Vĩ mô

Cần sếu đầu đàn dẫn dắt kinh tế tư nhân

Khúc Văn 13/10/2024 - 10:08

Trong bối cảnh đa phần các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đều là doanh nghiệp nhỏ và vừa, các chuyên gia cho rằng chúng ta đang thiếu các doanh nghiệp có khả năng dẫn dắt và cần các doanh nghiệp đủ lớn để có thể “dẫn dắt” doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.

97,4% doanh nghiệp Việt Nam là vừa và nhỏ

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, hiện nay ở nước ta 2,6% là doanh nghiệp lớn, hoạt động ở nhiều lĩnh vực. 97,4% còn lại là doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó có 4% là doanh nghiệp vừa có khả năng trở thành “sếu đầu đàn”.

TS Lê Duy Bình cho rằng, với cơ cấu hiện tại của khu vực doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp cỡ vừa để có thể trở thành doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp lớn để có thể tạo nền tảng sản sinh ra các tỷ phú, doanh nhân quyền lực tầm cỡ châu lục là vô cùng ít ỏi.

Cần sếu đầu đàn dẫn dắt kinh tế tư nhân
97,4% doanh nghiệp Việt Nam là vừa và nhỏ.

Ngay cả khi được xếp hạng là doanh nghiệp quy mô lớn, yêu cầu về mức vốn của các doanh nghiệp này cũng mới chỉ là 300 tỷ đồng hay khoảng 12 triệu USD, một khoảng cách quá lớn để các doanh nghiệp tư nhân được xếp loại là quy mô lớn này của Việt Nam trở thành doanh nghiệp tỷ USD.

Vì vậy, để có thêm những tỷ phú đô-la trong tương lai, một số quan điểm cho rằng Việt Nam cần “nuôi dưỡng” các doanh nghiệp vừa, bằng các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa.

“Mục tiêu như vậy đã nói lên yêu cầu cấp thiết phải nâng cao nội lực, quy mô, tầm vóc của doanh nghiệp tư nhân trong nước”, ông Bình nói.

Nhấn mạnh quan điểm kinh tế tư nhân đã không ngừng lớn mạnh trong thời gian qua, Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Nguyên Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam khẳng định phát triển kinh tế tư nhân vẫn còn một số hạn chế như kinh tế tư nhân vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: phần lớn các doanh nghiệp trong khu vực này là nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ. Vài chục năm trước chúng ta gọi đây là “hải đội thuyền thúng”, bây giờ đã khá hơn chút song không đáng kể, 98 % doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, nhiều doanh nghiệp li ti.

Đáng lo nhất, theo ông Huỳnh là số doanh nghiệp phải ngừng hoạt động kinh doanh, giải thể, phá sản rất cao, đặc biệt là trong vài năm gần đây, cứ hơn một doanh nghiệp thành lập mới thì lại có gần một doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp thuộc khu vực này chậm được cải thiện, năng suất lao động xã hội thấp hơn mức bình quân của nền kinh tế.

Cùng với đó, đóng góp của kinh tế tư nhân vào tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng; khả năng tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị trong nước, khu vực và toàn cầu của phần lớn các doanh nghiệp tư nhân còn hạn chế, chưa chú trọng cải thiện khả năng liên kết, nâng cao năng lực cạnh tranh để tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, chỉ có khoảng 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia được một phần chuỗi giá trị toàn cầu, 14% thành công trong việc liên kết với đối tác nước ngoài. Kinh tế trong nước (bao gồm cả tư nhân trong nước và các doanh nghiệp nhà nước) chỉ đóng góp 30% xuất khẩu, so với 70% của khu vực FDI.

Năng lực của khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn những hạn chế: thiếu năng lực cho đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ, quy trình sản xuất mới. Năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh cả về chất lượng và giá cả của khu vực tư nhân thấp.

Theo vài nghiên cứu gần đây cho thấy năng lực khoa học - công nghệ còn hạn chế, đầu tư của doanh nghiệp cho đổi mới công nghệ chỉ chiếm khoảng 0,3% doanh thu. Thu nhập bình quân lao động khu vực doanh nghiệp tư nhân mặc dù có xu hướng tăng liên tục qua các năm, song vẫn ở mức thấp nhất trong 3 khu vực, từ 3,4 đến 7,5 triệu đồng/người/tháng trong giai đoạn 2010 – 2021.

