Các hãng xe Đức phản ứng gay gắt khi EU áp thuế cao cho xe điện Trung Quốc
Đức – Ngành công nghiệp ô tô nước Đức bày tỏ sự không đồng tình trước lệnh áp thuế nhập khẩu cao đối với xe điện Trung Quốc của Ủy ban châu Âu (EC) do lo ngại những hệ lụy vạ lây.
Tờ The Nikkei trích dẫn thông tin cho biết, vào giữa tháng 6/2024, Ủy ban châu Âu (EC) với sự ủng hộ của nhiều thành viên chủ chốt, đặc biệt là Pháp, đã công bố mức áp thuế nhập khẩu có thể lên đến 48% đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc.
Quyết định này được đưa ra sau khi EC điều tra các khoản trợ cấp cho xe điện Trung Quốc và nhận thấy rằng các nhà sản xuất tại nước này được hưởng trợ cấp dẫn tới cạnh tranh không công bằng. Chính sách mới này lập tức khiến cho ngành công nghiệp ô tô Đức “dậy sóng”.
Các nhà sản xuất ô tô Đức cho rằng, động thái này có thể gây tổn hại cho ngành công nghiệp ô tô Đức thay vì có ý nghĩa bảo vệ thị trường nội địa, đồng thời, gây ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động kinh doanh của các hãng xe Đức tại Trung Quốc.
Khác với Pháp hay Ý, thị trường ô tô Trung Quốc và Đức có mối liên hệ vô cùng chặt chẽ với nhau. Các hãng xe Đức gần như là những thương hiệu ô tô phương Tây hiếm hoi, vẫn giữ được vị thế của mình trong lòng người tiêu dùng Trung Quốc. Trong khi đó, nhiều hãng xe nước khác bị mất thị phần một cách nặng nề tại thị trường này, thậm chí là phải rút khỏi Trung Quốc do buôn bán ế ẩm.
Theo Trung tâm nghiên cứu ô tô (CAR) có trụ sở tại Đức thống kê, gần 14% trong tổng số 111.000 xe điện mới được đăng ký tại quốc gia này trong 4 tháng đầu năm nay là các loại xe điện được sản xuất tại Trung Quốc.
Theo Hiệp hội Công nghiệp Ô tô Đức (VDA) cho biết, năm ngoái, khoảng 10% trong số 337.000 xe điện được các hãng ô tô Đức sản xuất tại Trung Quốc được xuất khẩu ngược về thị trường EU.
Vì vậy, khi EU áp thuế nhập khẩu cao cho xe điện Trung Quốc thì đồng nghĩa, các hãng xe Đức này cũng bị vạ lây.
Theo người phát ngôn của Tập đoàn Volkswagen, hãng ô tô lớn nhất nước Đức, quyết định áp thuế cao của EU có thể gây bất lợi cho thị trường xe điện Đức nói riêng và Liên minh châu Âu nói chung. Những biện pháp này gây ra phản ứng đối phó mạnh mẽ tới từ Trung Quốc và không loại trừ khả năng có thể leo thang dẫn đến chiến tranh thương mại.
Nhiều hãng xe châu Âu hiện đang có cơ sở sản xuất tại Trung Quốc bao gồm BMW, Mini, Volkswagen, Volvo, Smart và Dacia. Ngoài ra, một sản lượng không nhỏ xe điện Tesla nhập khẩu vào châu Âu cũng được sản xuất tại nhà máy Tesla ở Thượng Hải, Trung Quốc.
Vì lẽ đó, các hãng xe Đức đang có động thái kêu gọi EC hủy bỏ lời “đe dọa” áp thuế cao đối với xe điện Trung Quốc nhập khẩu.
Dự kiến ngày 4/7, Ủy ban châu Âu và chính quyền Trung Quốc sẽ có cuộc đàm phán về việc áp thuế xe điện Trung Quốc vào EU. Hiện tại, chưa có dấu hiệu nào cho thấy sự nhượng bộ từ chính phủ Bắc Kinh. Bộ Thương mại Trung Quốc cáo buộc rằng các cơ quan EU yêu cầu một lượng lớn thông tin chi tiết để điều tra về các công ty ô tô Trung Quốc vượt quá thẩm quyền của họ.
Theo truyền thông Trung Quốc đưa tin, các hãng ô tô Trung Quốc đang đồng loạt kêu gọi áp dụng mức thuế nhập khẩu 25% đối với hàng hóa từ châu Âu nhằm trả đũa hành động từ EU.
Chủ tịch VDA Hildegard Mueller cho biết, Trung Quốc đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình điện khí hóa và số hóa của ngành ô tô. Một cuộc chiến tranh thương mại giữa 2 bên sẽ làm gián đoạn và gây đe dọa cho sự chuyển đổi này.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng lo ngại về một tác động tiêu cực của lệnh áp thuế mới đối với các nhà sản xuất ô tô tại châu Âu.
Theo The Nikkei, chỉ 2 ngày sau khi EC công bố điều khoản thuế mới, cổ phiếu của Volkswagen đã giảm 6% và cổ phiếu của BMW giảm 5% trên sàn giao dịch chứng khoán, thấp hơn đáng kể so với mức giao động 2% của sàn DAX (Đức). Ngược lại, cổ phiếu của BYD lại tăng gần 9% cho thấy các nhà đầu tư đang lạc quan hơn vào lợi thế cạnh tranh mà hãng xe Trung Quốc có được, bất chấp mức thuế quan 17,4% mà họ sắp phải đối mặt khi xuất khẩu vào ô tô.
Ngày 22/6 vừa qua, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đã có chuyến thăm Bắc Kinh nhằm mở ra các cuộc thảo luận liên quan đến thuế quan của 2 bên. Ông cũng là quan chức cấp cao đầu tiên trong Liên minh châu Âu đến thăm Trung Quốc sau khi Ủy ban châu Âu ban hành các kiến nghị mới về áp thuế cao nhắm vào xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ông Habeck cho biết tại cuộc họp báo ở Thượng Hải rằng, dù cho mức thuế quan tạm thời sẽ có hiệu lực từ ngày 4/7 sắp tới, nhưng các cuộc điều tra của EC vẫn tiếp tục được thực hiện cho tới tháng 11 trước khi chính thức áp mức thuế cuối cùng. Từ nay đến lúc đó vẫn còn cơ hội cho cả Brussels lẫn Bắc Kinh có thể đàm phán. Vị Phó thủ tướng khẳng định, EU và Trung Quốc cần phải có đối thoại.
Tổng hợp, The Nikkei