Năm 2023 Cảng Hải Phòng sẽ giải ngân khoảng 1.500 tỷ đồng. Dự kiến các bến tàu số 3, số 4 có thể đưa vào khai thác trong quý IV/2024 và hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2025.
Theo thông tin từ Cảng Hải Phòng, năm 2023 đơn vị này sẽ giải ngân khoảng 1.500 tỷ đồng. Nếu kịp tiến độ, các bến tàu số 3, số 4 có thể đưa vào khai thác trong quý IV/2024 và hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2025. Khi đó, Cảng Lạch Huyện sẽ có 6 bến, ngoài 2 bến đã và đang hoạt động...
Được biết, Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng hiện đang là doanh nghiệp đứng đầu về quy mô và năng lực khai thác, chiếm thị phần tới 30 -35% so với các doanh nghiệp khai thác cảng dọc sông Cấm Hải Phòng. Năm 2023, Công ty đặt mục tiêu tổng doanh thu là 2.540 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2022. Lợi nhuận trước thuế kỳ vọng 890 tỷ đồng, tương đương năm ngoái.
Đại diện Cảng Hải Phòng cho biết, doanh nghiệp dự kiến cần 1.658 tỷ đồng để đầu tư mở cảng, tập trung hoàn thiện các dự án đã triển khai trong năm 2022 và một số công việc quan trọng trong năm 2023 như dự án mua sắm xe, khung cẩu, đầu tư xây dựng bãi giáp Nhà đội cơ giới, cần trục Cảng Tân Vũ.
Hiện, dự án đầu tư xây dựng các bến container số 3 và số 4 thuộc Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (tại Khu bến cảng Lạch Huyện) được xác định là một trong những dự án trọng điểm của Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng. Dự án này được thực hiện bởi liên doanh công ty CP Tư vấn và Xây dựng Phú Xuân - công ty CP Tư vấn xây dựng Công trình thời gian thực hiện 28 tháng.
Để thực hiện dự án đầu tư xây dựng các bến container số 3 và số 4, Cảng Hải Phòng cho biết sẽ cần nguồn vốn khoảng 6.946 tỷ đồng. Trong đó có 45% là vốn tự có, còn lại là vốn vay từ Ngân hàng BIDV 3.820 tỷ đồng (55% tổng mức đầu tư của dự án). Toàn bộ tài sản gắn liền với đất, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải hình thành của dự án được sử dụng là tài sản đảm bảo.
Cảng Hải Phòng đã hoàn thành khảo sát địa hình, địa chất phục vụ lập thiết kế bản vẽ thi công và hoàn thành lập thiết kế bản vẽ thi công, dự toán gói thầu. Các công việc thi công các hạng mục kè sau cầu, san lấp tạo bãi, bến công vụ đạt khoảng 33% giá trị gói thầu. Cảng Hải Phòng đã giải ngân 775 tỷ đồng cho dự án bến cảng container 3 và 4.
Nếu kịp tiến độ, các bến tàu số 3, số 4 có thể đưa vào khai thác trong quý IV/2024 và hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2025. Khi đó, Cảng Lạch Huyện sẽ có 6 bến, ngoài 2 bến đã và đang hoạt động. Hai chủ đầu tư, trong đó có công ty CP Cảng Hải Phòng sẽ sở hữu thêm các bến cảng 3, 4, 5 và 6.
Về Đề án di dời bến Cảng Hoàng Diệu, Cảng Hải Phòng cho biết sẽ báo cáo và làm việc với Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp để thực hiện các kiến nghị của công ty. Dự kiến 2 - 3 năm nữa sẽ di dời Cảng Hoàng Diệu.
Về phương án cải tạo, nâng cấp Cảng Chùa Vẽ, công ty sẽ triển khai đồng bộ phương án cải tạo, nâng cấp tổng thể Chi nhánh Cảng Chùa Vẽ để nâng cao năng lực cạnh tranh và một phần thay thế cho khu vực Cảng Hoàng Diệu khi thực hiện di dời.
Theo Cảng Hải Phòng: Dự án đầu tư xây dựng các bến cảng container quốc tế số 3 và số 4 thuộc Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng tại Quyết định số 1323/QĐ-TTg ngày 09/10/2019 do Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng làm chủ đầu tư với mục tiêu đáp ứng tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội của TP Hải Phòng để phục vụ từng bước di dời Khu bến cảng Hoàng Diệu.
