Tài chính Ngân hàng

Các ngân hàng đang triển khai cho vay bằng phương tiện điện tử ra sao?

Lê Mỹ 24/07/2023 - 15:23

Việc ứng dụng phương tiện điện tử vào quy trình cho vay ở mức phổ biến, nhưng đang "tích hợp" một hoặc một vài khâu của quy trình cho vay...

Tại Thông tư số 06/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 (Thông tư 39) quy định về hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2023 (Thông tư 06), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bổ sung một số quy định; trong đó, có bổ sung thêm 01 Mục riêng quy định cụ thể về hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử của TCTD đối với khách hàng và sửa đổi, bổ sung một số điều khoản khác để phù hợp hình thức cho vay này nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho TCTD trong việc triển khai hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Mô hình ngân hàng tự động của TPBank

NHNN cho biết điều này cũng phù hợp với quy định tại Luật Các TCTD năm 2010 (đã được sửa đổi, bổ sung) và định hướng, chủ trương, chuyển đổi số của ngành Ngân hàng tại Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021. Thông tư 06 sẽ thúc đẩy các TCTD ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số hơn nữa vào hoạt động cho vay, từ đó rút ngắn quy trình, thủ tục, khách hàng vay không phải đến ngân hàng, rất dễ dàng và thuận lợi để tiếp cận các khoản vốn vay với thời gian nhanh hơn, thuận tiện hơn. Đây là những quy định sẽ tạo ra những tín hiệu tích cực cho việc phát triển hoạt động cho vay tiêu dùng và hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.

Thực trạng triển khai

Thực tế, một số ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài hiện cũng đã triển khai cho vay bằng phương tiện điện tử. Có thể điểm qua thực trạng triển khai như sau: 

Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (AgriBank): Tích cực đẩy mạnh các giải pháp nhằm cải tiến hồ sơ, thủ tục cho vay, giải pháp không dùng tiền mặt trong hoạt động tín dụng (qua hệ thống thu nợ tự động Center cut). Bên cạnh đó, đang trong quá trình hoàn thiện triển khai Đề án Ngân hàng điện tử (Internet Banking); trong đó: Áp dụng công nghệ và phương thức tự động hóa trong quy trình khởi tạo khoản vay, quản lý nợ có vấn đề, quản lý tài sản đảm bảo.

Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV): Ứng dụng phương tiện điện tử từ việc tiếp nhận nhu cầu vay vốn (ibank) đến khởi tạo, thực hiện và quản lý khoản vay (qua CROMS – Khách hàng tổ chức, RLOS – Khách hàng bán lẻ) hướng tới tăng cường tính tự động trong quy trình cấp tín dụng, ứng dụng công nghệ trong quản lý khách hàng, phân tích tài chính và khởi tạo hồ sơ tín dụng, số hóa hồ sơ, đẩy nhanh tiến độ luân chuyển, xử lý hồ sơ cấp tín dụng… cũng như yêu cầu quản trị, kiểm soát hoạt động cấp tín dụng trong nội bộ ngân hàng.

Ngân hàng Ngoại thương (VCB): Đã đưa hệ thống CLOS hỗ trợ phê duyệt khởi tạo khoản vay khách hàng bán buôn, hệ hống RLOS hỗ trợ phê duyệt khởi tạo khoản vay của khách hàng bán lẻ…; đồng thời, nghiên cứu áp dụng chữ ký số trong công tác thẩm định tín dụng.

Ngân hàng Bắc Á: Đối với một số tài sản như phương tiện vận tải (trừ tàu bay, tàu biển), máy móc thiết bị, ngân hàng đã áp dụng hình thức đăng ký giao dịch bảo đảm, xóa giao dịch bảo đảm trực tuyến.

Ngân hàng Bản Việt (BVBank): Áp dụng phương pháp chấm điểm tín dụng sử dụng Big Data và AI để nâng cao chất lượng tín dụng và tăng trải nghiệm khách hàng khi giao dịch vay vốn.

Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LPBank): Đối với sản phẩm cho vay cầm cố STK: Đã triển khai  theo hình thức online (01/2018) từ đề nghị đến giải ngân thông qua ứng dụng ngân hàng.

