Hiện đây là tuyến cao tốc có mức đầu tư trên mỗi km lớn nhất cả nước.
Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành có tổng chiều dài 57,8 km được khởi công xây dựng năm 2014, đi qua địa bàn các tỉnh Long An (huyện Bến Lức, Cần Giuộc); TP. HCM (huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ) và tỉnh Đồng Nai (huyện Nhơn Trạch, Long Thành). Dự án bắt đầu tại nút giao giữa đường cao tốc TP. HCM - Trung Lương và đường Vành đai 3, kết thúc tại nút giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai).
Cao tốc Bến Lức - Long Thành được xây theo tiêu chuẩn loại A với tốc độ thiết kế 120 km/h và gồm 8 làn xe (giai đoạn 1 xây dựng 4 làn xe). Dự án tổng vốn đầu tư giai đoạn một là 1,6 tỷ USD (31.320 tỷ đồng), bình quân lên tới 28,2 triệu USD/km (542 tỷ đồng/km).
Đây là cao tốc đắt nhất Việt Nam, cao hơn nhiều so với các cao tốc xếp ngay sau nó là TP. HCM - Mộc Bài (mức đầu tư 418 tỷ đồng/km), cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (mức đầu tư 370 tỷ đồng/km), cao tốc TP. HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành (mức đầu tư 352 tỷ đồng/km)…
Số vốn tuyến đường này khá cao vì được xây dựng theo tiêu chuẩn hiện đại nhất Việt Nam, với 26 km cầu cạn và cầu vượt sông. Hai cây cầu lớn trên tuyến là cầu Bình Khánh dài hơn 3,7 km (vượt sông Soài Rạp) và cầu Phước Khánh (vượt sông Lòng Tàu). Hai cây cầu này có độ tĩnh không thông thuyền là 55m cho tàu biển có trọng tải đến 50.000 tấn lưu thông.
Theo ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, suất đầu tư của dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành cao là do tuyến phải đi qua vùng địa chất, thủy văn rất phức tạp thuộc vùng ven biển, cửa sông ở khu vực Đông Nam Bộ.
Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ giải tỏa áp lực giao thông trên tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Người, xe từ các tỉnh miền Tây đi Vũng Tàu, Đồng Nai (và ngược lại) sẽ theo đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương đi thẳng cao tốc Bến Lức - Long Thành, không mất thời gian đi vào trung tâm thành phố để lên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Tuyến cao tốc này sẽ giúp giao thông liên vùng miền Tây đi Vũng Tàu, Đồng Nai không cần "quá cảnh" TP.HCM, kết nối với mạng đường cao tốc - quốc lộ, với hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải, Sao Mai - Bến Đình và với sân bay quốc tế Long Thành.
Tuyến đường đồng thời kết nối với cao tốc TP.HCM - Vũng Tàu tạo thành một phần tuyến hành lang kinh tế phía Nam thuộc Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) từ Bangkok (Thái Lan) qua Phnom Penh (Campuchia), TP.HCM đến Vũng Tàu.
Bên cạnh đó, các nút giao còn kết nối cao tốc Bến Lức - Long Thành với quốc lộ 50, đường Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Hữu Thọ và Rừng Sác kết nối huyện Cần Giờ, TP.HCM. Đường tới Cần Giờ cũng sẽ nhanh hơn nếu nút giao đường Rừng Sác với cao tốc Bến Lức - Long Thành đoạn qua huyện Cần Giờ được hoàn thành.
Cần Giờ là địa phương duy nhất của TP.HCM giáp biển, nằm cách trung tâm khoảng 50km. Thành phố định hướng đến năm 2030, Cần Giờ cơ bản trở thành thành phố nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh ở tầm khu vực...
>> Hầm xuyên núi đá 4.700 tỷ trên cao tốc Bắc - Nam, nối liền hai tỉnh Bắc Trung Bộ
Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam
Từ châu Âu trở về, tỷ phú Trần Đình Long đã sẵn sàng cho dự án đường sắt cao tốc 67 tỷ USD