Dự án có quy mô đầu tư, xây dựng gồm: 2 bến container có khả năng tiếp nhận tàu đến 100.000DWT (tương đương 8.000 TEUS) với tổng chiều dài 750m, rộng 50m; tiếp nhận bến sà lan, dịch vụ cho cỡ tàu đến 160 TEUS (tương đương 3.000DWT) với tổng chiều dài 250m (gồm cả 50m bề rộng của bến chính), rộng 15m; kè bảo vệ bờ; hệ thống bãi chứa hàng, đường giao thông, các công trình phụ trợ và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ trên diện tích 47ha. Các thiết bị chính phục vụ khai thác gồm 6 cần trục STS trên bến chính; 24 cần trục RTG; 2 xe nâng RSD; 1 xe nâng vỏ container; 50 đầu kéo + rơ moóc; 1 cầu trục xưởng sửa chữa; 08 cân xe tại cổng cảng và phần mềm quản lý vận hành cảng TOS.
Tại cảng còn có kè bảo vệ bờ, hệ thống bãi chứa hàng, đường giao thông, các công trình phụ trợ và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ trên diện tích 47 ha. Không chỉ rộng, nằm trên luồng sâu, có hệ thống kho bãi rộng, liên hoàn, tại bến số 3, số 4 còn được đầu tư các thiết bị phục vụ khai thác gồm: 6 cần trục STS trên bến chính, 24 cần trục RTG, 2 xe nâng RSD, 1 xe nâng vỏ container, 50 xe đầu kéo + rơ moóc, 1 cầu trục xưởng sửa chữa, 8 cân xe tại cổng cảng và phần mềm quản lý vận hành cảng TOS.
Hiện, Dự án này đang nhộn nhịp triển khai các hạng mục tiếp theo, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và phấn đấu hoàn thành đưa vào khai thác cầu tàu trong Quý IV/2024 và hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2025.
Hiện nay các hạng mục thi công thuộc gói thầu xây lắp chính của Dự án là gói thầu EC “khảo sát toàn bộ dự án; thiết kế và thi công xây dựng cầu cảng, nạo vét kè sau cầu, san lấp, đường bãi thuộc bước 1” đang gấp rút triển khai thi công, hoàn thiện hạng mục công trình hàng hải, lũy kế khối lượng đã đạt trên 40% tổng giá trị gói thầu. Từ tháng 7/2023 nhà thầu bắt đầu triển khai hạng mục chính tiếp của Dự án là hạng mục xử lý nền, đường bãi.
Đối với gói thầu thiết bị chính là gói thầu TB01 “Trang bị, lắp đặt 06 Cẩu bốc xếp container trên bến chính (STS) và 24 cẩu bánh lốp RTG”, sau khi thực hiện các thủ tục lựa chọn đã ký hợp đồng vào ngày 02/6/2023, hiện nay đơn vị cung cấp đang phối hợp với Cảng Hải Phòng khẩn trương triển khai thiết kế chi tiết thiết bị.
Hệ thống công nghệ thông tin, hệ thống cấp điện, các hạng mục xây lắp ngoài gói thầu EC đang hoàn thiện thiết kế đảm bảo đồng bộ với các hạng mục xây lắp đã được triển khai và các thiết bị sử dụng cho Dự án.
Trong 6 tháng cuối năm 2023, Cảng Hải Phòng sẽ tập trung cho Dự án trọng điểm này, phấn đấu hoàn thành tối thiểu 55% giá trị gói thầu EC; triển khai lựa chọn nhà thầu cung cấp những trang thiết bị còn lại (xe nâng và xe đầu kéo); hệ thống điện, hệ thống công nghệ thông tin và các hạng mục ngoài EC.
Để đảm bảo các công việc đạt và vượt tiến độ đề ra Cảng Hải Phòng thường xuyên làm việc với nhà thầu, các đơn vị liên quan để tháo gỡ các khó khăn đồng thời yêu cầu Nhà thầu tiếp tục bổ sung phương tiện thiết bị, nhân lực, điều chỉnh biện pháp thi công các hạng mục phù hợp với thực tế; thường xuyên rà soát tổng thể tiến độ thực hiện gói thầu làm cơ sở giám sát quá trình triển khai thực hiện; qua đó đảm bảo chất lượng công trình và tiến độ Dự án.
Cảng Hải Phòng sắp kết thúc sứ mệnh lịch sử 150 năm
Cảng Hải Phòng (PHP) sắp vận hành dự án 6.900 tỷ đồng, khôi phục vị thế dẫn đầu khu vực phía Bắc