Ngân hàng Quân đội (MB): Hoạt động cho vay được triển khai trên nhiều kênh giao dịch khác nhau (như App MBBank, Biz MBBank… hay liên kết với hệ thống của bên thứ 3 như Mcredit). Tập trung vào các khách hàng hiện hữu có quan hệ tốt, khách hàng có nguồn lương về tài khoản. Ứng dụng công nghệ định danh xác thực khách hàng điện tử (Electronic Know Your Customer – eKYC), nhận dạng ký tự quang học (Optical Character Recognition – OCR)…

Ngân hàng Tiên phong (TPB): Áp dụng các công nghệ chuyển đổi số trong việc cho vay đối với khách hàng (đặc biệt là tệp khách hàng sử dụng thẻ tín dụng và tiêu dùng tín chấp) không giấy tờ hồ sơ, đảm bảo an toàn, chi phí thấp; thực hiện thẩm định và xét duyệt tín dụng trên hệ thống luân chuyển hồ sơ và phê duyệt tín dụng nội bộ (thay vì các hồ sơ bản cứng trước đây), định giá, phê duyệt và quản lý tài sản bảo đảm sau cho vay được thực hiện trên hệ thống quản lý TSBĐ, tiến tới áp dụng đại trà các sản phẩm online rộng rãi hơn, cả trên kênh ebank và kênh LiveBank.

Ngân hàng Hàng hải (MSB): Dựa trên các nguồn thông tin về khách hàng có sẵn từ các kênh, từ đó tự động chấm điểm mức độ tín nhiệm, tự động đo lường xác suất vỡ nợ của khách hàng theo lô và áp dụng phê duyệt trước theo lô để tiếp cận khách hàng thông qua kênh Marketing tự động.

Đồng thời thí điểm cho vay thấu chi tự động trên Mobile app cho khách hàng là CBNV.

Ngân hàng Quốc dân (NCB): Đã sử dụng hệ thống iLos trong việc quản lý, luân chuyển hồ sơ giúp việc quản lý, lưu trữ hồ sơ tập trung, đẩy nhanh và quản lý được tiến trình xử lý hồ sơ theo từng khâu, từng cấp xử lý; giúp nâng cao trách nhiệm phối hợp cung cấp hồ sơ đầy đủ giữa các bộ phận, giúp quản lý thời gian xử lý công việc.

Ngân hàng Sài gòn Thương tín (Sacombank): Hoàn thành và đưa vào sử dụng hệ thống khởi tạo, phê duyệt và quản lý khoản cấp tín dụng (LOS) đối với khoản cho vay cá nhân nhỏ lẻ dưới 500 triệu.

Ngân hàng Đông Nam Á (SeaBank): Đang triển khai eKYC nhận diện KH toàn diện, liên tục trong suốt quá trình quan hệ tài chính, tín dụng… giữa KH cá nhân và ngân hàng thông qua đối soát mẫu vân tay trên CMND và dấu vân tay thực của KH, hỗ trợ giảm thiểu rủi ro cho các sản phẩm tín dụng phê duyệt online tự động mà ngân hàng đang trong quá trình xây dựng.

Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB): Ngân hàng có nền tảng tự động hóa cơ bản là hệ thống CORE đã đáp ứng được việc tính toán, theo dõi và quản lý một cách tự động các khoản vay; hệ thống báo cáo đáp ứng nhu cầu số liệu một cách tự động theo nhu cầu quản lý khoản vay.

Ngân hàng Kỹ thương (TechcomBank): Đối với mảng cho vay mua BĐS nhà dự án, phát triển và áp dụng một số khâu trong quy trình cấp tín dụng trên nền hệ thống IDC (Intelligence Decision Computing), bao gồm cả công tác thẩm định và phê duyệt tín dụng.

Ngân hàng Quốc tế (VIB): Kết nối trực tiếp với CIC để tối ưu thời gian, chi phí tra cứu CIC, áp dụng quy trình thẩm định, phê duyệt và giải ngân qua platform điện tử (dự án ACL) và sử dụng chữ ký điện tử giảm bớt thủ tục văn bản giấy.

Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VPBank): Triển khai các dịch vụ cho vay thấu chi đối với KH doanh nghiệp trực tuyến, giải ngân hạn mức trực tuyến; ứng dụng cho phép khách hàng cá nhân vay mua xe ô tô ngay tại đại lý ô tô và biết kết quả phê duyệt sau 5 phút; ứng dụng cho phép cán bộ bán hàng gặp trực tiếp khách hàng, thực hiện nhập liệu thông tin/nhận diện khách hàng và trình hồ sơ chứng từ trực tuyến; ứng dụng công nghệ cho phép khách hàng tự thực hiện KYC thông qua nhận diện khuôn mặt trên CMND/CCCD (ứng dụng eKYC và OCR); cài đặt các luồng nguyên tắc xử lý phê duyệt hồ sơ dựa trên chính sách sản phẩm và chính sách thẩm định được ban hành.

