Cầu 24 năm tuổi từng lọt top lớn nhất Việt Nam có kết cấu giống cầu Phong Châu phải thuê thợ lặn kiểm tra độ an toàn
Khu Quản lý đường bộ 2 tiến hành kiểm tra cây cầu có kết cấu giống cầu Phong Châu (Phú Thọ) và một số cây cầu khác nằm trong phạm vi quản lý.
Sau sự cố sập cầu Phong Châu tại Phú Thọ, Khu Quản lý Đường bộ 2 đã ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các tổ kiểm tra cầu tại các văn phòng quản lý đường bộ và các nhà thầu bảo dưỡng thường xuyên phải tăng cường công tác kiểm tra tình trạng xói lở mố trụ cầu cũng như kết cấu của các công trình cầu trên các tuyến quốc lộ do Khu quản lý, trong đó có cầu Bến Thủy 1.
Cầu Bến Thủy 1, bắc qua sông Lam, kết nối hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, được xây dựng từ năm 1986 và hoàn thành vào năm 1990 với chiều dài 630,5m và rộng 12m, bao gồm 13 nhịp. Thời điểm đi vào hoạt động, đây là một trong những cây cầu lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, sau nhiều năm sử dụng, cầu đã trải qua nhiều đợt sửa chữa và nâng cấp.
Trong văn bản chỉ đạo, Khu Quản lý Đường bộ 2 yêu cầu các đơn vị kiểm tra kỹ lưỡng tình trạng xói lở lòng sông, tình trạng xói chung và xói cục bộ tại khu vực trụ cầu. Để đảm bảo độ chính xác cao trong việc đo đạc và đánh giá hiện trạng, đơn vị có thể sử dụng máy móc chuyên dụng hoặc thực hiện các phương pháp kiểm tra thủ công.
Các đơn vị quản lý cầu sẽ thuê chuyên gia, thợ lặn để tiến hành kiểm tra toàn bộ kết cấu cầu, bao gồm việc kiểm tra chất lượng bê tông, các liên kết và tình trạng cọc như nứt, gãy hay liên kết kém. Họ sẽ sử dụng đèn chiếu sáng và camera dưới nước để ghi lại hình ảnh và video phục vụ cho quá trình đánh giá.
Ngoài ra, Khu Quản lý Đường bộ 2 cũng yêu cầu kiểm tra phần đáy móng trụ cầu, liên kết giữa cọc và bệ trụ, tình trạng gối cầu và các kết cấu chịu lực khác như dầm chủ, dầm ngang, bản bê tông cốt thép mặt cầu, mối nối dọc cùng các hư hỏng kết cấu khác.
Sau khi hoàn thành việc khảo sát và đo đạc, các đơn vị quản lý sẽ đối chiếu kết quả với hồ sơ hoàn công (bao gồm hồ sơ thiết kế và các bản vẽ chi tiết về tình trạng xói chung và xói cục bộ của cầu) để đề xuất phương án xử lý khi phát hiện các hư hỏng như xói lở, ăn mòn hoặc sự cố liên quan đến kết cấu.
Cầu Bến Thủy 1 không chỉ từng là một trong những cây cầu lớn tại Việt Nam mà còn có kết cấu tương đồng với cầu Phong Châu vừa bị sập. Cầu có giàn thép ở giữa, trụ cầu được làm bằng bê tông. Hiện nay, hệ thống cọc thép của cầu đã có dấu hiệu bị ăn mòn và do nằm ở khu vực chịu ảnh hưởng của thủy triều nên Khu Quản lý Đường bộ 2 yêu cầu đơn vị quản lý cầu sau khi có kết quả kiểm tra cần lập phương án cụ thể, tính toán kinh phí kiểm định tổng thể, đánh giá an toàn và đề xuất phương án sửa chữa, gia cường cầu. Báo cáo này cần được nộp lên Cục Đường bộ Việt Nam trước ngày 25/9.
Bên cạnh cầu Bến Thủy 1, cầu Linh Cảm với chiều dài 228,8m, rộng 7m, bắc qua sông Ngàn Sâu trên tuyến Quốc lộ 8A được đưa vào hoạt động từ năm 1992 cũng được Ban Quản lý đường bộ 2 tiến hành kiểm tra.
>> Sập cây cầu gần 32m tại tỉnh sở hữu nhà máy thủy điện từng lớn nhất Đông Nam Á của Việt Nam
Thanh tra Bộ GD-ĐT chỉ ra loạt vi phạm, thiếu sót của Trường Đại học Trà Vinh
Đề xuất quy định mới về lương, thưởng trong doanh nghiệp nhà nước