Cặp vợ chồng kim tiền số 1 Việt Nam: Dấu ấn cố CEO Trần Phương Bình
Một thời, ông Trần Phương Bình và vợ Cao Thị Ngọc Dung được vang danh là cặp vợ chồng kim tiền số 1 Việt Nam.
Ông Trần Phương Bình - Cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á vừa qua đời ở tuổi 65. Trước đó, ông Bình đã ghi dấu ấn đậm nét trong lịch sử phát triển của DongA Bank, từ việc khởi đầu khiêm tốn đến việc tạo dựng một ngân hàng mạnh mẽ và tiên phong về công nghệ.
Ông Trần Phương Bình - dấu ấn một thời hoàng kim của Dong A Bank
Ông Trần Phương Bình được giới tài chính biết tới, gắn liền với ngân hàng Đông Á. Không chỉ vậy, người vợ luôn đồng hành với ông cũng là một nữ doanh nhân có tiếng trên thương trường, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ). Một thời, ông Bình và vợ được vang danh là cặp vợ chồng kim tiền số 1 Việt Nam.
Ông Bình sinh năm 1959, sinh ra và lớn lên trong một gia đình kinh doanh tại Quảng Ngãi. Ông tốt nghiệp cử nhân kinh tế và tham gia giảng dạy kinh tế tại một số trường đại học. Sau đó, ông gia nhập DongA Bank và nhanh chóng thăng tiến nhờ vào khả năng lãnh đạo xuất sắc và tầm nhìn chiến lược.
Gắn bó với DongA Bank từ những ngày đầu thành lập, ông Bình đã có những đóng góp quan trọng trong việc đưa ngân hàng này từ một tổ chức nhỏ bé với vốn điều lệ chỉ 20 tỷ đồng vào năm 1992, phát triển thành một trong những ngân hàng có quy mô vốn ấn tượng nhất, đạt 5.000 tỷ đồng vào năm 2014.
Một trong những quyết định chiến lược của ông Bình là tiên phong trong lĩnh vực công nghệ và tập trung vào khách hàng cá nhân. Điều này đã giúp thương hiệu DongA Bank trở nên nổi bật với những sản phẩm sáng tạo như máy ATM bán vàng tự động, máy ATM lưu động, và các buồng Auto Banking thế hệ mới có chức năng nhận tiền mặt trực tiếp. Đây đều là những sản phẩm tiên phong tại Việt Nam, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc hiện đại hóa dịch vụ ngân hàng.
Với 20 năm gắn bó, từ năm 1998 ông Bình đảm nhận vị trí Tổng Giám đốc DongA Bank và từ năm 2013 đến tháng 8/2015, ông giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị. Mặc dù không chính thức nắm giữ vị trí Chủ tịch, ông Bình vẫn được xem là người trực tiếp lèo lái DongA Bank, đóng vai trò quan trọng trong việc điều hành và định hướng phát triển của ngân hàng.
Ông Trần Phương Bình từng được xem là một trong những nhà lãnh đạo tài ba nhất trong ngành ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, những sai phạm đã đẩy ông từ đỉnh cao danh vọng xuống vực sâu của sự nghiệp, kết thúc bằng một cuộc đời đầy sóng gió và lao lý.
Bà Cao Thị Ngọc Dung - chèo lái con thuyền PNJ 'ra khơi'
Cùng đồng hành với chồng trên mọi chặng đường là bà Cao Thị Ngọc Dung. Trong lúc ông Bình điều hành Dong A Bank thì bà Dung chèo lái con thuyền PNJ vươn ra biển lớn.
Sinh ra 1957 trong 1 gia đình khá giả với truyền thống kinh doanh, bà Cao Thị Ngọc Dung đã sớm bước chân vào thị trường lao động và thấm nhuần những khó khăn khi đất nước còn trong thời kì chiến tranh, bom đạn. Chính vì thế, bà hiểu hơn hết giá trị của lao động, nuôi dưỡng đam mê mãnh liệt với kinh doanh, buôn bán.
Bà tốt nghiệp hệ cử nhân Kinh tế thương nghiệp tại Đại học kinh tế TP. Hồ Chí Minh. Sau khi tốt nghiệp, bà Cao Thị Ngọc Dung bắt đầu công việc đầu tiên của mình tại Công ty Thương Nghiệp Tổng Hợp Phú Nhuận. Nhờ sự nỗ lực trong công tác mà bà được đề bạt giữ chức Phó phòng tại công ty từ năm 1984-1985.
Năm 1985, bà đảm nhiệm vị trí Trưởng phòng kế hoạch tại Công ty Nông sản và thực phẩm Phú Nhuận. Đến năm 1988, bà Cao Thị Ngọc Dung chính thức gia nhập Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) với chức vụ Giám đốc.
Thời điểm đó, hầu hết các công ty vàng bạc của thành phố và quận huyện ra đời đều đi theo mô hình hợp tác với tư nhân, bà Dung hoàn toàn ngược lại. Công ty của bà không hề đi theo số đông, dù cho có quá nhiều lời bình phẩm rằng quyết định này của bà không chỉ cho thấy sự ương ngạnh, cứng đầu mà còn có thể đem đến tổn thất lớn cho công ty.
Mặc những lời ra tiếng vào tiêu cực, bà vẫn dắt dẫn "con thuyền" PNJ năm ấy “vượt ra khơi” theo đúng quyết sách bản thân đã hoạch định.
Từ một công ty nhỏ với vốn điều lệ vỏn vẹn 7,4 chỉ vàng và 20 thợ kim hoàn, nhưng giờ đây, dưới sự lãnh đạo, dẫn dắt của "người đàn bà thép", PNJ đã biết đến là doanh nghiệp có doanh thu hàng chục nghìn tỷ với khoảng 400 chi nhánh trải dài khắp 63 tỉnh thành cả nước. Đồng thời, bà đã đưa PNJ trở thành thương hiệu nổi tiếng, phủ sóng toàn quốc.
Năm 2023, doanh thu thuần của PNJ đạt 33.137 tỷ đồng, giảm 2% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhờ chiếm lĩnh thêm thị phần và mở rộng mạng lưới, lợi nhuận sau thuế PNJ đạt 1.971 tỷ đồng, tăng gần 9% so với 2022. Đây cũng là mức lợi nhuận cao kỷ lục của PNJ từ trước tới nay.
Trên thị trường chứng khoán, tính đến cuối năm 2023, bà Dung đang nắm giữ xấp xỉ 9 triệu cổ phiếu PNJ. Ước tính với thị giá hiện tại, bà Dung đang sở hữu khối tài sản khoảng hơn 856 tỷ đồng.