Cảng hàng lỏng lớn nhất Việt Nam được giao thêm 11,42ha mặt nước biển
Khu vực biển được giao thêm này để làm vùng nước kết nối và quay trở tàu.
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có quyết định giao quyền sử dụng khu vực biển cho CTCP Cảng hàng lỏng Yên Hưng để làm vùng nước kết nối, vùng nước trước cầu cảng, khu vực xây dựng công trình nổi và vùng quay trở tàu. Khu vực biển này có tổng diện tích 11,42ha với độ sâu được phép sử dụng là 13,5m (theo hệ hải đồ). Địa điểm được giao nằm tại xã Tiền Phong và xã Liên Hòa, thuộc KCN Bắc Tiền Phong (thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh).
Thời hạn sử dụng khu vực biển được xác định kéo dài đến ngày 23/9/2066, tương tự như thời gian thuê đất theo Quyết định 1683/QĐ-UBND ngày 21/6/2023. Số tiền sử dụng khu vực biển được quy định là 7.500.000 đồng/ha/năm và sẽ được nộp hàng năm.
Vào cuối tháng 6/2023, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ra quyết định cho CTCP Cảng hàng lỏng Yên Hưng thuê hơn 17.483m2 đất tại khu vực Khu công nghiệp (KCN) Bắc Tiền Phong, thị xã Quảng Yên để triển khai Dự án Cảng hàng lỏng Yên Hưng. Thời hạn sử dụng đất kéo dài từ thời điểm có quyết định cho thuê đất đến ngày 23/9/2066, phù hợp với thời gian hoạt động của dự án theo Quyết định 1683/QĐ-UBND ngày 21/6/2023 về việc phê duyệt chủ trương đầu tư. Hình thức cho thuê đất là Nhà nước cho thuê với hình thức thu tiền hàng năm.
Dự án Cảng hàng lỏng Yên Hưng có vị trí đắc địa bên bờ sông Chanh, thuộc KCN Bắc Tiền Phong, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, với tổng mức đầu tư khoảng 740 tỷ đồng, là cảng hàng lỏng đầu tiên, thuộc diện lớn nhất cả nước.
Cảng hàng lỏng thuộc diện lớn hàng đầu tại Việt Nam bất ngờ có động thái mới - Nguồn: Internet |
Về quy mô, dự án sẽ xây dựng hệ thống cầu bến chuyên dụng phục vụ xuất nhập các sản phẩm khí hóa lỏng và xăng dầu. Cầu bến có chiều dài 426m, có khả năng tiếp nhận tàu hàng lỏng lên đến 50.000DWT ở phía mặt ngoài và tàu lên đến 2.000DWT ở phía mặt trong. Trong tương lai, cầu cảng có thể được nâng cấp để đáp ứng tàu hàng lỏng tới 100.000DWT.
Ngoài ra, dự án còn bao gồm văn phòng điều hành và hệ thống hạ tầng kỹ thuật cần thiết. Công suất thiết kế cảng được chia làm hai giai đoạn, với công suất giai đoạn 1 là 2,5 triệu tấn/năm, và khi hoàn thành giai đoạn 2, tổng công suất của cảng sẽ đạt 8 triệu tấn/năm.
Trong quá trình triển khai, tỉnh Quảng Ninh yêu cầu chủ đầu tư phải đảm bảo các giải pháp bảo vệ môi trường, đặc biệt là hệ sinh thái rừng ngập mặn liền kề. Cụ thể, việc xây dựng không được làm ảnh hưởng đến lưu thông dòng thủy triều hoặc gây chia cắt diện tích rừng ngập mặn, nhằm tránh làm tổn hại đến sự phát triển của khu rừng.
>> Dự án cải tạo cung đường sắt đẹp nhất thế giới của Tập đoàn Đèo Cả đón tin vui