Ngân hàng ANZ: Nộp đơn rút vốn qua kênh điện tử (hoặc bằng văn bản giấy).

Ngân hàng HongLeong: Đã triển khai áp dụng hệ thống phê duyệt tín dụng (LAW – Loan Application Workflow) cho phép xem xét, thẩm định và phê duyệt khoản vay thay cho hoạt động thủ công.

Ngân hàng HSBC: Chuyển đổi hạ tầng và dịch vụ công nghệ thông tin lên trên nền tảng điện toán đám mây.

Sử dụng các hệ thống chuẩn của tập đoàn HSBC trong hoạt động kiểm soát rủi ro (hệ thống HELIOS ghi chép lịch sử đánh giá rủi ro từng thời kỳ, hệ thống RAT ghi chép toàn bộ dữ liệu và chứng từ bổ trợ cho việc đánh giá rủi ro rửa tiền, cấm vận, chống hối lộ và tham nhũng), giúp lưu trữ, quản lý và truy xuất thông tin thuận tiện, dễ dàng.

Ứng dụng nhiều công cụ đa dạng, xuyên suốt chu trình cho vay cũng đang trong quá trình cải thiện (ví dụ như công cụ quản lý theo dõi thời gian tiêu tốn tại từng công đoạn cấp hạn mức- Credit Workflow Tool, số hóa một phần tờ trình tín dụng – Digital Credit Application, số hóa việc soạn thảo hồ sơ tín dụng – Hot Docs…).

Ngân hàng Public Bank: Áp dụng hệ thống trình và phê duyệt hồ sơ tín dụng điện tử (electronic Loan Delivery System -eLDS).

Ngân hàng Standard Chartered: Đã áp dụng phương thức điện tử trong phê duyệt tín dụng.

Ngân hàng Bank of communications – Chi nhánh Tp. HCM: Ngân hàng đang sử dụng hệ thống nội bộ điện tử 531 do Hội sở chính thống nhất triển khai thực hiện đối với tất cả các chi nhánh trong và ngoài nước, bao gồm các công năng như: Xếp hạng tín dụng nội bộ, kiểm tra PCRT, truyền tải thông tin thẩm định, phê duyệt tín dụng… được nhân viên (thuộc nhiều bộ phận) với trách nhiệm và quyền hạn khác nhau lần lượt thực hiện các thao tác để hoàn thành quy trình cấp tín dụng.

Tất cả các quy trình trong hoạt động cấp tín dụng bao gồm từ khâu điều tra tín dụng, viết báo cáo tín dụng, phê duyệt, giải ngân cho vay, quản lý sau cho vay và các chức năng khác đều được hoàn thành thông qua hệ thống 531 (đồng thời với quy trình phê duyệt trên tài liệu giấy). Ngân hàng sẽ dần thay thế phương thức phê duyệt trên giấy bằng phương thức điện tử.

Ngân hàng Bangkok – Chi nhánh Tp. HN và HCM: Tự động hóa 1 phần trong quy trình cho vay, giải ngân. Cụ thể: Các chứng từ cung cấp cho khách hàng (báo có, báo nợ, các thông báo, hóa đơn…) sẽ được trích xuất tự động từ hệ thống và cung cấp cho khách hàng qua thư điện tử.

Ngân hàng Siam – Chi nhánh Tp. HCM: Tận dụng hệ thống có sẵn từ ngân hàng mẹ về đánh giá rủi ro, xếp hạng tín dụng khách hàng cũng như giải ngân, kiểm soát hạn mức.

Ngân hàng Sinopac – Chi nhánh Tp. HCM: Có hệ thống icredit để thực hiện quy trình gửi hồ sơ thẩm định qua NH mẹ để xét duyệt hồ sơ vay. Ngoài ra, hệ thống đánh giá rủi ro khách hàng, hệ thống tra cứu bên liên quan cũng góp phần hỗ trợ công tác đánh giá hồ sơ khách hàng vay.

