Cây cầu dây văng có tĩnh không cao nhất Việt Nam nỗ lực tiến tới ngày hợp long
Đây là cây cầu lớn nhất trên tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Cầu Bình Khánh bắc qua sông Soài Rạp, nối huyện Nhà Bè và Cần Giờ của TP. HCM, được khởi công từ tháng 8/2015. Công trình này được xem là cây cầu lớn nhất trên tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành với tổng vốn đầu tư hơn 2.800 tỷ đồng.
Cầu được thiết kế kiểu dây văng hai mặt phẳng, với nhịp chính dài 375m, đặt trên hai trụ cầu cao 155m và móng trụ tháp bằng cọc ống thép. Khoảng không dưới gầm cầu (tĩnh không) cao 55m so với mực nước sông Soài Rạp - cao nhất Việt Nam thời điểm hiện tại và đáp ứng yêu cầu cho các tàu thuyền trọng tải lớn qua lại.
Phối cảnh cầu Bình Khánh. Ảnh: Internet |
Ban đầu, cầu Bình Khánh dự kiến hoàn thành sau 47 tháng, nhưng vào cuối năm 2018, dự án tạm dừng do vướng mắc về vốn khi khối lượng thi công đạt khoảng 70%. Đến tháng 10/2023, dự án được tái khởi động.
Về tiến độ dự án, theo báo Giao Thông, sau hơn một năm tái khởi công, các trụ cầu và hệ thống nhịp đang được hoàn thiện, chuẩn bị cho việc hợp long.
Còn theo Tạp chí Doanh nhân Việt Nam, đoạn đường dẫn lên cầu qua đường Nguyễn Hữu Thọ hiện đang thi công nút giao giữa cao tốc Bến Lức - Long Thành và đường Nguyễn Văn Tăng.
Cây cầu đang nỗ lực hướng đến ngày hợp long. Ảnh: Tạp chí Doanh nhân Việt Nam |
Đại diện Ban Quản lý các đường cao tốc phía Nam (Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam) cho biết, sản lượng thi công cầu Bình Khánh hiện đạt trên 82%. Công nhân đang tập trung đúc hẫng và lắp đặt dây văng. Dự kiến, cầu Bình Khánh sẽ hoàn thành vào khoảng cuối quý III, đầu quý IV/2025.
Cầu Bình Khánh, nối huyện Nhà Bè và Cần Giờ, cùng cầu Phước Khánh (nối Cần Giờ và Nhơn Trạch) là 2 hạng mục quan trọng trên tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành. Tuyến cao tốc dài gần 58km, đi qua Long An (2,7km), TP. HCM (26,4km) và Đồng Nai (28,7km) với tổng mức đầu tư gần 29.600 tỷ đồng. Dự kiến cuối năm nay sẽ thông xe hơn 3km đoạn từ nút giao cao tốc TP. HCM - Long Thành đến nút giao với Quốc lộ 1 (TP. HCM).
Đường dẫn cầu phía huyện Nhà Bè. Ảnh: Tạp chí Doanh nhân Việt Nam |
Khi hoàn thành, cầu Bình Khánh sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối thông suốt cao tốc Bến Lức - Long Thành với cao tốc TP. HCM - Trung Lương, tạo nên mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, liên kết các tỉnh miền Tây và Đông Nam Bộ.
>> 2.400 tỷ đồng làm nút giao nối cao tốc Bến Lức - Long Thành với đường Rừng Sác
Cầu Long Biên xuống cấp trầm trọng, chuyên gia Pháp quay lại tìm giải pháp an toàn
Mục sở thị đường trục phát triển hơn 5.000 tỷ nối Nam Định với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình