Các "chủ tịch" mất bao nhiêu tiền sau 7 tháng trên sàn chứng khoán?

08-08-2022 06:23|Hồng Quân

Trong 7 tháng đầu năm 2022, khối tài sản Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam ghi nhận mức giảm 152.468 tỷ đồng (-29%) - tương đương gần 6,6 tỷ USD.

Sau ba tháng 4, 5 và 6 biến động tiêu cực, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự hồi phục tốt trở lại vào tháng 7/2022 với việc VN-Index hồi lên mức 1.206,33 điểm; HNX-Index cũng tăng lên 288,61 điểm và UPCoM-Index tăng lên 89,61 điểm.

Tuy nhiên, thanh khoản thị trường giảm 22,5% so với tháng trước với tổng giá trị giao dịch bình quân chỉ đạt 13.783 tỷ đồng/phiên trong đó giá trị khớp lệnh sàn HOSE chỉ còn 12.243 tỷ đồng/phiên.

Dù ghi nhận sự hồi phục trong tháng 7 song tài sản của Top tỷ phú chứng khoán trên sàn vẫn biến động khá mạnh (chủ yếu theo hướng tiêu cực) trong bối cảnh cổ phiếu nhà tiếp tục điều chỉnh.

Chủ tịch Tập đoàn Vingroup (Mã VIC - HOSE) là người ghi nhận giá trị tài sản “bốc hơi” mạnh nhất Top 10 với 20.500 tỷ đồng. Xếp sau là Chủ tịch Tập đoàn Masan (Mã MSN - HOSE), Chủ tịch Ngân hàng Techcombank (Mã TCB - HOSE),... Người may mắn ghi nhận tài sản ròng tăng trong tháng này là Chủ tịch Bất động sản Phát Đạt (Mã PDR - HOSE) khi có thêm 265 tỷ đồng.

Dù vậy, những con số kể trên chỉ là một phần nhỏ trong sự hao hụt lớn về giá trị tài sản của các tỷ phú trên sàn chứng khoán nếu tính từ thời điểm đầu năm.

Thống kê từ ngày 31/12/2021 đến ngày 31/7/2022, sau 3 tháng đầu năm duy trì vùng sát ngưỡng 1.500 điểm, VN-Index đã có cú rơi tương đối hơn 294 điểm từ cuối tháng 3 về dưới mức 1.200 điểm tại thời điểm kết tháng 6. Nếu tính tuyệt đối, chỉ số đã mất gần 370 điểm khi giảm từ mức đỉnh 1.524,7 điểm (phiên 4/4) về đáy 1.155,29 (phiên 11/7).

Đơn vị: Tỷ đồng

Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, VN-Index ghi nhận mức giảm 19,5% từ mức 1.498,28 điểm xuống còn 1.206,33 điểm kết phiên giao dịch ngày 29/7.

Trong nhịp lao này, khối tài sản của Top 10 người giàu nhất Việt Nam ghi nhận những biến động mạnh trong đó với việc bán hết số cổ phiếu THD của CTCP Thaiholdings (Mã THD - HNX) đang nắm giữ trong đầu tháng 6 khi mã cổ phiếu này mất tới 80% thị giá so với mức đỉnh 277.000, ông Nguyễn Đức Thụy đã rời Top 10 người giàu nhất chứng trường Việt Nam sau 7 tháng đầu năm.

Thay thế vị trí thứ 9 do đại gia người Ninh Bình để lại là ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Thế giới Di động (Mã MWG - HOSE) với khối tài sản trị giá 11.441 tỷ đồng.

Tại thời điểm ngày 31/7, tỷ phú Phạm Nhật Vượng vẫn là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam song với việc cổ phiếu VIC liên tục giảm sâu, khối tài sản của ông Vượng ghi nhận mức giảm tới hơn 67.000 tỷ đồng.

