Sự luân chuyển dòng tiền thực hiện nhanh nên nhiều khi không thể xác minh được nguồn gốc khi tiền đã được chuyển ra mua hàng hóa ở nước ngoài.
Ngày 4/12, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã có buổi làm việc với đại diện các tổ chức tín dụng (TCTD) về cơ chế phối hợp trong xử lý giao dịch lừa đảo, gian lận.
Đại diện các tổ chức tín dụng cho biết họ rất trăn trở và đã có nhiều nỗ lực để hỗ trợ khách hàng xử lý các vụ việc gặp phải. Tuy nhiên do sự luân chuyển dòng tiền thực hiện nhanh nên nhiều khi không thể xác minh được nguồn gốc khi tiền đã được chuyển ra mua hàng hóa ở nước ngoài.
Bản thân TCTD đồng thời thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những ngân hàng đã rất tích cực trong việc phối hợp xử lý như tạm giữ giao dịch trước khi chấp nhận thanh toán khi ngân hàng đầu nguồn liên hệ hỗ trợ thì vẫn còn tình trạng khâu phối hợp giữa một số ngân hàng còn chậm do những quy định quy trình nội bộ khác nhau.
Các đối tượng lừa đảo rất tinh vi, áp dụng công nghệ rất nhanh, chúng thậm chí là tự động hóa việc chuyển tiền đi nên ngành ngân hàng cũng cần khẩn trương tự động hóa việc xử lý thông tin gian lận, đầu tư lớn hơn về hệ thống của ngân hàng; xây dựng “danh sách đen” những tài khoản có giao dịch đáng ngờ để toàn ngành cảnh báo, cảnh giác sớm...
Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng khẳng định, xử lý giao dịch lừa đảo, gian lận là vấn đề nóng, các TCTD luôn mong muốn bảo vệ sản phẩm - dịch vụ và khách hàng của mình nhưng thật sự nhiều khi vẫn rơi vào tình trạng “lực bất tòng tâm” nếu không có sự vào cuộc một cách đồng bộ của các cơ quan quản lý nhà nước, các TCTD và chính bản thân khách hàng.
Kẻ gian, tổ chức tội phạm quốc tế thường xuyên tìm mọi cách lợi dụng kẽ hở để chiếm đoạt tài khoản cũng như tài sản của khách hàng, bởi vậy công tác phòng chống, xử lý là công việc thường xuyên, liên tục của các TCTD nhằm có thể hạn chế tối đa rủi ro xảy ra với khách hàng. Trên tinh thần đó, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng đã đưa ra 6 vấn đề cần khẩn trương giải quyết sau buổi làm việc, bao gồm:
Thứ nhất, sau buổi làm việc, đề nghị các ngân hàng cung cấp đường dây nóng để thông báo, triển khai tập trung các vấn đề liên quan đến giao dịch lừa đảo, gian lận. NAPAS là đơn vị tiếp nhận và xử lý thông tin. Để làm được điều này, đòi hỏi sự đồng thuận của tất cả các TCTD vì vậy Hiệp hội Ngân hàng sẽ lấy ý kiến các TCTD ngay chiều nay để gửi NAPAS.
Thứ hai,những khó khăn, vướng mắc, thực trạng của các TCTD, cơ quan liên quan đưa ra tại buổi làm việc, Hiệp hội Ngân hàng sẽ tổng hợp báo cáo NHNN, Vụ Thanh toán, Cục Công nghệ Thông tin để biết, triển khai, từ đó có thêm cơ sở để ban hành các Thông tư hướng dẫn.
Thứ ba,bên cạnh việc tự xây dựng và triển khai hệ thống quy định riêng, các ngân hàng cần xác định phối kết hợp chặt chẽ với nhau. Cần quán triệt khách hàng của một ngân hàng là khách hàng của toàn hệ thống, khách hàng của một hội viên là của tất cả hội viên.
Thứ tư, các TCTD cần tổ chức thực hiện, nghiên cứu, hạn chế lỗ hổng trong sản phẩm dịch vụ của đơn vị. Cần rà soát lại và tổ chức triển khai, đảm bảo lợi ích của cả khách hàng và chính TCTD.
Thứ năm, đề nghị các TCTD tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, tích cực tham gia ý kiến trong quá trình sửa đổi, bổ sung Quyết định 630/QĐ-NHNN; cũng như đối với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan trong lĩnh vực thanh toán… để làm sao khi ban hành đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, không có vướng mắc trong quá trình triển khai.
Cuối cùng, để thống nhất trong nội bộ hệ thống các TCTD, Hiệp hội Ngân hàng sẽ thành lập tổ soạn thảo, xây dựng quy trình, phối hợp xử lý nội bộ giữa các TCTD hội viên nhằm hỗ trợ và bảo vệ khách hàng khi bị kẻ gian lừa đảo để trục lợi…., phấn đấu cuối quý I/2024 có thể ban hành.
Giao dịch từ 400 triệu đồng phải báo cáo NHNN: Liệu có cản trở giao dịch tiền mặt?