Cá chạch lửa miền Tây màu đẹp, thịt thơm, bán hơn 1 triệu đồng/kg
Cá chạch lửa - loài cá còn rất ít trong tự nhiên, giá bán từ 1,5-2 triệu đồng/kg - vừa được các giảng viên Trường ĐH Cần Thơ sản xuất nhân tạo thành công.
Cá chạch lửa, hay còn gọi hỏa long, là loại cá đang rất hiếm, ít tìm thấy trên dòng Mê Kông.
Theo nhiều ngư dân, trước đây rất lâu, họ từng bắt được một vài con chạch lửa trên sông Tiền, sông Hậu. Nhưng những năm gần đây, loại cá này gần như đã biến mất.
Cá chạch lửa trong họ cá chạch sông, là loài có chất lượng thịt thơm ngon.
Loài cá này đầu nhỏ, mõm dài và nhọn. Thân cá thon dài, phần trước dạng ống, phần sau dẹp bên. Nền thân màu nâu xám với hàng đốm tròn nhỏ chạy dài từ sau đầu đến cuống đuôi. Trên thân cá cũng có một vài hàng sọc hay vệt màu vàng nâu. Rìa mép vây lưng, vây đuôi cũng có đường viền nổi bật.
Hiện, cá chạch lửa sống ngoài thiên nhiên rất ít, giá bán rất cao. Cá chạch lửa lâu năm có thể đạt trong lượng từ 1,5-2kg/con, càng lớn càng có giá trị kinh tế cao. Loại mỗi cân từ 1-2 con đã có giá từ từ 1,5-1,8 triệu đồng/kg.
Ngoài ra, vì có "ngoại hình" đẹp nên loài cá này nên rất phổ biến trong giới chơi cá cảnh ở TP.HCM và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Giá bán cá chạch lửa cảnh từ 500 nghìn đồng đến vài triệu đồng một con tùy thuộc vào màu sắc, kích cỡ.
Đã nuôi sinh sản thành công
Chia sẻ với VietNamNet, PGS. TS. Phạm Thanh Liêm - Trưởng khoa Khoa Công nghệ Nuôi trồng Thủy sản - cho biết đơn vị vừa sản xuất nhân tạo thành công loại cá quý hiếm này qua quá trình thực hiện đề tài “Nghiên cứu thử nghiệm sản xuất giống nhân tạo cá chạch lửa”. Đề tài được Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ tài trợ kinh phí.
Ông Liêm - cũng là chủ nhiệm đề tài - nhớ lại việc thu gom cá chạch lửa bố mẹ để nghiên cứu gặp rất nhiều khó khăn, do loài cá này còn rất ít trong tự nhiên. Ngoài ra, trong thời gian thực hiện đề tài thì dịch Covid-19 bùng phát dữ dội nên có giai đoạn còn phải tạm ngưng.
"Cá chạch lửa trong tự nhiên rất hiếm, nên việc thu gom cá để làm đàn bố mẹ mất rất nhiều thời gian. Nhóm nghiên cứu phải đặt hàng những người chuyên đi thu mua các loại cá quý hiếm. Những người đó đi khắp nơi, có những khi mỗi lần họ chỉ mua được 1-2 con. Vì vậy, chúng tôi mất gần 2 năm mới tìm đủ nguồn cá để nghiên cứu” - ông Liêm kể.
Ngoài ra, do bản tính hoang dã của cá chạch lửa vẫn còn nên nhóm nghiên cứu phải cho ăn đồ tươi sống. Cái khó là phải có thức ăn phù hợp, dễ tìm.
"Chúng tôi đã phải cho cá ăn nhiều loài khác nhau như tép tươi, cá tạp, thức ăn công nghiệp… Qua đó, chúng tôi thấy thức ăn ưa thích của cá chạch lửa là tép. Tuy nhiên, nguồn tép hiện nay cũng đang dần ít đi. Vì thế, chúng tôi đồng thời tập trung nghiên cứu vào mảng thức ăn cho cá chạch lửa".
Ông cũng cho biết, từ năm 2022-2023, nhóm đã bắt đầu cho chạch lửa sinh sản và ương cá giống.
“Phải tới hơn 2 năm tuổi, cá chạch lửa mới bắt đầu cho sinh sản. Chúng tôi đã tìm được loại chất kích thích và liều lượng để cho cá sinh sản. Về ương giống, cá từ lúc mới nở đến một tháng tuổi thì tỉ lệ sống rất cao, khoảng 95%. Giai đoạn này cá sẽ ăn trứng nước, trùn chỉ nhưng khi cho thức ăn công nghiệp, cá lớn rất chậm...".
Theo kết quả nghiên cứu, cá chạch lửa thành thục tốt trong điều kiện nuôi vỗ trong vòng 4-6 tháng. Kích thích sinh sản bằng HCG với cho kết quả rụng trứng 100%, tỉ lệ thụ tinh đạt 76,3% và tỉ lệ nở là 62,7%.
Cá nở sau khi thụ tinh từ 58-64 giờ, ống tiêu hóa phát triển hoàn chỉnh vào ngày 12 và cá hấp thụ hết noãn hoàng vào ngày tuổi thứ 18. Có thể tập cho cá ăn thức ăn công nghiệp từ ngày tuổi thứ 30.
Theo ông Liêm, thành công trong sản xuất giống nhân tạo cá chạch lửa góp phần làm phong phú các loài thủy sản nuôi nước ngọt, đa dạng các loài nuôi làm cảnh, đồng thời giúp bảo vệ nguồn lợi tự nhiên ở đồng bằng sông Cửu Long.
“Trong năm nay, nhóm sẽ tiếp tục tập trung vào các thí nghiệm về ương giống, tìm kiếm loại thức ăn phù hợp. Nếu thành công thì ngay năm nay, chúng tôi có thể cung cấp cá giống cho thị trường” - ông Liêm nói.