Doanh nghiệp A-Z

Bài toán khó của Hòa Phát (HPG) trong việc hiện thực hóa tham vọng sản xuất thép cho tuyến đường sắt gần 70 tỷ USD

Ánh Nguyệt 14/10/2024 13:13

Các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước, đặc biệt là Hòa Phát (HPG) đang đối mặt với những thách thức lớn trước yêu cầu kỹ thuật khắt khe của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Trong báo cáo trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) đã nhấn mạnh việc chuyển giao công nghệ là điều kiện tiên quyết cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Mục tiêu chính là phát triển ngành công nghiệp đường sắt trong nước, giảm dần sự phụ thuộc vào nước ngoài.

Đơn vị tư vấn TEDI-TRICC-TEDIS cho rằng Việt Nam cần có lộ trình phát triển công nghiệp đường sắt. Đây được xem là yếu tố quyết định thành công của dự án.

Hiện tại, hệ thống đường sắt quốc gia vẫn còn lạc hậu khi chỉ có hai nhà máy xe lửa Gia Lâm và Dĩ An, chủ yếu phục vụ sửa chữa, nâng cấp toa xe chở hàng và hành khách. Mức độ nội địa hóa các toa xe khách đạt hơn 90%, nhưng phần lớn phụ tùng và các chi tiết quan trọng vẫn phải nhập khẩu.

Hiện tại, các xí nghiệp đầu máy Hà Nội, Vinh và Sài Gòn vẫn sử dụng máy móc lạc hậu từ những năm 1930-1960 với công nghệ lỗi thời và độ chính xác thấp. Các thiết bị này không được trang bị những công nghệ tiên tiến, hiện đại khiến quá trình gia công chế tạo chỉ dừng ở những chi tiết đơn giản như bu lông, ê cu, ắc quy và bạc.

Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn chưa tự sản xuất được các loại ray P43, P50 hay loại cao cấp hơn dùng cho đường sắt đô thị và đường sắt cao tốc và hệ thống ghi vẫn phải nhập khẩu. Trong đó, chỉ có tà vẹt là có thể sản xuất trong nước.

Về sản xuất thép, doanh nghiệp trong nước có bước tiến dài cả về quy mô, sản lượng và công nghệ tương đương tầm cỡ thế giới hiện tại. Đặc biệt là Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa - Hà Tĩnh và Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG). Ngoài ra, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng cũng là một đơn vị hàng đầu trong nghiên cứu, chế tạo các sản phẩm phục vụ quốc phòng.

Tuy nhiên, đơn vị tư vấn TEDI-TRICC-TEDIS nhận thấy thép trong nước vẫn là thép thông thường, còn thép đặc chủng, chế tạo máy móc vẫn chưa phát triển. Nếu không có kế hoạch phát triển công nghiệp trong nước, dự án đường sắt tốc độ cao sẽ gặp nhiều rủi ro, đặc biệt về chi phí vận hành và bảo dưỡng.

Bài toán khó của Hòa Phát (HPG) trong việc hiện thực hóa tham vọng sản xuất thép cho tuyến đường sắt gần 70 tỷ USD
Hòa Phát (HPG) đối diện thách thức trong tham vọng sản xuất thép cho tuyến đường sắt tốc độ cao gần 70 tỷ USD

Theo đó, Bộ GTVT đã đề xuất Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tối đa về thuế, đất đai và các ưu đãi khác để phát triển ngành công nghiệp đường sắt. Việc chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực cũng được đặt ra như một tiêu chí bắt buộc đối với các nhà thầu quốc tế, nhằm hướng đến mục tiêu tự chủ hoàn toàn công nghệ trong tương lai.

Theo lộ trình, đến năm 2030, Việt Nam sẽ tự làm chủ công nghệ xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt và đóng mới toàn bộ toa xe. Đồng thời, việc gửi kỹ sư đi học nước ngoài và đào tạo trong nước cũng là một phần quan trọng để đảm bảo nhân lực cho ngành.

Trước đó, tại hội nghị với các doanh nghiệp lớn do Thường trực Chính phủ tổ chức, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, ông Trần Đình Long đã khẳng định: "Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với tổng vốn đầu tư 70 tỷ USD, là một công trình hạ tầng chiến lược của quốc gia. Hòa Phát sẵn sàng tham gia đấu thầu và đủ năng lực cung cấp thép cho đường ray tốc độ cao ngay tại Việt Nam".

Chủ tịch Hòa Phát giải thích thêm: "Ban Chấp hành Trung ương đã thông qua chủ trương đầu tư toàn tuyến đường sắt tốc độ 350km/h trên trục Bắc - Nam đồng nghĩa với việc thanh ray phải dài 100m. Việc vận chuyển sẽ gặp nhiều khó khăn và một số quốc gia như Nhật Bản đã đặt nhà máy sản xuất ngay tại nơi thi công dự án. Nhưng chúng tôi sẽ tính toán kỹ lưỡng".

Ngoài việc sản xuất thép đường ray, ông Long khẳng định Hòa Phát sẵn sàng tham gia vào nhiều hạng mục khác của dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, không chỉ giới hạn ở thép làm đường ray.

Theo kế hoạch, tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam được đầu tư với tốc độ thiết kế 350 km/h, chiều dài khoảng 1.541km, đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa. Tuyến sẽ bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội), đi qua 20 tỉnh, thành phố và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP. HCM). Tổng vốn đầu tư 67 tỷ USD, phân bổ trong 12 năm, mỗi năm trung bình khoảng 5,6 tỷ USD.

>> Thanh ray đầu tiên của tuyến đường sắt 70 tỷ USD có biến tham vọng tỷ phú Trần Đình Long thành hiện thực?

Giải pháp kịp thời trước ngã rẽ sống còn của ngành thép, Hòa Phát và Formosa sắp thoát nguy?

Nhà máy của Hòa Phát đều hoạt động tối đa công suất sau 2-3 năm vận hành, 'cú đấm thép' 85.000 tỷ đồng có là ngoại lệ?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/bai-toan-kho-cua-hoa-phat-hpg-trong-viec-hien-thuc-hoa-tham-vong-san-xuat-thep-cho-tuyen-duong-sat-gan-70-ty-usd-253530.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Bài toán khó của Hòa Phát (HPG) trong việc hiện thực hóa tham vọng sản xuất thép cho tuyến đường sắt gần 70 tỷ USD
POWERED BY ONECMS & INTECH