Mới đây, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank) cam kết tài trợ cho dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh; dự án Hữu Nghị - Chi Lăng cũng được Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TP Bank) cam kết thu xếp tài trợ 3.511 tỷ đồng.
Vào ngày 5/5/2022, Hội đồng thẩm định liên ngành vừa tổ chức cuộc họp thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh theo phương thức PPP.
Theo đó, trong buổi họp, ông Hoàng Xuân Ánh - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng - Phó trưởng ban chỉ đạo dự án cho biết, phương án tín dụng của hai dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh và Hữu Nghị - Chi Lăng đã được khai thông.
Trong cuộc họp, các ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank) cam kết tài trợ cho dự án Đồng Đăng. Bên cạnh đó, dự án Hữu Nghị - Chi Lăng cũng được ngân hàng TMCP Tiên Phong (TP Bank) cam kết thu xếp tài trợ 3.511 tỷ đồng.
Để đáp ứng nguồn lực triển khai các dự án cao tốc, tỉnh Cao Bằng đã cắt giảm nhiều dự án đầu tư công để bổ sung đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng cho dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh.
Tỉnh Lạng Sơn thống nhất tăng phần góp của ngân sách địa phương từ 1.000 lên 2.500 tỷ đồng cho dự án Hữu Nghị - Chi Lăng.
Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 8/2020 theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Dự án do UBND tỉnh Cao Bằng làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 (2021 - 2025) là 13.181 tỷ đồng, thực hiện góp vốn áp dụng mô hình 3P, gồm: Vốn ngân sách nhà nước là 6.580 tỷ đồng (vốn ngân sách trung ương 2.500 tỷ đồng, ngân sách địa phương 4.080 tỷ đồng); Vốn chủ sở hữu nhà đầu tư 1.230 tỷ đồng và phần vốn huy động khác 5.371 tỷ đồng.
Trong khi đó, cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng là dự án thành phần 2 của cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, kết nối từ điểm “cụt” của cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn lên các cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam. Dự án có tổng chiều dài khoảng 43 km, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 7.600 tỷ đồng.