Đầu năm 2021, tổng tài sản của Top 10 tỷ phú sàn chứng khoán Việt Nam đạt 527.280 tỷ đồng - tương ứng 22,76 tỷ USD

Trong khi đó, tỷ phú Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát (Mã HPG - HOSE) từ vị trí thứ 2 đã rơi xuống vị trí thứ 5 trong danh sách với việc khối tài sản đã bốc hơi hơn 21.520 tỷ đồng. Thay thế vị trí của ông Long là đại gia 47 tuổi người Thanh Hóa - Đỗ Anh Tuấn - Chủ tịch Tập đoàn Sunshine khi với khối tài sản ghi nhận ở mức 35.056 tỷ đồng - giảm hơn 3.500 tỷ đồng từ đầu năm.

Vị trí thứ 3 và 4 vẫn được nắm giữ bởi ông Hồ Hùng Anh và ông Nguyễn Đăng Quang. Tuy nhiên, khối tài sản của hai tỷ phú này cũng ghi nhận giảm lần lượt 11.429 tỷ và 11.284 tỷ đồng sau 7 tháng.

Với việc tài sản chỉ giảm hơn 1.128 tỷ đồng kể từ đầu năm, nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo của CTCP Hàng không VietJet (Mã VJC - HOSE) từ vị trí thứ 7 đã vươn lên thứ 6 trong với khối tài sản trị giá 32.089 tỷ đồng. Ngược lại, cựu Chủ tịch Novaland (Mã NVL - HOSE) với việc mất 6.800 tỷ đồng tài sản về còn 30.971 tỷ đồng
đã bị đẩy xuống vị trí thứ 7 trong danh sách này.

Chủ tịch CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Mã PDR - HOSE) Nguyễn Văn Đạt vẫn đứng vị trí thứ 8 trong Top 10 song mức giảm đã giảm tới 10.869 tỷ đồng kể từ đầu năm.

Đơn vị: Tỷ đồng

Đứng cuối Top 10 là bà Phạm Thu Hương - Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup - vợ tỷ phú Phạm Nhật Vượng với khối tài sản ghi nhận ở mức hơn 10.876 tỷ đồng - giảm 5.285 tỷ đồng so với cuối năm 2021.

Thống kê cho thấy, trong 7 tháng đầu năm 2022, khối tài sản Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam ghi nhận mức giảm 152.468 tỷ đồng (-29%) - tương đương gần 6,6 tỷ USD. Tính trung bình giai đoạn này, 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt “đánh rơi” khoảng 726 tỷ đồng mỗi ngày.

Nhìn vào kết quả kinh doanh quý II và bán niên 2022 của nhóm doanh nghiệp mà các tỷ phú chứng khoán đang điều hành, có thể thấy Hòa Phát là doanh nghiệp ghi nhận doanh thu quý II và nửa đầu năm cao nhất với lần lượt 37.714 tỷ và 82.118 tỷ đồng. Xếp sau là Thế giới Di động, Tập đoàn Masan và Tập đoàn Vingroup.

Doanh thu thấp nhất trong nhóm này thuộc về Sunshine Homes với chỉ 131 tỷ đồng. Đây cũng là doanh nghiệp báo lợi nhuận quý II và bán niên thấp nhất nhóm với lần lượt 99,3 và 152 tỷ đồng.

Tính chung nửa đầu năm, HPG là doanh nghiệp ghi nhận mức lãi sau thuế cao nhất nhóm với 12.229 tỷ đồng (dù đã giảm 29% YoY). Các vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về Techcombank, Masan, Thế giới Di động. Thất vọng nhất trong nhóm là con số lãi chỉ 1.028 tỷ đồng của Tập đoàn Vingroup qua đó bị Novaland vượt khá xa.

VN-Index giảm 4 phiên liên tục, về lại 1.262 điểm

Nhận định chứng khoán 13/12: Cơ hội xuất hiện khi VN-Index về 1.260 điểm

Bài thuộc chủ đề Tài chính
Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/cac-chu-tich-mat-bao-nhieu-tien-sau-7-thang-tren-san-chung-khoan-143390.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Các "chủ tịch" mất bao nhiêu tiền sau 7 tháng trên sàn chứng khoán?
    POWERED BY ONECMS & INTECH