Ngân hàng SMCB – Chi nhánh Tp. HN: Sử dụng hệ thống kiểm soát tín dụng điện tử toàn cầu theo quy chuẩn của Hội sở (Global Business Re-engineering” hoặc “GBR”) cho quy trình nộp hồ sơ phê duyệt tín dụng và quản lý hồ sơ tín dụng.

Ngân hàng Taipei Fubon – Chi nhánh Bình Dương, HCM và HN: Trong hoạt động kinh doanh tại Việt nam, ngân hàng sử dụng hệ thống Core Banking – Flexcube.

Ngân hàng Hợp tác xã: Áp dụng hệ thống Corebanking (ngân hàng lõi), hệ thống phê duyệt tín dụng (hỗ trợ quy trình tự động hóa trong việc cho vay), hệ thống khởi tạo và quản lý khoản vay từ xa (hiện mới chỉ phục vụ công tác cấp hạn mức thấu chi trên thẻ ghi nợ nội địa), hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ (chấm điểm khách hàng).

Ngân hàng Nhà nước đánh giá ra sao?

Theo đánh giá của NHNN, nhìn chung, mức độ TCTD áp dụng phương tiện điện tử vào quy trình cho vay, quyết định lựa chọn thực hiện tự động một khâu/một vài khâu hay toàn bộ quy trình cho vay không đồng đều giữa các TCTD do nhiều lý do có thể kể đến như: Khẩu vị rủi ro, đặc điểm hoạt động kinh doanh và chính sách nội bộ của bản thân TCTD, hành vi người dùng chưa chấp nhận thay đổi sang sử dụng sản phẩm bằng phương tiện điện tử…

Theo NHNN

Nhóm các ngân hàng thương mại nhìn chung ghi nhận việc ứng dụng phương tiện điện tử vào quy trình cho vay ở mức phổ biến; đa phần các ngân hàng đã ứng dụng phương tiện điện tử vào một hoặc một vài khâu của quy trình cho vay.

NHNN cũng cho biết theo xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, triển khai kế hoạch chuyển đổi số của ngành ngân hàng, các TCTD nhìn chung nhận định được sự cần thiết và cơ hội trong việc chuyển đổi số hoạt động ngân hàng (trong đó có hoạt động cho vay) góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của TCTD, loại bỏ các yếu tố cảm tính và chủ quan của cá nhân khi ra quyết định, tối đa hóa lợi nhuận và giảm thiểu chi phí và nguồn lực vận hành, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của TCTD; gia tăng tiện ích và trải nghiệm đối với khách hàng, rút ngắn thời gian phục vụ, từ đó giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay của TCTD.

"Về cơ bản, các TCTD có xu hướng kiện toàn, đẩy mạnh ứng dụng toàn diện, đồng bộ hệ thống công nghệ thông tin, mở rộng hệ sinh thái số; tiếp tục đầu tư cho công tác nghiên cứu, cải tiến và ứng dụng các giải pháp, công nghệ số hóa theo hướng nâng cao tính tự động hóa cho quy trình cho vay (tiến tới tự động hóa toàn bộ quy trình); đồng thời, việc NHNN ban hành Thông tư 06/2023/TT-NHNN (trong đó có nội dung quy định về cho vay bằng phương tiện điện tử) góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý, là cơ sở để các ngân hàng triển khai đại trà, áp dụng rộng rãi phương tiện điện tử vào quy trình cho vay.

Do yêu cầu về nguồn lực đầu tư lớn, đặc thù quy mô hoạt động, kế hoạch phát triển của TCTD nên cần có có lộ trình (trước mắt áp dụng đối với các sản phẩm cho vay đơn giản), nghiên cứu và thử nghiệm trước khi áp dụng rộng rãi", cơ quan quản lý tiền tệ - ngân hàng nhấn mạnh.

Chính phủ yêu cầu nghiên cứu về đề xuất Ngân hàng Nhà nước bảo lãnh trái phiếu

Ngân hàng Nhà nước: Hạ lãi suất nhưng không chủ quan với áp lực lạm phát

Tác động từ việc hạ lãi suất điều hành lần thứ tư của Ngân hàng Nhà nước

Theo diendandoanhnghiep.vn
https://diendandoanhnghiep.vn/cac-ngan-hang-dang-trien-khai-cho-vay-bang-phuong-tien-dien-tu-ra-sao-247966.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Các ngân hàng đang triển khai cho vay bằng phương tiện điện tử ra sao?
POWERED BY ONECMS & INTECH