Công nghệ in 3D trong sản xuất ô tô, đặc biệt là công nghệ Gigalit được Tesla sử dụng để tạo ra các kết cấu lớn, thu hút được sự chú ý của các công ty lớn, trong đó có BMW và GM.
GM gần đây đã công bố việc mua lại Tools and Equipment International (TEI), một trong những công ty chủ chốt trong việc phát triển công nghệ Gigalit được Tesla sử dụng, cho phép đúc các cấu trúc lớn thành khối thay vì lắp ráp từ hàng trăm bộ phận nhỏ hơn.
Cùng lúc đó, BMW cũng đầu tư vào công nghệ in 3D, công bố hợp tác với Loramendi và Voxeljet để tự động hóa quy trình in 3D quy mô lớn các khuôn cát để đúc đầu xi lanh tại nhà máy mới ở Landshut (Đức).
GM trước đây đã từng hợp tác với Voxeljet, công ty chuyên cung cấp máy in 3D khuôn cát Binder Jetting lớn nhất thế giới, khi sản xuất chiếc xe điện sang trọng Cadillac CELESTIQ của mình.
TEI vốn đã nổi tiếng trên toàn thế giới trong lĩnh vực đúc và tạo mẫu nhanh. Thương vụ mua lại TEI với giá chưa đến 100 triệu USD sẽ củng cố vị thế của GM trên thị trường xe điện ngày càng cạnh tranh và cung cấp nguồn lực cần thiết để sản xuất hiệu quả hơn trên quy mô lớn.
BMW đặt nhiều kỳ vọng vào công nghệ in 3D tại nhà máy Landshut, nơi công nghệ này sẽ được sử dụng để đúc đầu xi lanh cho động cơ B48 của hãng.
Quá trình làm khuôn cát bằng cách sử dụng công nghệ in 3D là một quá trình phức tạp, bao gồm in, sấy và làm sạch các bộ phận đã hoàn thiện, cũng như chuẩn bị và xử lý cát.
Phối hợp với Loramendi và Voxeljet, BMW sẽ tạo ra một dây chuyền sản xuất tự động, gồm máy in 3D VX1300-X của Voxeljet và hệ thống sấy vi sóng của Loramendi.
Dây chuyền sản xuất được trang bị các trạm xử lý tự động và cánh tay robot để loại bỏ và làm sạch lõi cát. Điều này cho phép nhà máy có thể sản xuất hàng nghìn khuôn cát in 3D mỗi tuần.
Việc ứng dụng công nghệ in 3D ngày càng tăng trong ngành công nghiệp ô tô là một dấu hiệu cho thấy công nghệ sản xuất này đang vượt ra khỏi khuôn khổ các phương thức thiết kế và tạo mẫu truyền thống, trở thành xu hướng chủ đạo của ngành trong thời gian tới.
(theo OL)