Số phận 'hẩm hiu' của 'chảo lửa' Chi Lăng sau khi về tay đại gia Phạm Công Danh
Từng là sân nhà của đội bóng SHB Đà Nẵng, sân vận động Chi Lăng đang bị bỏ hoang "tàn phế" dần theo thời gian sau bản án của đại gia Phạm Công Danh.
Báo cáo năm 2023 của Cục Thi hành án dân sự TP. Đà Nẵng nêu một số vụ án khó thi hành trong năm vừa qua. Trong số đó, vụ án đáng chú ý là vụ liên quan đến ông Phạm Công Danh - Nguyên TGĐ Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh
Quyết định của Tòa án nhân dân TP. HCM và Tòa án nhân dân cấp cao tại TP. HCM, số tiền phải thi hành là 3.946 tỷ đồng. Tuy nhiên, quá trình xử lý tài sản của khu phức hợp sân vận động Chi Lăng gặp nhiều khó khăn và trở ngại.
Theo Cục Thi hành án dân sự TP. Đà Nẵng, nguyên nhân chính gây khó khăn trong quá trình thi hành án là số tiền cần phải thi hành lớn, nhưng tài sản chưa được xử lý do vướng mắc liên quan đến cơ sở pháp lý và tình trạng hiện tại của tài sản. Điều này đã dẫn đến việc chưa thể xử lý tài sản để đảm bảo quyền lợi trong quá trình thi hành án.
Sân vận động Chi Lăng nằm tại vị trí đắc địa, thuộc khu vực được gọi là "tứ giác vàng" ở trung tâm thành phố Đà Nẵng. Diện tích của sân vận động khoảng 6ha và được bao quanh bởi 4 tuyến đường là Lê Duẩn, Chi Lăng, Ngô Gia Tự và Hùng Vương, thuộc quận Hải Châu.
Vào năm 2010, sân vận động Chi Lăng đã được Đà Nẵng bán cho Tập đoàn Thiên Thanh, ông Phạm Công Danh là Chủ tịch Hội đồng quản trị. Với mục đích xây dựng một khu phức hợp thương mại và dịch vụ cao tầng, dự án đã giải tỏa 100 căn nhà và hầu hết các hộ dân. Song, do chủ đầu tư chưa triển khai dự án nên những căn nhà này được phép tồn tại và cho thuê mặt bằng kinh doanh.
Sau khi đất được chuyển nhượng, sân vận động Chi Lăng đã chia thành 14 lô đất và cấp 10 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 10 công ty thành viên của Tập đoàn Thiên Thanh. Các công ty này sau đó đã thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay vốn từ ngân hàng.
Vào tháng 7/2014, ông Phạm Công Danh bị bắt tạm giam để điều tra về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Kể từ đó, sân vận động Chi Lăng trở thành tài sản liên quan đến vụ án này.
Vào năm 2018, Cục Thi hành án dân sự TP. HCM đã ủy thác cho Cục Thi hành án dân sự TP. Đà Nẵng thi hành án đối với Phạm Công Danh và đồng phạm, bao gồm cả việc xử lý tài sản thế chấp là các lô đất thuộc khu vực sân vận động Chi Lăng. Tuy nhiên, quá trình thi hành án đối với sân vận động Chi Lăng đã gặp nhiều khó khăn và vướng mắc về mặt pháp lý liên quan đến mặt bằng.
Năm 2022, UBND quận Hải Châu (TP. Đà Nẵng) đã đẩy mạnh công tác vận động và yêu cầu các hộ dân đang thuê mặt bằng xung quanh sân vận động Chi Lăng tháo dỡ và trả lại mặt bằng để bàn giao cho Cục Thi hành án dân sự TP. Đà Nẵng. Hiện tại, công tác tháo dỡ các căn nhà đã hoàn thành đạt khoảng 90% (90 căn nhà trong tổng số 100 căn nhà). Quận Hải Châu đã bàn giao khu vực nguyên trạng cho Cục Thi hành án TP. Đà Nẵng để tiến hành bước xử lý cuối cùng.
Đến nay, nơi này hiện trong tình trạng bỏ phí hoang tàn.
Trả lời trên Báo VnExpress, ông Lê Tự Gia Thạnh, Chủ tịch UBND quận Hải Châu, cho biết việc tháo dỡ chậm do khu vực dự án còn hai trụ sở của các đơn vị đang xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường liên quan đến vấn đề pháp lý; một số nhà dân vướng về thủ tục và một số hộ chưa đồng thuận tháo dỡ. "Chúng tôi đang vận động người dân và xem xét xử phạt hành chính nếu không chấp hành", ông Thạnh nói.
Khuôn viên sân vận động xuống cấp nghiêm trọng với các trang thiết bị cũng đã hoen gỉ, hỏng hóc. Một số căn phòng được các câu lạc bộ thể dục, thể thao sử dụng để tập luyện, trong khi các căn phòng còn lại đã bị bỏ hoang.
>> Công trình biểu tượng mới 5.000 tỷ của Hải Phòng vượt tiến độ kinh ngạc dần lộ hình hài
Điều chỉnh quy hoạch sân vận động Chi Lăng liên quan đại án Phạm Công Danh
Sân vận động Chi Lăng dính đại án Phạm Công Danh sẽ được xử lý như thế nào?