Cây cầu 104.000 tỷ từng giữ ‘ngôi vương’ được kỷ lục Guinness công nhận: Mất tới 10 năm để hoàn thành, sử dụng 181.000 tấn thép và 1,4 triệu mét khối bê tông
Không chỉ là một kỳ quan kiến trúc, cây cầu này còn là biểu tượng tiến bộ trong kỹ thuật xây dựng cầu, khiến thế giới phải ngả mũ thán phục.
Cây cầu Akashi Kaikyo của Nhật Bản với chiều dài của nhịp chính gần 2 km và tổng chiều dài cầu lên đến hơn 3,9 km, từng giữ vị trí cầu treo dài nhất trên thế giới. Nằm trên vịnh Akashi, cầu này kết nối giữa thành phố Kobe và đảo Awaji, là một phần quan trọng của hệ thống đường cao tốc Kobe-Awaji-Naruto, một trong ba tuyến đường cao tốc kết nối đảo Honshu và đảo Shikoku.
Được hoàn thành và khánh thành vào ngày 5 tháng 4 năm 1998 sau 10 năm xây dựng, cây cầu này được coi là cây cầu treo có nhịp dài nhất thế giới tại thời điểm đó. Và nó đã đóng góp đáng kể vào việc rút ngắn thời gian đi lại, giúp giao thông giữa Honshu và Shikoku thuận lợi hơn.
Cầu Akashi Kaikyo có tổng cộng 6 làn đường và ba nhịp, trong đó nhịp chính có chiều dài lên đến 1.991 mét, còn lại hai nhịp khác có chiều dài khoảng 960 mét. Hai trụ đỡ chính của cầu có độ cao lên đến 297 mét so với mực nước biển. Đây cũng là kỷ lục Guinness mà cầu Akashi Kaikyo từng nắm giữ.
Cây cầu Akashi Kaikyo tọa lạc trong một khu vực địa chấn không ổn định và thường xuyên phải đối mặt với các cơn bão mạnh. Do đó, đội ngũ kỹ sư đã áp dụng một hệ thống phức tạp bao gồm đối trọng, con lắc và dầm thép để tăng khả năng chống chịu với sức gió có thể đạt đến 290 km/giờ. Ngoài ra, cầu này cũng được thiết kế để chống chịu được động đất với độ lớn lên đến 8,5 độ richter.
Để đảm bảo tính chính xác và an toàn, đội ngũ dự án đã sử dụng các thiết bị đo như máy đo gió, gia tốc kế, máy đo địa chấn, 3 GPS…để thu thập dữ liệu. Việc xây dựng cây cầu sử dụng khoảng 181.000 tấn thép và 1,4 triệu mét khối bê tông, với sự tham gia của hơn 100 nhà thầu. Theo thông tin trên trang Road Traffic Technology, tổng chi phí xây dựng cây cầu này là 4,3 tỷ USD (hơn 104 nghìn tỷ đồng).
Cầu Akashi Kaikyo của Nhật Bản không chỉ là một kỳ quan kiến trúc mà còn là biểu tượng của sự tiến bộ trong lĩnh vực kỹ thuật xây dựng cầu trên toàn thế giới.