Cây cầu thép Việt Nam từng dài thứ 2 thế giới làm từ 30.000m3 đá và 5.300 tấn thép, được ví như tháp Eiffel nằm ngang
Đây là cây cầu được gọi với danh xưng “chứng nhân lịch sử” của nước ta.
Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua con sông Hồng nối hai quận Hoàn Kiếm và Long Biên của Hà Nội. Cây cầu do Pháp xây dựng từ năm 1898 đến 1902 dưới thời Toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ là Doumer. Cầu dài 2290m qua sông và 896m cầu dẫn, cầu gồm 19 nhịp dầm thép đặt trên 20 trụ với lối kiến trúc độc đáo. Cây cầu được thiết kế với một đường sắt đơn chạy ở giữa còn hai bên là hai làn đường dành cho xe đạp và người đi bộ.
Cầu Long Biên là cây cầu có kiến trúc hoành tráng nhất phương Đông. Đến nay trên cầu Long Biên vẫn còn một tấm biển kim loại khắc chữ 1899 -1902 - Daydé & Pillé – Paris. Năm 2002, sau khi được gia cố và sửa sửa sau nhiều lần bị bom đạn làm hư hại, cầu Long Biên trở thành cây cầu dài thứ 2 trên thế giới và nổi bật nhất ở Viễn Đông thời bấy giờ (chỉ sau cầu Brooklyn bắc qua sông East-River của Mỹ) với tên gọi là Doumer, thậm chí được gọi là tháp Eiffel nằm ngang giữa lòng Việt Nam. Năm 1945, cầu Doumer được đổi tên thành Long Biên.
Vị trí được chọn để xây cầu đúng ngay vị trí mà tàu của Pháp nổ súng bắn vào Ô Quan Chưởng và Cửa Bắc. Cầu gồm 20 bệ trụ xây và mố, với chiều sâu 30m và cao 13.5m tính mức nước thấp nhất. Phía hữu ngạn có cầu vòm dài 800m, toàn thân cầu là 2.500m. Nét độc đáo nhất của cây cầu là đường bộ hai bên, đường sắt ở giữa lối đi bên trái. Thay cho những công nhân Trung Quốc được tuyển trước đó, bằng sự khéo léo, tinh nhanh, năng động, chính những người thợ Việt Nam đã lắp ráp các cấu kiện kim khí, tán đinh chốt, sử dụng cần cẩu... dưới sự hướng dẫn của các kỹ sư người Pháp.
Cầu Long Biên là “chứng nhân lịch sử” đã chứng kiến những dấu mốc quan trọng nhất của dân tộc ta trong hai cuộc kháng chiến lớn là cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và tiếp đến là cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ.
Cầu Long Biên không chỉ có nhiệm vụ quan trọng giúp người dân qua sông dễ dàng mà còn là chỗ dựa vững chắc để những đoàn xe vận chuyển vũ khí và lương thực phục vụ cho chiến tranh. Hơn thế nữa, các điểm cao trên thành cầu còn trở thành ụ pháo cao xạ chống máy bay Mỹ trong những năm 1965-1967. Các lực lượng vũ trang của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã bảo vệ cầu Long Biên như thả bóng hơi, tạo sương mù của lực lượng bộ đội hoá học đối với máy bay Mỹ. Các tiểu đội lính pháo cao xạ 12,7 ly đã anh dũng cắm chốt tử thủ trên các đỉnh cao nhất của cầu để bắn các phi đội F4 của Mỹ ném bom phá cầu.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, Cầu Long Biên bị bom đạn ném 14 lần. Trong chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam lần thứ 1 (1965-1968), cầu Long Biên bị máy bay Mỹ ném bom 10 lần, hỏng 7 nhịp và 4 trụ lớn. Trong chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam lần thứ hai của không lực Hoa Kỳ (1972), cầu Long Biên bị ném bom 4 lần, phá hỏng 1.500m cầu và hai trụ lớn bị cắt đứt. Khi đó, các nhịp cầu bị máy bay Mỹ ném bom đánh hỏng nặng được thay thế bằng các dầm bán vĩnh cửu để đảm bảo giao thông qua cầu không bị gián đoạn.
Năm 1945, khi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, cây cầu đã trở thành nhịp dẫn đưa hàng nghìn người dân ngoại ô đến với Bác, người dân vui và tự hào, hạnh phúc bao nhiêu thì cây cầu đều ghi lại giây phút đó.
Vào tháng 10/1954, Hà Nội ngập trong biển cờ hoa mừng ngày giải phóng Thủ đô, cầu Long Biên cũng đứng đó và chứng kiến niềm hân hoan của dân tộc. Và rồi 21 năm sau, cây cầu lại một lần nữa sống trong niềm vui độc lập thống nhất đất nước, miền Nam được giải phóng. Cứ như thế, trải qua hơn 100 năm lịch sử, cây cầu không còn là một hiện vật vô tri vô giác, nó như người bạn đồng hành cùng dân tộc.
Đã “sống” hơn trăm năm, lại trải qua bao biến động với nắng gió thời gian, chiến tranh tàn phá, cầu Long Biên giờ chỉ còn 1 nhịp kép phía Bắc, 1 nhịp kép phía Nam cộng thêm với nửa nhịp kép nằm giữa sông là còn giữ được vóc dáng nguyên bản.
Kể từ thời điểm khánh thành với danh xưng “một trong bốn cây cầu lớn nhất thế giới” hay “công trình sắt thép đồ sộ nhất bán đảo Đông Dương” cho đến bây giờ, cầu Long Biên vẫn không bị “khuất lấp” giữa những cây cầu hiện đại khác mà trái lại, dường như huy hoàng hơn bởi chính vẻ rỉ sét, cổ kính.