Với khả năng vận tải khổng lồ, chiếc trực thăng này được mệnh danh là "Cần cẩu bay" của không quân Việt Nam trong chiến tranh.
Nằm trưng bày ở Bảo tàng Phòng không – Không quân (Hà Nội), chiếc trực thăng Mi-6 mang số hiệu 7609 gây ấn tượng mạnh với bất kỳ ai đến tham quan bởi vẻ ngoài khổng lồ của nó. Trực thăng vận tải hạng nặng Mi-6 do hãng Mil Moscow thiết kế sản xuất từ giữa những năm 1950.
Mi-6 đang được trưng bày ở Bảo tàng Phòng không - Không quân (Hà Nội) |
Theo Đời sống & Pháp luật, Mi-6 có chiều dài tổng thể 33,18m, cao 9,81m, đường kính cánh quạt chính 35m, trọng lượng rỗng 27,2 tấn, trọng lượng cất cánh tối đa 42,5 tấn, tải trọng lên tới 12 tấn. Chiếc máy bay này được trang bị hai động tuốc bin trục Soloviev D-25V với công suất 5.500 mã lực/chiếc cho tốc độ cực đại 300km/h, vận tốc hành trình 250km/h, tầm bay 620km, trần bay 4.500m.
Những ai đến tham quan cũng đều ngỡ ngàng trước vẻ ngoài khổng lồ của Mi-6 |
Trực thăng Mi-6 được thiết kế cho vai trò vận tải hàng hóa, chở quân (70 lính cùng vũ khí), chở khách (65-90 người), cứu thương (41 cáng và 2 nhân viên y tế). Khi cần, Mi-6 còn dùng để chở xe bọc thép chở quân, xe chiến đấu bộ binh, xe ô tô thông thường hoặc cẩu pháo, dàn radar,… Chính bởi khả năng chuyên chở hàng hóa phi thường, nó được ví như “cần cẩu bay khổng lồ” của Không quân nhân dân Việt Nam.
Đây cũng là chiếc máy bay trực thăng vận tải hạng nặng của Liên Xô hoạt động cả trong vai trò quân sự và dân sự. Trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, Liên Xô viện trợ cho Không quân Việt Nam một dàn trực thăng loại này, tiểu đoàn được thành lập thuộc Lữ đoàn 919 với những phi công học lái Mi-6 ở Liên Xô trở về. Tiểu đoàn trực thăng Mi-6 của Không quân Việt Nam thập kỷ 60 và 70 có 9 tổ bay, mỗi đại đội biên chế 2 chiếc Mi-6. Phi hành đoàn trực thăng Mi-6 cần tới 6 người gồm: hai phi công; một dẫn đường; một kĩ sư bay; một liên lạc và một kỹ thuật.
Mi-6 chuyên chở hàng vạn tấn hàng hóa, khí tài quân sự |
Với thân hình khổng lồ cùng tải trọng lớn, trong những năm tháng chiến tranh, trực thăng Mi-6 của Không quân Việt Nam thực hiện nhiều nhiệm vụ không vận quân, khí tài quân sự để cơ động chiến đấu, chi viện chiến trường.
Trực thăng Mi-6 cẩu MiG-21 |
Đặc biệt, Mi-6 trở thành "huyền thoại" trong những năm tháng chiến tranh khi Không quân Việt Nam quyết định sử dụng loại trực thăng này như một cần cẩu để cẩu máy bay chiến đấu MiG-17 và MiG-21 cơ động giữa các sân bay và điểm cất giữ bí mật tránh sự theo dõi của không quân Mỹ.
Các phiên bản quân sự của chiếc trực thăng Mi-6 còn được thiết kế thêm cánh cứng để tăng lực nâng. Đây cũng là một đặc điểm khác biệt của dòng trực thăng hạng nặng này. Đặc biệt, với khoang bụng khổng lồ, Mi-6 có thể chở được cả xe tải quân sự hay thiết giáp hạng nhẹ.
Trực thăng Mi-6 có cửa lớn ở đuôi để chuyển hàng hoá lớn. |
Chiếc trực thăng này còn có các nhiệm vụ khác như chở các đài radar lên núi, chở hàng viện trợ, cấp cứu, ngăn đê ở những vùng bão lụt, giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai. Cụ thể, vào cuối năm 1971, đê Nhất Trai, Gia Lương (thuộc tỉnh Hà Bắc) bị vỡ gây thiệt hại lớn cho nhân dân. Các lực lượng hộ đê đã nỗ lực dùng mọi phương tiện để chặn dòng nước lũ nhưng đều vô hiệu. Lúc này, Mi-6 “ném” những những rọ đá, rồng đá nặng cả chục tấn cấp tốc vào chỗ đê đang sụt, vỡ. Những cán bộ kỳ cựu của ngành thủy lợi thừa nhận, không có trực thăng thả rồng đá thẳng đứng xuống nơi hiểm yếu, thì không có máy cẩu nào có thể tới đó lúc nguy cấp.
Sau chiến tranh, Quân chủng Phòng không - Không quân tổng kết, lực lượng trực thăng Mi-6 đã tham gia tới 400 lần chuyến cẩu tiêm kích đi sơ tán, đi bảo dưỡng, đi bay trực chiến tại sân bay dự bị. Không rõ thời gian mà trực thăng vận tải Mi-6 chính thức được Không quân Nhân dân Việt Nam cho nghỉ hưu. Hiện chỉ có một chiếc Mi-6 được trưng bày tại Bảo tàng Quân chủng Phòng không – Không quân (Hà Nội).