Người lao động cần được thụ hưởng những chính sách an sinh, an dân tốt hơn còn doanh nghiệp cần được tháo gỡ khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn.
Bộ LĐTB&XH: Quan tâm hơn đến an sinh cho người lao động
Thông tin tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết: "Có 2 vấn đề lớn với thị trường lao động hiện nay đó là tình trạng thiếu việc làm đang tăng so với năm ngoái và tình trạng cắt giảm đơn hàng của quý II cao hơn quý I, chủ yếu rơi vào các doanh nghiệp FDI và khu vực Đông Nam Bộ".
Thu nhập bình quân của người lao động trong quý II là 7 triệu đồng. Con số này có tăng so với năm 2022 nhưng tốc độ tăng lại giảm. Vùng Đông Nam Bộ là khu vực thu nhập người lao động có tốc độ giảm mạnh nhất. Ở phía Bắc, thu nhập của người lao động tăng nhanh tại Thái Bình (tăng hơn 10%), Ninh Bình (tăng hơn 4%) nhưng tại Bắc Ninh, Bắc Giang lại đang giảm mạnh.
Thời gian vừa qua thiên tai dịch bệnh diễn ra liên tục, riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long xảy ra 122 vụ sạt lở, ảnh hưởng rất lớn tới sinh kế của người dân.
Bàn về giải pháp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, bên cạnh những nỗ lực của bộ, ngành, các địa phương cần quan tâm tập trung triển khai tốt nhóm chính sách ổn định thị trường lao động, tạo công ăn việc làm, đảm bảo an sinh và an dân. Đồng thời, cần tập trung triển khai nhóm chính sách liên quan đến tiền lương cho người lao động, bảo trợ cho người nghỉ hưu, người có công.
Về việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Nghị định 152/2020/NĐ-CP về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam đang được Bộ LĐTB&XH xây dựng trên tinh thần tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi, phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn tình hình Việt Nam, đảm bảo đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, cũng như nhu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam thời gian tới. Dự thảo đang lấy ý kiến các bộ, ngành và địa phương đến ngày 10/7. Bộ LĐTB&XH sẽ trình lên Chính phủ ngay trong tháng 7/2023.
Ngoài ra, liên quan đến việc chi trả bảo hiểm xã hội một lần cho người lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ đang đề nghị đưa ra những chính sách thông thoáng hơn để khuyến khích người dân không rút bảo hiểm xã hội một lần, bằng cách đó sẽ duy trì an sinh lâu dài cho người lao động.
NHNN: Tiếp tục rà soát giảm thủ tục cho vay
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, 6 tháng vừa qua, trong nước có một số diễn biến tích cực. Cụ thể, ngành xây dựng tăng 7,05% trong quý II, gấp gần 4 lần so với mức 1,88% của quý I, thương mại dịch vụ duy trì ở mức tăng 6% cho thấy chúng ta đã khai thác tốt thị trường nội địa và thúc đẩy đầu tư công tạo động lực.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã theo sát diễn biến của thị trường cũng như duy trì công cụ thanh khoản tốt để đảm bảo cho các tổ chức tín dụng cấp tín dụng (tính đến 27/6 tín dụng đạt 4,03% và tăng 9.08% so với cùng kỳ).
Đáng chú ý, tín dụng kinh doanh bất động sản tăng 14%, đây là mốc tăng trưởng cao cho thấy các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản đang phát huy tác dụng. Ngược lại, tín dụng cho tiêu dùng bất động sản đang giảm 1,32% trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng 15% cho thấy thời điểm hiện tại nhà đầu tư bất động sản cá nhân và người mua nhà tiêu dùng vẫn chưa sẵn sàng đầu tư.
Về phía NHNN, vừa qua, NHNN đã hạ lãi suất 3 lần trở về mức lãi suất trước đại dịch COVID-19 trong bối cảnh thế giới đang ở mức lãi suất cao. Đồng thời, NHNN cũng đã yêu cầu tất cả các ngân hàng, tổ chức tín dụng rà soát tất cả hồ sơ để giảm thiểu thủ tục cho vay.
Về gói 120.000 tỷ đồng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, hiện nay NHNN đã nhận được 3 công văn công bố 15 dự án của 3 tỉnh Bắc Giang, Trà Vinh và Tây Ninh trong đó 5 dự án đã được cấp phép xây dựng. Ngoài ra có 3 địa phương Bình Định, Phú Thọ và Bà Rịa-Vũng Tàu đã công bố 9 dự án, các tổ chức tín dụng tại các địa phương cấp phép cho các dự án cũng đã sẵn sàng. Ngân hàng BIDV và Ngân hàng Nông nghiệp cũng đã bắt đầu thực hiện cho vay trong gói 120.000 tỷ đồng.
Bàn về giải pháp, Thống đốc cho rằng, tăng trưởng kinh tế quý II cải thiện nhờ khu vực thương mại và dịch vụ (chiếm đến 65% GDP) cho thấy đây là hướng đi rất cần thiết cần tiếp tục trong bối cảnh cầu nước ngoài còn yếu.
Về việc tăng tiếp cận tín dụng, bên cạnh việc NHNN duy trì thanh khoản tốt, bà Nguyễn Thị Hồng đề xuất những giải pháp khác như: Cải thiện đầu ra cho doanh nghiệp, cải thiện điều kiện tiếp cận tín dụng thông qua bảo lãnh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; thúc đẩy đầu tư công để tạo sự lan toả. Riêng về bất động sản, cần cải thiện vấn đề về giá và điều kiện pháp lý.
“Đối với kiến nghị của Bắc Giang và Cà Mau về việc doanh nghiệp bị từ chối cho vay, chúng tôi rất mong các địa phương nêu rõ doanh nghiệp nào không vay được để NHNN yêu cầu Giám đốc Ngân hàng đó làm việc rõ với doanh nghiệp, nói rõ vì sao doanh nghiệp lại không vay được vốn”, bà Hồng đề nghị.