Tài chính Ngân hàng

Cảnh báo dịch vụ 'đổi tiền mới' để hưởng chênh lệch giá có thể bị phạt tới 40 triệu đồng

Hà An 08/01/2025 - 17:46

Việc giao dịch, trao đổi tiền cần đến tại các trụ sở ngân hàng để đảm bảo an toàn, đúng pháp luật và tránh những thiệt hại không đáng có.

Tết Nguyên Đán đang đến gần, dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới trên mạng xã hội bắt đầu sôi động với những lời mời chào hấp dẫn. Các bài viết quảng cáo dịch vụ đổi tiền đủ mệnh giá, tiền có số serie đẹp, hoặc tiền mang ngày tháng năm sinh phục vụ nhu cầu lì xì ngày càng cao.

Theo quảng cáo, khách hàng có thể chọn mệnh giá đổi tiền từ 1.000 đồng, 2.000 đồng cho đến 200.000 đồng và cả những tờ tiền mới nguyên cọc. Mức phí chênh lệch dao động từ 3% đến 15%, tùy thuộc vào mệnh giá tiền. Mệnh giá càng nhỏ, phí càng cao.

Ngoài tiền "nguyên đai nguyên kiện", còn có loại "tiền lướt" – tiền đã qua tay, không cùng serie, nhưng có tự độ mới từ 90-99%. Mức phí cho loại tiền này rẻ hơn 50% so với tiền mới nguyên cốc.

Được biết, những dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới trên mạng mang tính rủi ro rất cao. Bởi, các đối tượng có thể lợi dụng nhu cầu của người dân đang cần đổi tiền mới nên có thể sử dụng tiền bất hợp pháp, không rõ nguồn gốc hay thậm chí là tiền giả để lừa người dân. Vì vậy, người dân cần nâng cao cảnh giác, cẩn trọng tránh bị thiệt hại; việc giao dịch, trao đổi tiền cần thực hiện tại các điểm an toàn như tại ngân hàng.

Cảnh báo dịch vụ 'đổi tiền mới' để hưởng chênh lệch giá có thể bị phạt tới 40 triệu đồng
Ảnh minh họa

Theo quy định của pháp luật, chỉ có những tổ chức được Nhà nước cho phép mới được hoạt động đổi tiền. Do đó, mọi hoạt động đổi tiền của cá nhân, tổ chức khác đều là bất hợp pháp. Bất kỳ hành vi đổi tiền mới, tiền lẻ nhằm hưởng % chênh lệch, đổi tiền để thu lời đều là hành vi trái pháp luật và có thể bị xử phạt.

Theo Nghị định 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ, các hành vi đổi tiền nhằm hưởng chênh lệch là trái pháp luật và có thể bị phạt từ 20 triệu đến 40 triệu đồng. Đối với tổ chức vi phạm, mức phạt có thể lên tới 80 triệu đồng.

Đặc biệt, việc đổi tiền mới để hưởng chênh lệch giá như trên sẽ bị xử phạt theo Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ với mức từ 20-40 triệu đồng; đối với trường hợp tổ chức có hành vi đổi tiền không đúng quy định của pháp luật sẽ bị xử từ 40-80 triệu đồng.

Có thể nói tội phạm lừa đảo trên mạng xã hội diễn ra với thủ đoạn hết sức tinh vi. Khi đổi tiền lẻ qua mạng, bên cạnh việc phải chịu phí đổi rất cao, người dân sử dụng dịch vụ này còn có nguy cơ bị lừa đảo. Không ít trường hợp người dân chuyển khoản xong thì chủ tài khoản trang mạng xã hội đã chặn liên lạc và mất tích, ăn chặn tiền của khách. Người dân cần đề cao cảnh giác để không "mắc bẫy" đổi tiền lẻ, tiền mới qua mạng xã hội trong dịp Tết Nguyên Đán.

Trước thực trạng trên, người dân cần nâng cao cảnh giác, cẩn trọng tránh bị lừa đảo, nhất là các giao dịch trên không gian mạng. Việc giao dịch, trao đổi tiền cần đến tại các trụ sở ngân hàng để đảm bảo an toàn, đúng pháp luật và tránh những thiệt hại không đáng có.

>>Nhận diện 5 thủ đoạn lừa đảo qua mạng phổ biến mùa Tết

Truy tìm nạn nhân chuyển tiền vào số tài khoản 80000117745 tại MSB mang tên VU PHI HUNG

Nhận diện 5 thủ đoạn lừa đảo qua mạng phổ biến mùa Tết

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/canh-bao-dich-vu-doi-tien-moi-de-huong-chenh-lech-gia-co-the-bi-phat-toi-40-trieu-dong-270399.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Cảnh báo dịch vụ 'đổi tiền mới' để hưởng chênh lệch giá có thể bị phạt tới 40 triệu đồng
    POWERED BY ONECMS & INTECH