Cảnh báo: 3 dấu hiệu suy tim mà nhiều người không biết có thể bỏ qua
Suy tim là căn bệnh có khả năng tử vong cao.
Suy tim còn có tên gọi khác là suy tim sung huyết. Khi bị suy tim, cơ tim ở các buồng tim có chức năng bơm máu của người bệnh sẽ bị suy yếu, khiến tim không thể bơm đủ lực để máu lưu thông, theo tờ Hindustan Times (Ấn Độ).
Người bệnh cần đến bệnh viện càng sớm càng tốt nếu nhận thấy các dấu hiệu bất thường sau:
1. Đau ngực
Nhiều người bị đau ngực thường phớt lờ cơn đau. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến điều này, chẳng hạn như họ nghĩ cơn đau là do trào ngược a xít dạ dày hay nghỉ ngơi một chút sẽ khỏi. Tuy nhiên, đau ngực là một trong những triệu chứng phổ biến của suy tim.
Để phân biệt với những cơn đau ngực khác, đau ngực do suy tim thường kèm theo cảm thấy bị căng tức, khó chịu ở phía sau xương ức. Cảm giác này có thể lan đến hàm, vai, cánh tay và lưng trên.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng có biết không phải lúc nào suy tim và các bệnh về tim khác cũng gây đau ngực. Nhiều trường hợp mắc bệnh tim nhưng lại không có triệu chứng đau ngực rõ ràng. Khi đó, người bệnh cần chú ý những biểu hiện khác của bệnh tim.
2. Mệt mỏi
Một triệu chứng phổ biến khác của bệnh suy tim là mệt mỏi, đặc biệt là mệt mỏi kéo dài suốt cả ngày. Người bệnh không thể thực hiện tốt ngay cả là các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ hay đạp xe. Nguyên nhân là do tim bơm máu yếu khiến các mô cơ không nhận đủ máu và ô xy, từ đó làm giảm hiệu suất vận động.
Với cảm giác mệt mỏi thông thường thì nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc, ăn uống lành mạnh và tập thể dục vừa phải sẽ giúp cơ thể hồi phục và khỏe mạnh. Tuy nhiên, nếu đã áp dụng những cách này mà cảm giác mệt mỏi vẫn không khỏi thì cần đến bác sĩ khám ngay dù nguyên nhân có phải do suy tim hay không.
3. Nhịp tim không đều
Nhịp tim không đều sẽ khiến tim dễ bị loạn nhịp, dẫn đến đập liên hồi. Hệ quả là người mắc sẽ gặp tình trạng trống ngực và cảm giác nóng rát ở ngực. Nhịp tim không đều sẽ làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.
Nếu những dấu hiệu này tái đi tái lại thì người bệnh cần đi khám, đặc biệt là nếu đang mắc bệnh tiểu đường hoặc huyết áp cao, theo Hindustan Times.