Cây cầu hơn 100 tuổi kết nối hai quận, huyện Hà Nội sắp bị tháo dỡ
Dù đã được bảo trì định kỳ, sau hơn 100 năm khai thác, lưu lượng phương tiện ngày càng tăng đã khiến kết cấu cầu xuống cấp nghiêm trọng.
Theo Báo Lao Động, dự án xây dựng cầu Đuống mới đã được Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng) phê duyệt từ năm 2022 với tổng mức đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng.
Theo đó, dự án bao gồm hai hợp phần chính: Cầu đường sắt và cầu đường bộ vượt sông Đuống.
Hai cây cầu này được bố trí song song, cách nhau khoảng 100m. Trong đó, cầu đường sắt được xây dựng ở phía thượng lưu (bên phải cầu Đuống cũ), còn cầu đường bộ nằm phía hạ lưu (bên trái cầu cũ), theo trục Bắc - Nam.

Theo đại diện Bộ Xây dựng, khi cầu Đuống mới hoàn thành vào giai đoạn 2025 - 2026, cầu Đuống cũ sẽ được tháo dỡ. Dù đã tồn tại hơn một thế kỷ và gắn liền với nhiều dấu mốc lịch sử của đất nước, song do tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt là khoảng thông thuyền hạn chế khiến tàu có trọng tải lớn không thể lưu thông, phương án phá dỡ đã được các cơ quan thống nhất để đảm bảo an toàn giao thông thủy.
Ông Mai Xuân Tân - Giám đốc quản lý dự án thi công dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống - thuộc Ban Quản lý Dự án Đường sắt (Bộ Xây dựng) cho biết, dự án đã được khởi công từ tháng 7/2024. Hiện nay, hợp phần cầu đường sắt phía thượng lưu đang được triển khai đúng tiến độ.
Với phần cầu đường bộ, nhà thầu đang thi công các trụ T4 và T5 giữa lòng sông - những hạng mục không phụ thuộc vào mặt bằng trên bờ.
Dự kiến đến hết quý II/2025, các trụ giữa sông sẽ cơ bản hoàn thiện. Tuy nhiên, tiến độ toàn dự án vẫn đang gặp trở ngại khi hơn 49ha mặt bằng ở hai đầu Long Biên và Gia Lâm chưa được bàn giao, khiến nhà thầu chưa thể triển khai thi công cầu cạn và đường dẫn.

Được biết, cây cầu Đuống cũ được xây dựng từ năm 1902, là tuyến kết nối huyết mạch giữa quận Long Biên và huyện Gia Lâm (Hà Nội).
Dù đã được bảo trì định kỳ, sau hơn 100 năm khai thác, lưu lượng phương tiện ngày càng tăng đã khiến kết cấu cầu xuống cấp nghiêm trọng.
Cây cầu hiện đảm nhiệm đồng thời hai chức năng: Đường bộ và đường sắt. Trong đó, lưu lượng xe qua cầu vào giờ cao điểm thường vượt xa năng lực thiết kế, dẫn đến tình trạng ùn tắc kéo dài. Mặt cầu tại nhiều vị trí đã xuất hiện lỗ thủng lớn, buộc đơn vị quản lý phải dùng tấm thép che chắn tạm thời để đảm bảo an toàn giao thông.
Không chỉ phần mặt cầu, các trụ cầu dưới sông cũng bị bào mòn mạnh do dòng chảy. Phần bê tông vỏ móng trụ chính đã bị nước cuốn trôi, để lộ cả lõi thép gia cường. Độ tĩnh không hạn chế của cầu cũng khiến tàu thuyền lớn gặp khó khăn khi qua lại, làm gián đoạn giao thông thủy trên sông Đuống trong nhiều năm qua.
>> Việt Nam chuẩn bị khởi công thêm hai tuyến cao tốc hơn 40.000 tỷ