhất. Ngay theo sau là nhóm nghề dệt may, thực phẩm và đồ uống, kho vận, cuối cùng là bảo hiểm.

Buồn của môi giới bất động sản: Nhóm bỏ nghề đi tìm việc mới nhiều nhất
Nguồn: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Theo khảo sát của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), lượng giao dịch thời gian qua chưa đến 50% so với năm ngoái. Trong đó, cả nguồn cung và cầu của thị trường đều xuống dốc nghiêm trọng khiến nhiều doanh nghiệp liên tục báo lỗ, môi giới bất động sản chìm trong khó khăn, túng thiếu và thất nghiệp ồ ạt.

Cũng theo VARS, số lượng môi giới bất động sản hiện nay còn duy trì trên thị trường chỉ còn khoảng 30%-40% so với thời điểm cuối năm 2022. Hiện tượng này diễn ra trong khoảng thời gian dài, với từng đợt giảm dần, giảm dần và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Hiện nay, tại thị trường lao động đã ghi nhận lượng lớn môi giới bất động sản phải nghỉ việc do thu nhập không đủ sống và do Doanh nghiệp sa thải, Doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, Doanh nghiệp phá sản…

“Lượng môi giới bất động sản bỏ nghề phần lớn là các nhân viên mới làm hoặc những người ‘tay ngang’, chưa được đào tạo bài bản về nghề cũng như khả năng ứng biến trước các tình huống khó khăn của thị trường”, báo cáo cho biết.

Theo VARS, các doanh nghiệp môi giới hoặc chủ đầu tư có bố trí bộ phận môi giới bán hàng có tỉ trọng sa thải 50% nhân sự trở lên dưới nhiều hình thức như dừng ký hợp đồng tạm thời trong 3-6 tháng, cho thôi việc, giữ chế độ cộng tác viên…

Tình trạng sa thải nhân sự không chỉ riêng với các doanh nghiệp đầu ngành mà thậm chí với các doanh nghiệp nhỏ khác còn mạnh mẽ hơn. VARS nhận định, đây là giai đoạn thách thức đối với những đơn vị môi giới không đủ năng lực cạnh tranh để tồn tại nhưng cũng là cơ hội để các đơn vị chuyên nghiệp vượt lên và phát triển bền vững hơn.

Mức lương giảm mạnh không đủ chi tiêu

Để bám trụ lại được với nghề, người môi giới phải có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng, kiến thức, sự linh hoạt và khéo léo. Bên cạnh đó, họ cũng phải song song hai công việc, làm thêm việc khác hoặc đa dạng hóa lĩnh vực,...

Trong số liệu theo VARS khảo sát, hơn 95% người được khảo sát có thu nhập giảm so với năm trước. Trong đó, hơn 14% cho biết thu nhập của họ giảm 20-30% so với cùng kỳ. Hơn 54% cá nhân ghi nhận mức tụt giảm 30-40%. Cá biệt có khoảng 5% môi giới bị giảm trên 70% thu nhập.

Nhiều công ty còn sếp nhưng không có nhân viên

Bà Trịnh Thị Kim Liên - Giám đốc Kinh doanh Dat Xanh Services chia sẻ với báo chí: "Tính từ 6 tháng cuối năm ngoái đến 6 tháng đầu năm nay, tức tròn một năm kể từ ngày bất động sản rơi vào khó khăn, một số công ty môi giới thật sự đã bị bỏ lại phía sau, hiện giờ có thể còn sếp, còn chủ nhưng không còn nhân viên.

Một số công ty vẫn đang tiếp tục gồng với số lượng nhân sự tối thiểu để duy trì. Song, vẫn có một số công ty nổi lên như một hiện tượng. Họ xác định còn lực, còn vốn nên đẩy mạnh tuyển dụng, triển khai kinh doanh và tranh thủ cơ hội để chiếm lĩnh thị phần".

Theo thống kê của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính – Bất động sản Đất Xanh Services (DXS - FERI), đến cuối tháng 6/2023, số lượng môi giới trên thị trường đã giảm 60% - 70% so với cuối năm 2022. Thị trường thiếu người bán hàng nghiêm trọng khi tỷ lệ môi giới bất động sản chuyển sang nghề khác vẫn ở mức cao.

"Ngay tại thời điểm này, khi chúng tôi khảo sát vẫn có 10% môi giới sẵn sàng rời ngành trong năm nay, 19% người được hỏi trả lời rằng hoạt động nghề môi giới bất động sản song song với việc tìm thêm công việc khác để ổn định cuộc sống.

Đối với nhóm nhân viên môi giới đã nghỉ việc, chuyển ngành, trong một khảo sát khác về ý định quay trở lại làm việc trong ngành chỉ có 36% trở lại khi thị trường phục hồi và đến 52% người được hỏi có câu trả lời rằng chưa có ý định trở lại ngành bất động sản trong năm 2023. Dự báo đến cuối năm 2023, số lượng môi giới còn lại tối đa 20-30% so với cuối năm 2022", bà Liên cho hay.

Làn sóng sa thải nhân viên chủ yếu chỉ tập trung ở nhân sự mới nhưng vẫn giữ lại nhân sự cứng, năng lực tốt. Bởi lẽ, dự thảo Luật Kinh doanh Bất động sản mới sẽ siết chặt hơn việc quản lý và giám sát với hoạt động môi giới bất động sản.

Một doanh nghiệp bất động sản đạt biên lãi ròng quý 2/2023 gần 250%

Số phận bất động sản không qua đấu giá ở Măng Đen sẽ ra sao?

Các dự án bất động sản kêu gọi đầu tư mới: Nhiều địa phương tìm chủ cho khu đô thị

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/buon-cua-moi-gioi-bat-dong-san-nhom-bo-nghe-di-tim-viec-moi-nhieu-nhat-193722.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Buồn của môi giới bất động sản: Nhóm bỏ nghề đi tìm việc mới nhiều nhất
POWERED BY ONECMS & INTECH