Cây cầu gần 65 tỷ đồng ở Việt Nam ghép từ 16.000 thanh gỗ quý, 'dát' 7 tấn đồng nằm ngay thành phố di sản
Cây cầu này không chỉ là địa điểm vui chơi, check-in lí tưởng, mà còn là biểu tượng của vùng đất cố đô.
Tọa lạc tại vị trí đắc địa ngay trung tâm thành phố Huế, cầu gỗ lim như một "biểu tượng bạc tỷ" nổi bật, nằm phía nam dòng sông Hương thơ mộng. Công trình này do Tổ chức Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (Koica) tài trợ không hoàn lại với kinh phí 64 tỷ đồng. Dù đã hoàn thành vào tháng 11/2018, tuy nhiên, đến đầu năm 2019, cầu gỗ lim mới chính thức được đưa vào hoạt động.
Nằm giữa hai cây cầu biểu tượng của Huế - cầu Trường Tiền và cầu Phú Xuân, cầu gỗ lim nổi bật như một điểm nhấn độc đáo, thu hút du khách và người dân địa phương. Bắt đầu từ phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu gần cầu Trường Tiền, cây cầu uốn lượn qua cầu Phú Xuân và kết thúc tại công viên Lý Tự Trọng. Một bên cầu là công viên xanh tươi, bên còn lại là dòng sông Hương thơ mộng, tạo nên bức tranh thiên nhiên lãng mạn và bình yên.
Theo báo Thanh Niên, cầu gỗ lim dài 400m, rộng 4m, kéo dài từ chân cầu Trường Tiền đến cầu Phú Xuân. Kết cấu của cầu từ bê tông cốt thép vững chắc, bề mặt được phủ lớp gỗ lim cao cấp nhập khẩu từ Nam Phi. Tổng diện tích lát sàn gỗ lim lên đến 2.438m2, tạo nên vẻ đẹp sang trọng và gần gũi với thiên nhiên.
Theo thông tin từ Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng Thủy lợi Thừa Thiên - Huế, cầu đi bộ gỗ lim này được lát bởi 16.000 thanh gỗ lim cao cấp. Gỗ lim từ lâu đã được biết đến như một loại gỗ quý hiếm, thuộc nhóm tứ thiết "đinh, lim, sến, táu".
Loại gỗ này nổi tiếng với độ cứng và độ bền vượt trội, có khả năng chịu lực tốt, chống mối mọt, côn trùng xâm hại. Nhờ vậy, gỗ lim được sử dụng trong thi công các công trình kiến trúc, đặc biệt là những hạng mục chịu lực lớn như: cột, kèo, xà, sàn nhà, cầu thang,...
Ngoài ra, điểm nhấn của cây cầu này là hệ thống lan can cầu được làm từ 4.100 thanh đồng nhập khẩu hoàn toàn từ Hàn Quốc với tổng cân nặng lên đến 7 tấn. Chất liệu đồng cao cấp mang đến độ bền bỉ, chống gỉ sét và đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Cùng với Đại Nội và chùa Thiên Mụ, cầu gỗ lim đang khẳng định vị thế của mình như một điểm đến không thể bỏ qua khi đến với thành phố di sản và lễ hội này. Thời gian qua, cầu gỗ lim là điểm tham quan hấp dẫn, nổi bật bên bờ sông Hương và đang dần trở thành biểu tượng "bạc tỷ" của vùng đất cố đô thơ mộng.
>> Cây cầu dây văng đầu tiên của Việt Nam, là tuyến đường mở rộng cánh cửa ra - vào miền Tây Nam Bộ