Cà phê và chè nằm trong nhóm hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Dù đã có thương hiệu tại thị trường châu Á nhưng vẫn rất cần những chiến lược bài bản làm tăng giá trị chè, cà phê, xuất khẩu bằng thương hiệu riêng để tạo ra đột phá...
Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), xuất khẩu cà phê của Việt Nam hiện đứng thứ hai thế giới, chỉ đứng sau Brazil.
Cà phê Việt Nam đã có mặt trên hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, tập trung chủ yếu ở những thị trường lớn như: Đức, Mỹ, Tây Ban Nha, Italia, Bỉ, Anh và các thị trường mới nổi như: Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Cùng với cà phê, Việt Nam là nước có lợi thế sản xuất chè với các hương vị đặc biệt được thế giới ưa chuộng. Sản phẩm chè của Việt Nam cũng đã được xuất khẩu tới hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong đó, Pakistan, Đài Loan (Trung Quốc), Nga, Indonesia, Trung Quốc là 5 thị trường trọng điểm của chè Việt.
Đáng ghi nhận, những năm gần đây xuất khẩu chè và cà phê Việt Nam đã có nhiều thay đổi khi chúng ta đẩy mạnh xuất khẩu chè và cà phê chế biến.
Tại Ấn Độ, Đài Loan và Hồng Kông (Trung Quốc) được đánh giá là những thị trường xuất khẩu chè và cà phê nhiều tiềm năng của Việt Nam nhưng vẫn chưa được khai phá hết.
Năm 2021, xuất khẩu chè của Việt Nam sang Đài Loan đạt 18.586 tấn, tương đương 28,72 triệu USD, chiếm 14,7% trong tổng lượng và chiếm 13,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chè của Việt Nam.
Đối với mặt hàng cà phê, theo thống kê của Cơ quan Quản lý ngoại thương Đài Loan, Việt Nam hiện là đối tác cung ứng cà phê lớn thứ 8 của Đài Loan về kim ngạch (tương đương 2,53% thị phần) và thứ 18 của Đài Loan về lượng (tương đương 1,06% thị phần).
Năm 2021, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Hồng Kông, với kim ngạch thương mại song phương hai chiều đạt 13,62 tỷ USD.
Hồng Kông là thị trường chuyên nhập khẩu hàng lương thực, thực phẩm lại có quãng đường vận chuyển khá ngắn, có nhiều yếu tố tương đồng trong khẩu vị với Việt Nam, vì vậy khả năng tiêu thụ sản phẩm chất lượng cao rất tốt, thậm chí sản phẩm đặc sản, giá thành cao cũng là yếu tố thuận lợi đáng chú ý tại thị trường này.
Ngoài hai thị trường trên, Ấn Độ cũng được đánh giá là thị trường khổng lồ cho mặt hàng chè và cà phê của Việt Nam.
Hiện Ấn Độ nhập khẩu chè chủ yếu từ thị trường Nepal, Kenya, Việt Nam, Sri Lanka, Iran, Indonesia. Năm 2020, Ấn Độ nhập khẩu chè khoảng 67 triệu USD, trong đó nhập khẩu từ Việt Nam 4 triệu USD, chiếm tỷ trọng 6,4%.
Đối với mặt hàng cà phê, Ấn Độ là nước sản xuất cà phê lớn thứ sáu thế giới. Ấn Độ chủ yếu nhập khẩu cà phê từ Việt Nam, Indonesia, Uganda và Kenya để chế biến và tái xuất. Sản phẩm cà phê hòa tan của Việt Nam được ưa chuộng tại thị trường Ấn Độ.
Bởi vậy, việc quảng bá chè có chất lượng cao, xác minh nguồn gốc, chất lượng chè an toàn... là nhiệm vụ quan trọng mà các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý.
Các sản phẩm chè vào Đài Loan đều phải qua kiểm nghiệm đảm bảo lượng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Nếu không đảm bảo, không đạt sẽ không thể vào được Đài Loan.
Để xuất khẩu cà phê vào thị trường Ấn Độ, doanh nghiệp cần lưu ý phải đảm bảo tiêu chuẩn dán nhãn, đóng gói, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm của Ấn Độ. Cùng với đó phải có chiến dịch marketing phù hợp.
Nông dân Việt Nam ‘ém hàng’, giá một loại hạt trên toàn cầu lập đỉnh
Cà phê Việt thắng lớn, chờ quyết định lịch sử từ thị trường 48 tỷ USD