Để tăng tỷ lệ đáp ứng của vận tải hành khách công cộng Thủ đô từ dưới 15% lên tối thiểu 40% đến năm 2030, các chuyên gia cho rằng, ngoài việc phát triển rộng hơn mạng lưới xe buýt, nâng cấp hạ tầng giao thông công cộng thì chất lượng dịch vụ, thái độ phục vụ của nhân viên xe buýt cũng cần cải thiện hơn.
Người dân vẫn chưa "mặn mà"
Theo Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Hà Nội, hiện trên địa bàn Hà Nội có 11 đơn vị vận hành xe buýt có trợ giá. Mạng lưới vận tải khách công cộng bằng xe buýt đã tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã, đạt 100%, 510/579 xã, phường, thị trấn đạt 88,1%; 65/75 bệnh viện, đạt 87%; 192/286 trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông, đạt 70%; 33/37 khu đô thị, đạt 89%.
Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, mạng lưới xe buýt trên địa bàn Hà Nội có độ phủ tốt, từ nông thôn đến các quận đô thị trung tâm, tần suất cũng cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên người dân vẫn chưa "mặn mà" lắm với việc sử dụng xe buýt vì một số nguyên nhân như: Điều kiện hạ tầng giao thông phục vụ cho việc tiếp cận của hành khách đối với xe buýt còn chưa bảo đảm. Một số đoạn tuyến không có vỉa hè để lắp đặt điểm dừng; một số đoạn tuyến, chiều rộng vỉa hè không bảo đảm để lắp nhà chờ.
Ngoài ra, mức độ thân thiện, thái độ ứng xử của một bộ phận lái xe, nhân viên phục vụ chưa đúng mực cũng đã ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng dịch vụ của xe buýt.
Chị Nguyễn Thị Mùi (Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ: "Trời nắng nóng, nhiều khi tôi muốn bắt xe buýt vào nội thành đi làm nhưng đường thì đông, đi bộ từ nhà ra điểm bắt xe cũng khá xa khiến tôi mất nhiều thời gian. Do đó, tôi đành đi xe máy, nắng chút nhưng nhanh hơn, bớt lo về tắc đường".
Là một sinh viên thường xuyên đi xe buýt, em Đỗ Văn K. (Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ: "Em đi xe buýt từ khi còn học THPT. Xe buýt được trợ giá nên thực sự bớt đi khoản chi phí đi lại cho em rất nhiều. Tuy nhiên, em thấy một số xe buýt thì cách thức phục vụ chưa tốt lắm. Nhiều khi dừng xe mà khách chưa lên hết, xe đã đi luôn, rất nguy hiểm. Còn chưa kể đến thái độ một bộ phận nhân viên với khách hàng chưa mấy thân thiện".
Đó chỉ là hai trong số nhiều người dân đi xe buýt nêu phản ánh. "Cũng phải thẳng thắn nhìn vào, chất lượng xe buýt Hà Nội chưa tốt, kém hấp dẫn trong mắt người dân. Từ chất lượng phương tiện, chất lượng phục vụ trên xe, đến chất lượng chuyến đi vẫn còn nhiều vấn đề cần phải cải thiện", chuyên gia giao thông đô thị Vũ Tuấn Linh đánh giá.
Mặc dù không thể phủ nhận vai trò của xe buýt trong vận tải khách công cộng trên địa bàn TP Hà Nội. Nhiều năm qua, TP. Hà Nội cũng rất quan tâm cho hoạt động xe buýt thông qua trợ giá. Các doanh nghiệp cũng quan tâm đầu tư nâng cấp xe mới, mở rộng mạng lưới, mở thêm nhiều tuyến, nhánh tuyến mới để người dân tiếp cận dễ hơn.
Để khách hàng sử dụng xe buýt thuận tiện, an toàn
Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cũng vừa triển khai chương trình "Nâng cao chất lượng dịch vụ trong hoạt động xe buýt năm 2023". Theo đó, Chương trình bắt đầu từ ngày 1/6-31/12/2023, nhằm tập trung nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, đáp ứng mục tiêu về "Chất lượng dịch vụ và An toàn giao thông"; đồng thời nhân rộng, lan tỏa những gương phục vụ điển hình tiên tiến, có tinh thần phục vụ tốt, nâng cao hình ảnh và chất lượng dịch vụ xe buýt của Transerco đến với người dân và hành khách đi xe buýt.
Transerco triển khai tập trung vào các nội dung hướng tới chất lượng dịch vụ như: Giữ gìn xe tốt, lái xe an toàn; chấp hành tốt kỷ cương, kỷ luật chạy xe; chấp hành đúng các quy định dừng đỗ, mở cửa đón trả khách; chấp hành nghiêm túc các quy định của Luật giao thông đường bộ…
Thời gian tới, các tiêu chí phục vụ trên xe buýt giành cho lái xe và nhân viên phục vụ sẽ được tăng cường giám sát chặt chẽ nhằm mang lại cho hành khách đi xe buýt một cảm nhận thoải mái, gắn bó, thân thiện với xe buýt hơn.
Theo chuyên gia giao thông Từ Sỹ Sùa, giảng viên Trường Đại học Giao thông vận tải, để tăng tính hấp dẫn của vận tải hành khách công cộng thì cần ưu tiên phương tiện vận tải công cộng có sức chứa lớn và hạn chế phương tiện cá nhân. Đây chính là giải pháp trọng tâm để giảm ùn tắc giao thông.
Trước đây, Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng TP. Hà Nội đã có văn bản kiến nghị tới Thành phố và Sở Giao thông vận tải Hà Nội kiên trì chủ trương ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng sao cho hành khách khi sử dụng phương tiện công cộng được thuận tiện, tiếp cận an toàn và đi nhanh hơn khi sử dụng xe cá nhân…
Đối với những đầu mối giao thông như bến xe, nhà ga, trường đại học, trung tâm thương mại, đặc biệt là các khu đô thị mới, tòa nhà cao tầng cần được đặc biệt chú trọng, tạo các tuyến đi thẳng để rút ngắn thời gian đi lại, thì xe buýt hiện nay lại đi vòng, tốn nhiều thời gian của hành khách.
Chuyên gia cho rằng, hiện nay rất nhiều khu đô thị đã được hình thành và xe buýt không vươn tới được. Khối lượng dân cư một tòa chung cư hoặc một khu chung cư bằng hẳn một phường ngày xưa dẫn đến kết nối bằng phương tiện công cộng không phù hợp được.
"Để tăng cường tỷ lệ vận tải hành khách công cộng trong khu vực thì chúng ta phải rà soát lại, nghiên cứu lại rất kỹ, hoạch định lại thành một bài toán tổng thể, phù hợp với nhu cầu phát triển", chuyên gia Từ Sỹ Sùa cho hay.
Về khía cạnh cơ quan quản lý nhà nước, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, thời gian tới, Sở sẽ tập trung vào một số giải pháp chính như rà soát mạng lưới, đánh giá hiệu quả các tuyến xem tuyến nào cần phải điều chỉnh; tiếp tục tăng khả năng tiếp cận của xe buýt. Những khu vực chưa có xe buýt tiếp cận sẽ có thể mở mới hoặc điều chỉnh.
Bên cạnh đó, rà soát kết nối với các loại hình vận tải hành khách công cộng khác, kết nối từ không gian, thời gian, thông tin; tổ chức hoạt động vận tải để các loại hình hỗ trợ nhau, cùng thu hút người dân sử dụng vận tải hành khách công cộng, từ phương tiện sức chứa lớn, sức chứa nhỏ, metro, minibus, taxi, xe hai bánh…