Thời gian qua, vụ việc thiết kế của cầu Thượng Cát bị nghi giống với cầu Thạch Hãn 1 đã nhận được quan tâm của dư luận.
Theo thông tin từ Báo Tiền Phong, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội (chủ đầu tư) đã yêu cầu tư vấn điều chỉnh một số chi tiết để tạo sự khác biệt.
Cụ thể, tháng 1 vừa qua, UBND TP. Hà Nội ban hành quyết định phê duyệt kết quả thi tuyển phương án kiến trúc công trình cầu Thượng Cát thuộc dự án đầu tư xây dựng cầu Thượng Cát và đường hai đầu cầu.
Phương án kiến trúc được chọn sau 1 tháng Ban Quản lý tổ chức cuộc thi tuyển phương án kiến trúc và đã nhận được đăng ký từ 4 đơn vị tư vấn với 7 phương án kiến trúc tham gia thi tuyển.
Kết quả, phương án kiến trúc số TC-03 với chủ đề “Cánh chim hoà bình” của liên danh Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải - CTCP (TEDI) và CTCP Kiến trúc Lập Phương (gọi tắt là Liên danh TEDI-CUBIC) đã giành giải nhất và được trao thưởng 150 triệu đồng.
>> TP. Hà Nội nói gì về vụ cây cầu 8.000 tỷ bắc qua sông Hồng bị nghi 'đạo nhái'?
Ban Quản lý cho biết, cuộc thi được tổ chức nhằm lựa chọn phương án thiết kế tối ưu, đáp ứng yêu cầu về quy hoạch, xây dựng, công năng sử dụng và hiệu quả kinh tế, ngôn ngữ kiến trúc hiện đại cho không gian đô thị Hà Nội; góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông thành phố, đảm bảo tính đồng bộ, thông suốt trong việc đầu tư toàn tuyến đường Vành đai 3,5; góp phần kết nối liên thông Đại lộ Thăng Long và quận Bắc Từ Liêm với huyện Đông Anh cùng các địa phương khu vực phía Bắc sông Hồng.
Đại diện UBND thành phố đã yêu cầu Ban Quản lý đôn đốc tư vấn hoàn thiện theo các ý kiến thành phố chỉ đạo, trong đó có việc điều chỉnh mái cầu tăng thêm độ vát, nghiêng; chiều dài nhịp từ 200m có thể xem xét nâng lên 270m để tạo sự khác biệt.
Đề cập tiến độ dự án, đại diện Ban Quản lý cho biết, sau khi có phương án kiến trúc, chủ đầu tư đang thực hiện các bước tiếp theo trong đó có hoàn thiện phương án thiết kế cầu, hoàn thiện hồ sơ thi công dự án để lựa chọn nhà thầu, nếu các công việc này hoàn thiện sớm, cầu sẽ được khởi công vào quý IV/2024 cụ thể là dịp 10/10 Giải phóng Thủ đô.
Trước ý kiến cho rằng kiến trúc thiết kế cầu Thượng Cát giống thiết kế cầu Thạch Hãn 1 (Quảng Trị), trao đổi với báo chí, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP. Hà Nội Nguyễn Bá Nguyên (cơ quan thẩm định về chuyên môn) cho rằng, thành phố đã lập hội đồng thi tuyển thiết kế cầu Thượng Cát và Hội đồng thi tuyển đã triển khai theo đúng quy định và chọn được 3 phương án trao giải, trong đó phương án kiến trúc số TC-03 đã được trao giải nhất. Tuy nhiên, sau khi có phản ánh, Sở Quy hoạch và Kiến trúc cũng như Hội đồng thi tuyển đã rà soát và báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố việc trên.
Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP. Hà Nội đã hướng dẫn Ban Quản lý nghiên cứu phương án để làm sao có ngôn ngữ kiến trúc, hình thức kiến trúc cũng như các nội dung về nhịp cầu, trụ cầu để có sự khác biệt với cầu Thạch Hãn.
Liên quan đến kiến trúc của cầu Thượng Cát, ông Phạm Văn Duân, Phó Giám đốc Ban Quản lý cho biết, trước hết về kiến trúc và sắp tới là thiết kế cầu Thượng Cát có hình thức dây văng, còn cầu Thạch Hãn được xây dựng theo hình thức extradosed (cầu dạng dầm - cáp hỗn hợp) - hình thức cầu extradosed giống như cầu Ngã Tư Sở (Hà Nội) hiện nay.
“Hình thức thiết kế này chỉ phù hợp xây những cầu có các cáp đỡ thấp, như cầu Ngã Tư Sở có độ cao dây cáp là 27m. Còn cầu Thượng Cát là cầu dây văng, mái cao 102m”, ông Duân nói.
Ông Duân cho biết, cầu Thạch Hãn có thiết kế dạng chữ H ngược, còn cầu Thượng Cát có thiết kế mái dây văng cong cánh chim, mái vát sang 2 bên và nghiêng với tâm cầu 15 độ, độ nghiêng này tạo mỹ quan, điểm nhấn lớn cho cầu, nhưng công tác thi công rất phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật cao.
Trước đó, báo chí phản ánh sau khi giải nhất kiến trúc cầu Thượng Cát với tên gọi "Cánh chim hòa bình" được công bố, nhiều người so sánh nó với thiết kế cầu Thạch Hãn 1 ở Quảng Trị và đặt câu hỏi về sự giống nhau.
Năm 2022, thiết kế cầu Thạch Hãn 1 với tên gọi "Đón bình minh" cũng đoạt giải nhất cuộc thi thiết kế kiến trúc do chủ đầu tư tổ chức và đang được thi công.
Dự án xây dựng cầu Thượng Cát bắc qua sông Hồng và đường dẫn hai đầu cầu dài khoảng 5,2km. Trong đó, Cầu Thượng Cát có chiều dài 820m, rộng 33m, thiết kế 8 làn xe, nối quận Bắc Từ Liêm và huyện Đông Anh.
Đây là dự án giao thông quan trọng, là khớp nối, thông tuyến vành đai 3,5 và nằm trong danh mục các dự án khởi công cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư. Theo kế hoạch, thời gian thực hiện dự án từ năm 2024-2027 với tổng vốn đầu tư là 8.300 tỷ đồng từ ngân sách thành phố.
>> Những chung cư tại Hà Nội có giá 'bứt phá' mạnh mẽ nhất trong đầu năm 2024?
Địa phương 'sát vách' Hà Nội giá đất ngang ngửa nội thành, 200 triệu đồng/m2 không ai muốn bán
Thông tin mới nhất về việc xây dựng khu công nghiệp 13.000 tỷ của Vingroup