Vĩ mô

Cảng biển Việt Nam có 22 tuyến dịch vụ tàu mẹ đi thẳng Hoa Kỳ, châu Âu

Phan Trang 17/10/2024 11:15

Với 22 tuyến dịch vụ tàu mẹ từ Cái Mép - Thị Vải đi Hoa Kỳ và châu Âu, Việt Nam đứng thứ hai khu vực Đông Nam Á về số tuyến tàu mẹ (chỉ sau Singapore).

Cảng biển Việt Nam có 22 tuyến dịch vụ tàu mẹ đi thẳng Hoa Kỳ, châu Âu- Ảnh 1.
Trong số 50 tuyến tàu container hàng tuần ghé cảng biển khu vực Cái Mép - Thị Vải, có 22 tuyến dịch vụ tàu mẹ đi Hoa Kỳ và châu Âu - Ảnh: Internet

Theo Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, tính tới đầu tháng 10/2024, trong số 50 tuyến tàu container hàng tuần ghé cảng biển khu vực Cái Mép - Thị Vải, có 22 tuyến dịch vụ tàu mẹ đi Hoa Kỳ và châu Âu.

Trong đó, có 4 tuyến đi châu Âu, 1 tuyến đi châu Âu - Mỹ, 7 tuyến đi bờ Đông nước Mỹ, 8 tuyến đi Bờ Tây nước Mỹ và 1 tuyến đi Mỹ - Canada.

Ngoài các tuyến vận tải biển xa nêu trên, mỗi tuần còn có 14 tuyến tàu container của các hãng tàu lớn trên thế giới vận tải Nội Á và 14 tuyến tàu gom hàng nội địa của các chủ tàu Việt Nam ghé cảng biển khu vực Cái Mép - Thị Vải.

Cái Mép có số tuyến tàu mẹ đi châu Âu chỉ sau Singapore

Với số lượng này, chỉ tính riêng cảng biển khu vực Cái Mép của Việt Nam đã có số lượng tuyến tàu dịch vụ tàu mẹ đi Mỹ và châu Âu đứng đầu các nước khác khu vực Đông Nam Á (sau Singapore).

Việc thiết lập được nhiều các tuyến dịch vụ tàu mẹ từ Việt Nam đi thẳng các nước châu Âu và Mỹ được đánh giá giúp chủ hàng, doanh nghiệp liên quan có thêm nhiều lựa chọn và giúp hàng hóa Việt Nam không phải trung chuyển qua các cảng trung chuyển quốc tế khác, giảm chi phí logistics và tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam.

Cùng với việc phát triển các tuyến dịch vụ tàu mẹ, thời gian qua, sản lượng hàng hóa qua cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu cũng không ngừng tăng trưởng. Thống kê cho thấy trong 9 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng hàng hóa qua cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu đạt hơn 100 triệu tấn, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023.

Tổng sản lượng container thông qua cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải (kể cả hàng container nội địa) đạt gần 8 triệu Teu, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2023. Số lượng tàu trọng tải toàn phần trên 80.000 tấn thông qua cảng là 1.661 lượt (trung bình hơn 6 lượt/ngày).

Đáng chú ý, thời gian qua cũng đã có các "siêu tàu" container trọng tải toàn phần đến 232.000 tấn khai thác chuyên tuyến vào khu cảng Cái Mép.

Trước đó, hồi tháng 6/2024, Bộ GTVT đã có văn bản chấp thuận chủ trương cho phép cảng Gemalink (khu vực Cái Mép - Thị Vải) tiếp tục khai thác thử nghiệm tiếp nhận tàu container có trọng tải đến 232.494,5 DWT giảm tải, với thời gian khai thác thử nghiệm đến ngày 30/6/2025.

Doanh nghiệp phải tuân thủ sự hướng dẫn của Cục Hàng hải Việt Nam, các cơ quan có liên quan trong quá trình thực hiện thủ tục, tiếp nhận tàu container có trọng tải đến gần 232.500 DWT giảm tải ra vào cảng và chịu mọi trách nhiệm trong quá trình tiếp nhận tàu vào cầu cảng nếu xảy ra sự cố và hiệu quả đầu tư.

Giảm dần sự phụ thuộc vào các cảng trung chuyển trong khu vực

Cục Hàng hải Việt Nam cũng cho biết, Việt Nam có thị trường hàng hóa xuất nhập khẩu hấp dẫn, thu hút các hãng tàu lớn trên thế giới, hình thành thị trường cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa container có tính cạnh tranh cao giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.

Trước đây khi cảng của Việt Nam chưa đón được tàu mẹ thì hàng hóa đi châu Âu và Mỹ sẽ được trung chuyển sang các cảng chuyển tải ở Trung Quốc, Hongkong, Singapore…

Các tàu tuyến Á-Âu chủ yếu khai thác đội tàu kích cỡ từ 18.000 Teus trở lên. Việc thiết lập các tuyến dịch vụ của tàu mẹ từ Việt Nam đi thẳng châu Âu, Mỹ là tín hiệu đáng mừng cho việc Việt Nam sẽ giảm dần và sẽ chấm dứt sự phụ thuộc vào các cảng trung chuyển của khu vực như: Singapore, Hongkong... Điều này còn giúp hàng hóa của Việt Nam có thể đi thẳng châu Âu, Châu Mỹ mà không phải trung chuyển qua các cảng khác, từ đó giảm chi phí logistics.

Tàu mẹ là thuật ngữ chỉ các tàu chạy vượt đại dương. Tàu mẹ thường là các tàu container cỡ lớn có sức tải từ 10.000 Teus trở lên, được đóng để phục vụ cho việc vận tải hàng hóa bằng đường biển với khoảng cách xa.

Trong vận tải biển, tàu mẹ chỉ phục vụ giữa các cảng lớn và sẽ thực hiện tuyến vận tải chính đường dài. Ở hai đầu hành trình của tàu mẹ sẽ có các tàu nhỏ hoặc sà lan phục vụ cho tàu mẹ trong việc bốc hàng lên hoặc dỡ hàng xuống, để chuyển hàng đến các cảng đích.

>> Tàu container gần 700 tỷ đồng lớn nhất Việt Nam, sức chở tối đa gần 1.800 TEU, 'bộ não' được trang bị hệ thống hiện đại hàng đầu

Đề xuất gần 180.000 tỷ đồng làm tuyến đường sắt dài 427km đi qua 10 tỉnh thành phía Bắc: Kết nối với các khu du lịch, cảng biển, khu công nghiệp

Cảng biển gần 50.000 tỷ lớn nhất miền Trung được đề xuất bổ sung khu kho khí hóa lỏng

Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/cang-bien-viet-nam-co-22-tuyen-dich-vu-tau-me-di-thang-hoa-ky-chau-au-102241017075102771.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Cảng biển Việt Nam có 22 tuyến dịch vụ tàu mẹ đi thẳng Hoa Kỳ, châu Âu
POWERED BY ONECMS & INTECH