Ca hiến đa tạng cứu sống nhiều bệnh nhân
Ngày 28/10, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đã chia sẻ về ca hiến tạng đặc biệt của người đàn ông 36 tuổi. Sự tận hiến của anh đã đem lại cuộc đời mới cho 4 người khác. Đáng chú ý, trái tim của người hiến đã được vận chuyển kịp thời bằng hàng không để hồi sinh một cuộc đời.
Thùng đựng tạng hiến được chuyển lên máy bay |
Chiều tối ngày 16/10, anh Lê Tiến S, nam, sinh năm 1988 thấy đau đầu rất dữ dội, tê bì chân tay đã được đưa đi cấp cứu. Trên đường đi người bệnh đã mất ý thức, hôn mê, co giật chân tay và ngừng thở ngừng tim. Bệnh được đưa vào Trung tâm Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai). Sau cấp cứu, nhịp tim của người bệnh đập trở lại, tái lập được tuần hoàn tự nhiên nhưng vẫn hôn mê sâu.
Các bác sĩ ghép tim cho bệnh nhân |
Qua 9 ngày nỗ lực điều trị và hồi sức tích cực nhưng tình trạng người bệnh không cải thiện, hôn mê sâu dần, mất các phản xạ và có nguy cơ chết não. Nhiều cuộc hội chẩn toàn viện, với nhận định người bệnh có nguy cơ cao chết não đến gần, bệnh viện đã giải thích về tiên lượng người bệnh với gia đình, trao đổi về Chương trình hiến mô, bộ phận cơ thể người của quốc gia với mục đích mang lại sự sống cho những người bệnh đang ngày đêm phải chống chọi với bệnh tật và ý nghĩa nhân văn cao đẹp là cứu người “Cho đi là còn mãi”.
“Người bệnh trước ghép hầu như chỉ có khả năng vận động tối thiểu phục vụ bản thân như ăn uống, vệ sinh cá nhân, những trường hợp nặng nằm tại giường. Sau ghép có thể trở về thể trạng như người bình thường, ghép tim là phương pháp thay đổi hẳn chất lượng cuộc sống của người bệnh”.
PGS.TS Đào Xuân Cơ
Gia đình người bệnh đã thấu hiểu và bày tỏ nguyện vọng được hiến tạng người bệnh để cứu người. Sau khi hoàn thành các thủ tục pháp lí với sự chỉ đạo và đồng hành của Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia, người bệnh đã được đánh giá chết não theo đúng quy trình nghiêm ngặt của pháp luật. Vào lúc 5 giờ 30 phút ngày 26/10 người bệnh được kết luận chết não.
Ngay sau đó, dưới sự chỉ đạo và hỗ trợ của Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Quân Đội 108, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Huế…đã phối hợp tiến hành phẫu thuật lấy tạng của người bệnh để chuyển cho người nhận. Trước khi tiến hành phẫu thuật, Ban Giám đốc Bệnh viện cùng tất cả các đồng nghiệp trong ê kíp đã có những lời tri ân xúc động gửi tới người bệnh, người nhà bệnh nhân.
Theo sự điều hành của Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia, trái tim người bệnh được vận chuyển vào Bệnh viện Trung ương Huế để tiến hành ghép tim cho một người bệnh suy tim, gan được vận chuyển đến Bệnh viện Trung ương Quân Đội 108 để ghép cho người bệnh suy gan, 2 thận được các bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 sang triển khai ghép ngay tại Bệnh viện Bạch Mai cho 2 người bệnh suy thận giai đoạn cuối.
Các chuyên gia về ghép tạng cho biết sau khi chết não, mô, tạng của bệnh nhân chỉ có thể được bảo quản trong thời gian rất ngắn, khoảng 3 - 4 tiếng, để được ghép nên các bác sĩ phải tính toán rất kĩ, chạy đua với thời gian để ghép cho bệnh nhân. Ngày 26/10, chuyến bay mang số hiệu VJ1567 của Hãng hàng không Vietjet đã đưa các cán bộ của Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, các bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai cùng một trái tim của người hiến tặng là một bệnh nhân nam chết não, 36 tuổi để ghép cho một bệnh nhân nam mắc bệnh tim, 39 tuổi tại Bệnh viện Trung ương Huế. Hiện nay bệnh nhân được ghép tim đã đáp ứng tốt với trái tim mới.
Những bệnh nhân được ghép gan, thận cũng thích nghi với tạng của người hiến. Cả 4 bệnh nhân tiếp tục được theo dõi sát sao tình trạng sức khoẻ.
>>Hàng chục bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai cúi đầu tri ân người công nhân xấu số