Việc giảm tổng mức dư nợ cấp tín dụng sẽ tác động ngay đến nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế.
Sáng 5/6, Trình bày tóm tắt báo cáo thẩm tra dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ, Uỷ ban Kinh tế tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng với các lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
Theo đó, so với Luật hiện hành, dự thảo Luật có điều chỉnh tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan tương ứng từ không được vượt quá 15% và 25% xuống còn 10% và 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô; tương tự giảm từ 25% và 50% xuống còn 15% và 25% đối với tổ chức tín dụng phi ngân hàng.
Tại Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo tổng kết thi hành Luật Các tổ chức tín dụng có nêu lý do giảm giới hạn cấp tín dụng cho khách hàng nhằm giảm mức độ tập trung rủi ro tín dụng và hạn chế sở hữu chéo, tuy nhiên Tờ trình và Báo cáo chưa nêu rõ thực trạng cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng cũng như các rủi ro chủ yếu hiện nay, cũng như chưa thuyết minh việc đề xuất các tỷ lệ thay thế tỷ lệ tại Luật hiện hành.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh |
Về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị cân nhắc việc sửa đổi các giới hạn cấp tín dụng.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, việc giảm tổng mức dư nợ cấp tín dụng sẽ tác động ngay đến nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa thực sự là kênh huy động vốn ổn định cho nền kinh tế và còn nhiều rủi ro.
Quy định này có thể tác động tiêu cực đến thu hút FDI của Việt Nam do giảm khả năng vay trong nước.
Việc mở rộng định nghĩa về người có liên quan đồng thời với việc thu hẹp tổng mức tín dụng được cấp cho một khách hàng và người có liên quan sẽ gây tác động bất lợi kép cho cả khách hàng và ngân hàng.
Trường hợp vay hợp vốn hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ sẽ mất thêm nhiều thời gian, thủ tục hơn do giới hạn cấp tín dụng thu hẹp hơn so với Luật hiện hành. Thông lệ quốc tế đều quy định ở mức tỷ lệ cao hơn (khoảng 25%) so với quy định tại dự thảo Luật.