Tại thành phố Thái Châu, tỉnh Chiết Giang có một công trình kiến trúc độc đáo là biểu tượng của sự may mắn và tài lộc trong văn hóa Trung Quốc.
Shengxianju, nằm cách trung tâm thành phố Thái Châu không xa, là một khu thắng cảnh nổi tiếng với cảnh quan hùng vĩ và độc đáo. Nơi đây được ví như "thiên đường trên trái đất" với đỉnh núi, thác nước và hang động tuyệt đẹp. Cây cầu Ruyi đã được xây dựng để tạo thêm điểm nhấn đặc biệt cho khu vực này, hòa quyện hoàn hảo với thiên nhiên xung quanh.
Cây cầu này đã được khánh thành vào năm 2017 và chính thức mở cửa đón khách du lịch vào năm 2020. Cây cầu gây sốt thế giới bởi vẻ đẹp độc đáo ‘có một không hai’ nằm "lơ lửng" giữa hai vách núi trải dài 100m và cao 140m so với mặt đất.
Cây cầu hai tầng đan xen với ba lối đi giống như sóng, chủ yếu được xây dựng bằng kính trong suốt. Nó được ví như cây vương trượng quyền lực giữa núi rừng. Các kỹ sư đã dùng hàng nghìn tấm kính cường lực nhiều lớp, mỗi tấm dày 3cm tạo độ vững chắc và để du khách có cảm giác như đang đi trên không trung.
Cây cầu còn gây ấn tượng vì có thiết kế lệch tầng với một loạt các bậc thang mô phỏng một số cây cầu đá cổ nổi tiếng của Trung Quốc.
Khi mới xuất hiện, nhiều người đã cho rằng đó chỉ là một tác phẩm của công nghệ photoshop. Lý do là do thiết kế của nó vô cùng độc đáo và hấp dẫn, được lấy cảm hứng từ cây vương trượng ngọc (Jade Ryui) - một vật phẩm cổ xưa của Trung Quốc.
Trong văn hóa Trung Quốc, vương trượng "Ruyi" đại diện cho sự may mắn, hòa hợp và tài lộc. Cầu được thiết kế với hình dạng cong uốn lượn, tạo ra một sự cảm giác mềm mại và mơ màng khi đi qua.
Du khách đến tham quan khu thắng cảnh Shengxianju không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cây cầu Ruyi, mà còn có cơ hội tìm hiểu về ý nghĩa và truyền thống văn hóa sâu sắc mà nó mang lại. Việc đi bộ qua cây cầu, ngắm nhìn cảnh quan xung quanh và cảm nhận sự yên bình là một trải nghiệm tuyệt vời để tạm rời bỏ cuộc sống hối hả, đắm mình trong vẻ đẹp tự nhiên tuyệt diệu.
Được biết, nhà thiết kế của cây cầu là He Yunchang. Ông là một chuyên gia về kết cấu thép và là một trong những kiến trúc sư thiết kế sân vận động Tổ chim, sân vận động chính của Thế vận hội Olympic Bắc Kinh 2008.
Trên trang web của khu du lịch này, mô tả rằng: "Cây cầu kết hợp giữa sự mạnh mẽ và sự tinh tế hoàn hảo với vẻ đẹp thiên nhiên xung quanh. Nó như một viên ngọc ruyi lung linh trên bầu trời, như dải lụa của một nàng tiên. Nhìn từ xa, cây cầu như một bức bình phong tuyệt đẹp với khung cảnh núi non trùng điệp".
Tuy nhiên, cây cầu Ruyi cũng đặt ra một số thách thức về bảo tồn và quản lý. Với sự phát triển nhanh chóng của ngành du lịch, lượng khách đến Shengxianju ngày càng tăng, gây áp lực lớn lên cơ sở hạ tầng và môi trường. Các biện pháp bảo vệ và duy trì cây cầu Ruyi cần được đề cao, để đảm bảo rằng nó sẽ tiếp tục là một biểu tượng quan trọng và đẹp mắt trong thời gian tới.