Doanh nghiệp A-Z

Căn cứ sản xuất thanh ray của Hòa Phát (HPG): Quy mô ngang ngửa dự án Dung Quất 2, tạo cầu nối cho tuyến đường sắt 67 tỷ USD

Ánh Nguyệt 22/10/2024 09:30

Tập đoàn Hòa Phát (HPG) dự kiến chọn nhà máy thép tại Phú Yên làm cơ sở sản xuất thanh ray có chiều dài 100m cho tuyến đường sắt tốc độ cao.

Hòa Phát tận dụng lợi thế độc đáo tại "siêu dự án" nhà máy thép ở Phú Yên

UBND tỉnh Phú Yên vừa gửi văn bản đến Bộ Giao thông vận tải đề xuất chủ trương kết nối tuyến đường sắt dài 12km từ cảng Bãi Gốc đến tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Theo kế hoạch, Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) sẽ sản xuất thanh ray cho tuyến đường sắt này tại nhà máy luyện kim và thép đặt tại Khu công nghiệp Hòa Tâm, thuộc Khu kinh tế Nam Phú Yên.

Nhà máy thép mới tại Phú Yên dự kiến xây dựng với quy mô tương đương Khu liên hợp sản xuất gang thép Dung Quất 2 đang triển khai tại Quảng Ngãi. Điều này là lợi thế giúp Hòa Phát sản xuất các sản phẩm thép chất lượng cao, bao gồm thanh ray đường sắt có chiều dài từ 50m đến 100m - một yêu cầu kỹ thuật đặc biệt cho các dự án đường sắt tốc độ cao.

Điểm đáng chú ý là thay vì vận chuyển qua đường bộ, các thanh ray này sẽ được vận chuyển trực tiếp bằng đường sắt, tạo kết nối cho việc xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Kết nối này sẽ giúp tối ưu hóa quá trình vận chuyển, đặc biệt là hàng hóa khối lượng lớn từ nhà máy thép đến các khu vực trên cả nước, thông qua cảng Bãi Gốc và hệ thống đường sắt hiện đại.

Căn cứ sản xuất thanh ray của Hòa Phát (HPG): Quy mô ngang ngửa dự án Dung Quất 2, tạo cầu nối cho tuyến đường sắt 67 tỷ USD
Vị trí chiến lược tại nhà máy thép trong Khu công nghiệp Hòa Tâm được Hòa Phát hướng đến đầu tư - Ảnh: Thảo Nguyên

“Cơ hội vàng” cho Hòa Phát tham gia dự án đường sắt tốc độ cao hơn 67 tỷ USD

Vào sáng ngày 21/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo Quốc hội về tình hình phát triển kinh tế xã hội năm 2024, phương hướng những tháng cuối năm và năm 2025, trong đó có nội dung về hạ tầng giao thông. Chủ trương đầu tư toàn tuyến dự án đường sắt tốc độ cao (350km/h) trên trục Bắc - Nam đã được Hội nghị Trung ương 10 khóa 13 thống nhất vào giữa tháng 9 vừa qua.

Theo đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải, dự án có tổng mức đầu tư sơ bộ hơn 67,34 tỷ USD, tuyến đường đôi, khổ 1.435mm. Bộ cũng tính toán việc đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam tạo ra thị trường xây dựng giá trị khoảng 33,5 tỷ USD. Nếu tính cả hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị sẽ tạo ra thị trường xây dựng 75,6 tỷ USD, trong đó sản xuất phương tiện, thiết bị 34,1 tỷ USD (đầu máy, toa xe 9,8 tỷ USD; hệ thống thông tin tín hiệu và thiết bị khác 24,3 tỷ USD).

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy khẳng định Việt Nam làm đường sắt tốc độ cao sẽ bằng nguồn ngân sách và ít chịu ràng buộc chuyển giao công nghệ nước ngoài.

"Nếu có sự tham gia của nhà thầu nước ngoài, điều kiện tiên quyết là phải sử dụng dịch vụ hàng hóa mà trong nước sản xuất được, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước tham gia với giá trị xây dựng lên tới 34 tỷ USD", ông Huy cho biết.

Theo Chứng khoán Yuanta Việt Nam, chủ trương ưu tiên sử dụng dịch vụ và hàng hóa sản xuất trong nước trong quá trình triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp nội địa. Đặc biệt, các sản phẩm thép nội địa như của Hòa Phát sẽ được hưởng lợi lớn từ việc này.

Với vai trò là một trong những nhà sản xuất thép hàng đầu Việt Nam, Hòa Phát có tiềm năng tham gia vào các gói thầu cung ứng vật liệu trong dự án này.

Tuyến đường sắt tốc độ cao không chỉ yêu cầu khối lượng lớn thép phục vụ cho việc xây dựng cầu, đường và kết cấu hạ tầng mà còn đòi hỏi các loại thép chất lượng cao như thanh ray. Đây là lĩnh vực Hòa Phát đang tập trung nghiên cứu và có kế hoạch triển khai cụ thể, với mục tiêu sản xuất những thanh ray có độ dài từ 50m đến 100m tại các nhà máy thép trong Khu công nghiệp Hòa Tâm (Phú Yên).

>> Hòa Phát (HPG) lựa chọn nhà máy thép 86.000 tỷ đồng để sản xuất thanh ray dài 100m cho tuyến đường sắt tốc độ cao

Hòa Phát (HPG) lựa chọn nhà máy thép 86.000 tỷ đồng để sản xuất thanh ray dài 100m cho tuyến đường sắt tốc độ cao

Bài toán khó của Hòa Phát (HPG) trong việc hiện thực hóa tham vọng sản xuất thép cho tuyến đường sắt gần 70 tỷ USD

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/can-cu-san-xuat-thanh-ray-cua-hoa-phat-hpg-quy-mo-ngang-ngua-du-an-dung-quat-2-tao-cau-noi-cho-tuyen-duong-sat-67-ty-usd-255185.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Căn cứ sản xuất thanh ray của Hòa Phát (HPG): Quy mô ngang ngửa dự án Dung Quất 2, tạo cầu nối cho tuyến đường sắt 67 tỷ USD
    POWERED BY ONECMS & INTECH