Loại cá được ví như ‘sâm nước’ với hàm lượng canxi gấp 6 lần cá chép, rất bổ dưỡng nhưng người Việt lại ít dùng
Đây là loại cá tuy nhỏ nhưng “có võ” bởi có hàm lượng dinh dưỡng cao, đặc biệt là canxi cao hơn nhiều loại cá đắt tiền.
Cá là một loại thực phẩm phổ biến và được chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích ăn 3-4 bữa/tuần. Trong thực tế ẩm thực, đa số mọi người thường ưa chuộng các loại cá lớn như rô phi, cá trắm, và đặc biệt là cá chép vì tin rằng chất dinh dưỡng trong chúng là nhiều nhất. Tuy nhiên, các loại cá nhỏ cũng mang đến những giá trị dinh dưỡng riêng, thậm chí có thể vượt trội so với cá lớn, cá chạch là một ví dụ điển hình.
Cá chạch là cá da trơn, giàu chất béo, protein và chứa lượng lớn canxi. Thậm chí, so sánh với cùng trọng lượng, cá chạch có hàm lượng canxi cao hơn so với các loại cá được xem là dinh dưỡng như cá chép và cá quả.
Theo TS.BS Từ Ngữ, Phó Chủ tịch và Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam, mỗi loại cá đều mang lại giá trị dinh dưỡng đặc biệt và quyết định sử dụng loại nào phụ thuộc vào sở thích cá nhân. Ví dụ, có người chỉ ưa thích cá có vảy, không thích cá da trơn. Hoặc cũng có người chỉ ưa thích ăn cá nhỏ, không thích ăn cá lớn.
Đối với TS Từ Ngữ, ông thường ưa chuộng các loại cá nhỏ hơn bởi có thể sử dụng toàn bộ đầu và xương cá bởi cơ thể sẽ hấp thụ đầy đủ dinh dưỡng từ cá, nhất là canxi.
Dữ liệu từ bảng thành phần thực phẩm Việt Nam chỉ ra rằng, trong 100g cá chạch, có 110kcal năng lượng, 20,4g protein, 3,2g lipid, 109mg canxi, 231mg phốt pho... So với cùng lượng, hàm lượng canxi trong cá chạch cao hơn tới 6 lần so với cá chép và lớn hơn khoảng 10 lần so với mực.
Theo TS.BS Từ Ngữ, "Với các loại cá, hàm lượng canxi chủ yếu ở xương. Như vậy, nếu ăn cá nhỏ cả xương thì chúng ta sẽ hấp thu được nhiều canxi nhất, còn với các loại cá lớn bỏ xương, khi đó chúng ta chỉ lấy được phần protein và chất béo trong cá".
Lương y Bùi Đắc Sáng (Hội Đông y Hà Nội) cũng cho biết, trong đông y, cá chạch được coi như "sâm nước". Do đó, cá chạch có nhiều tác dụng cho sức khỏe, thậm chí hỗ trợ tăng cường sinh lý nam giới.
Theo ông Sáng, cá chạch chứa nhiều lysine, một thành phần thiết yếu để hỗ trợ quá trình hình thành tinh trùng. Do đó, ăn cá chạch không chỉ thúc đẩy sự tạo thành tinh trùng mà còn có thể cải thiện chất lượng của chúng. Để tăng cường sinh lý, người ta có thể kết hợp cá chạch với hạt hẹ để đạt hiệu quả cao.
Ngoài việc hỗ trợ sinh lý, cá chạch còn giúp ngăn ngừa còi xương ở trẻ em và tăng cường sức khỏe xương cho người cao tuổi do chứa nhiều canxi. Theo ông Sáng, nấu chạch kết hợp với đậu phụ sẽ giúp tăng cường hàm lượng canxi tốt nhất cho cơ thể.
Để đảm bảo chất lượng và giữ lại hàm lượng dinh dưỡng tối đa, mọi người nên chọn mua cá chạch tươi sống, còn giãy mạnh, thân mình to, mắt trong, da sáng bóng và mắng cá đỏ tươi.
Bên cạnh đó, để tránh nguy cơ ngộ độc và rối loạn tiêu hóa, không nên nấu cá chạch cùng với giấm, cà chua và tránh ăn chung với thịt chó. Nên đảm bảo nấu cá chạch chín kỹ, không ăn sống vì có thể gây nhiễm sán và gây đau bụng. Sau khi ăn cá chạch, tránh kết hợp với các thực phẩm có tính hàn như chuối tiêu, dưa hấu, tôm cua biển.
>> Cơ thể sẽ nhận ‘trái ngọt’ nếu thường xuyên ăn loại quả vị đắng này