Du ngoạn

Cầu vượt sông trong dự án 2.300 tỷ hợp long vòm thép 'khủng', một công trình lập kỷ lục Việt Nam sắp 'về đích'

Thùy Dung 31/07/2024 18:09

Khi đi vào hoạt động, đây sẽ trở thành cầu vòm thép có chiều dài thông thuyền và bề rộng lớn nhất Việt Nam.

Kỷ lục mới của Việt Nam trên đất cố đô

Khởi công tháng 12/2022, cầu vượt Nguyễn Hoàng là một phần quan trọng trong dự án cầu vượt qua sông Hương và mở rộng đường Nguyễn Hoàng, với tổng vốn đầu tư hơn 2.280 tỷ đồng. Giai đoạn đầu tiên của dự án được tài trợ hơn 1.855 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và địa phương, với thời gian thực hiện dự kiến kéo dài 4 năm.

Theo Báo Giao thông, sau hơn 19 tháng khẩn trương thi công, đến thời điểm hiện tại, công trình cầu Nguyễn Hoàng thuộc dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương đã hợp long xong nhịp chính và vòm thép phía thượng lưu.

Ảnh: Báo Giao thông

Ảnh: Báo Giao thông

Cầu vượt Nguyễn Hoàng bắc qua sông Hương nằm trong dự án có tổng vốn đầu tư hơn 2.280 tỷ đồng. Ảnh: Internet

Cầu vượt Nguyễn Hoàng bắc qua sông Hương nằm trong dự án có tổng vốn đầu tư hơn 2.280 tỷ đồng. Ảnh: Internet

Cầu Nguyễn Hoàng nổi bật với thiết kế vòm thép dài 380m, bao gồm 5 nhịp, chiều rộng 43m, đủ chỗ cho 6 làn xe và lối đi bộ rộng 3m. Đường dẫn ở hai đầu cầu dài 210m, kết cấu bằng bê tông cốt thép, khả năng thông thuyền tối thiểu rộng 30m và cao 6m, khiến đây trở thành cây cầu vòm thép có chiều dài thông thuyền và bề rộng lớn nhất Việt Nam. Đặc biệt, đường đi bộ được thiết kế rẽ nhánh xuống công viên hai bên bờ sông qua 4 cầu nhánh cong. Hai nút giao đầu cầu được thiết kế theo hình vòng xuyến, với điểm đầu tại đường Nguyễn Hoàng (phường Kim Long) và điểm cuối tại đường Bùi Thị Xuân (phường Phường Đúc).

Trước khi dự án được phê duyệt, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức ba cuộc thi thiết kế cầu. Thiết kế cầu nhịp vòm với ống bảo vệ cáp treo trang trí theo chủ đề lịch sử Huế của Liên danh Công ty TNHH WSP Phần Lan và Công ty cổ phần Tư vấn kỹ thuật E&R đã được lựa chọn.

Đây trở thành cây cầu vòm thép có chiều dài thông thuyền và bề rộng lớn nhất Việt Nam. Ảnh: Internet

Đây trở thành cây cầu vòm thép có chiều dài thông thuyền và bề rộng lớn nhất Việt Nam. Ảnh: Internet

Do địa hình lòng sông Hương phức tạp với hạ tầng dãy đá vôi bên dưới, việc đóng cọc nhồi gặp nhiều khó khăn. Hiện tại, công trình đang được nhà thầu thi công “chạy nước rút” trước mùa mưa. Theo đại diện nhà thầu thi công chia sẻ với Báo Giao thông, hiện nay đơn vị đang tập trung nỗ lực để công trình cầu vượt sông Hương thông xe kỹ thuật vào tháng 10/2024.

Trước đó, Thừa Thiên Huế đã có 7 cây cầu bắc qua sông Hương gồm: Trường Tiền, Phú Xuân, Dã Viên, Bạch Hổ, Tuần, Chợ Dinh và Thảo Long. Trong đó, Bạch Hổ là cầu cho tàu hỏa và Thảo Long có kiến trúc trên là cầu, dưới là đập ngăn mặn.

Nâng tầm diện mạo cho dòng sông di sản

Sông Hương được xem là “xương sống” của đô thị Huế, đã trải qua hơn 3 năm triển khai quy hoạch chi tiết, bao gồm dự án cầu vượt Nguyễn Hoàng, mang lại nhiều thay đổi đáng kể cho hai bờ sông theo hướng bảo tồn và phát triển hài hòa về không gian, kiến trúc cảnh quan. Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Chính phủ phê duyệt với định hướng phát triển bền vững dựa trên nền tảng di sản văn hóa và thiên nhiên.

Khi đến sông Hương, ngoài việc đi thuyền rồng nghe ca Huế, du khách còn có thể tản bộ trên cầu gỗ lim, ngắm nhìn thành phố Huế về đêm và cầu Tràng Tiền in bóng trên dòng sông thơ mộng. Những buổi triển lãm tranh, biểu diễn âm nhạc, thời trang và các hoạt động vui chơi giải trí tại các sân khấu văn hóa cộng đồng và công viên hai bên bờ sông Hương luôn hấp dẫn và thu hút đông đảo người dân và du khách.

Sông Hương được xem là “xương sống” của đô thị Huế. Ảnh: Internet

Sông Hương được xem là “xương sống” của đô thị Huế. Ảnh: Internet

Sự thay đổi cảnh quan hai bên bờ sông Hương những năm gần đây cũng mang lại sự hài lòng cho người dân thành phố Huế. Nhiều công viên đã được chỉnh trang và nâng cấp.

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng sông Hương đóng vai trò trục cảnh quan quan trọng trong tương lai, khi Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. “Quy hoạch này thể hiện rất tốt vai trò, chức năng của thành phố Huế. Trong đó, nhấn mạnh trục chính, chiến lược trục cho việc phát triển Huế theo một đô thị toàn thể trên nền tảng di sản và cố đô. Định hình phát triển của Huế trong tương lai với kiến trúc, cấu trúc phát triển không gian cũng phải nương theo sông, núi… Phát triển Huế trên nền tảng đó để thiết kế mạch phát triển, cấu trúc vật thể, cấu trúc không gian tương xứng với chức năng, vai trò, tầm của đô thị trực thuộc Trung ương”.

Sau khi hoàn thành, cầu Nguyễn Hoàng sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông, chống ùn tắc, giảm tải lưu lượng cho tuyến quốc lộ 1A và các tuyến qua trung tâm TP Huế. Ngoài ra, cầu còn giúp hình thành và phát triển các đô thị vệ tinh, khu đô thị mới phía tây TP Huế; phát triển kinh tế xã hội, du lịch dịch vụ, cải thiện đời sống dân sinh.

>> 'Siêu' dự án đường sắt cao tốc 6 tỷ USD với 75 đường hầm và 167 cây cầu của nước 'sát vách' Việt Nam, chạy xuyên biên giới nối dài sang Trung Quốc

Cận cảnh diện mạo mới của cây cầu ngói 400 năm tuổi, biểu tượng của 'thành phố đẹp bậc nhất thế giới' tại Việt Nam sau đại trùng tu

Cây cầu thép nặng 60 tấn trị giá 3,5 triệu USD bất ngờ bị đánh cắp đem đi bán phế liệu

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/cau-vuot-song-trong-du-an-2300-ty-hop-long-vom-thep-khung-mot-cong-trinh-lap-ky-luc-viet-nam-sap-ve-dich-d129165.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Cầu vượt sông trong dự án 2.300 tỷ hợp long vòm thép 'khủng', một công trình lập kỷ lục Việt Nam sắp 'về đích'
POWERED BY ONECMS & INTECH