>>CEO Nguyễn Đức Thạch Diễm: 'Khẳng định nội lực' là chìa khóa dẫn lối cho Sacombank trong giai đoạn bứt phá

Cần sếu đầu đàn dẫn dắt kinh tế tư nhân

TS. Bùi Thanh Minh, phó Giám đốc chuyên môn Văn Phòng Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) khẳng định điểm yếu của khu vực tư nhân cũng thể hiện qua sự thiếu vắng các doanh nghiệp lớn, có khả năng dẫn dắt. Dù cả nước đã có một số doanh nghiệp lớn, có thương hiệu nhưng chưa nhiều, chưa đồng đều ở các ngành nghề.

“Trong số 10 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất sàn giao dịch chứng khoán thì đến tháng 6/2024 có đến 4 ngân hàng, trong đó chủ yếu là các ngân hàng quốc doanh.

Cần sếu đầu đàn dẫn dắt kinh tế tư nhân
Cần sếu đầu đàn dẵn dắt kinh tế tư nhân.

Trong số 50 doanh nghiệp lớn nhất Đông Nam Á theo bảng xếp hạng của Fortune 2024, Việt Nam chỉ có 5 doanh nghiệp, trong đó chỉ có Vingroup là doanh nghiệp tư nhân nhưng cũng chỉ ở vị trí thứ 43. Các giá trị thương hiệu Việt Nam ở tầm khu vực tương đối hạn chế so với các quốc gia Đông Nam Á khác.

Theo bảng xếp hạng của Kantar BrandZ năm 2023, Việt Nam duy nhất có 1 thương hiệu là Vietcombank nằm trong top 30 mà không có thương hiệu của doanh nghiệp tư nhân nào”, ông Minh chia sẻ.

Về dài hạn, để nâng cao năng lực của doanh nghiệp tư nhân, ông Minh cho rằng cần phát triển các doanh nghiệp tư nhân lớn, có tác động lan tỏa: bài học thành công từ các quốc gia Đông Á đều chỉ ra vai trò của các doanh nghiệp lớn, có khả năng cạnh tranh toàn cầu. Xét về mặt tổng thể, các doanh nghiệp này sẽ thúc đẩy, cải thiện năng suất sản xuất chung và tạo tác động lan tỏa tích cực.

“Nhiều quốc gia với sự xuất hiện của các tập đoàn lớn như Intel (ở Costa Rica) hay Nokia (ở Phần Lan) đã làm thay đổi cả bộ mặt kinh tế về mặt cơ cấu ngành nghề và xuất khẩu của cả quốc gia”, ông Minh nói.

Bên cạnh đó, ông Minh cũng cho rằng với năng suất và mức độ sáng tạo cao, doanh nghiệp lớn thường có xu hướng lan truyền tích cực kiến thức, chuyên môn cho nền kinh tế bằng nhiều cách khác nhau. Điều này có thể được giải thích bởi trong mối quan hệ kinh tế, doanh nghiệp lớn thường đặt ra các yêu cầu cao về mặt chất lượng, quy cách sản phẩm dịch vụ, từ đó thúc đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ phải thay đổi cấu trúc tổ chức, quản lý, điều hành và năng lực tài chính để đáp ứng.

“Để phát triển được các doanh nghiệp lớn, bên cạnh giải quyết các khó khăn mà các doanh nghiệp gặp phải, cần có tư duy chuyển nguồn lực đến doanh nghiệp hiệu quả hơn. Cần xác lập các bài toán lớn quốc gia, các cơ chế đặc thù để từ đó thu hút sự tham gia và trợ lực cho doanh nghiệp tư nhân. Đường sắt cao tốc, các đội tàu vận tải, xe điện, công nghiệp bán dẫn, năng lượng sạch… là những bài toán có thể thu hút và nâng tầm doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trong bối cảnh hiện nay”, ông Minh khẳng định.

Cuối cùng, ông Minh cho rằng cần tiên phong trong chuyển đổi xanh để đẩy mạnh chuyển đổi nền kinh tế. “Bên cạnh mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam còn có mục tiêu đạt được Net-zero vào 2050. Trong bối cảnh thế giới chuyển sang phát triển bền vững, một cơ hội bước ngoặt có thể đến với Việt Nam nếu đi tiên phong”, ông Minh nói.

Khơi thông nguồn lực, phát huy năng lực kinh tế tư nhân

Thành phố là 'sếu đầu đàn' ngành bán dẫn và AI, 'dọn tổ' đón doanh nghiệp công nghệ Hàn Quốc

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/can-seu-dau-dan-dan-dat-kinh-te-tu-nhan-253329.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Cần sếu đầu đàn dẫn dắt kinh tế tư nhân
POWERED BY ONECMS & INTECH