Kế hoạch chuyển sàn sang HoSE và thoái vốn Nhà nước được cổ đông đặt câu hỏi đến CEO BSR - ông Bùi Ngọc Dương trong phiên thảo luận tại ĐHĐCĐ thường năm 2024.
Sáng ngày 22/5, CTCP Lọc - Hóa dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) đã tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 và vấn đề chuyển sàn sang HoSE tiếp tục là chủ đề nóng được đưa ra để bàn luận.
Trước đó, vào cuối năm 2023, BSR đã lỡ hẹn chuyển sàn do đã đáp ứng đủ 8/9 tiêu chí ngoại trừ tiêu chí liên quan đến các khoản nợ quá hạn, bởi Công ty Nhiên liệu Sinh học Miền Trung (BSR-BF) - công ty con của BSR lúc đó có khoản nợ quá hạn gần 1.100 tỷ đồng (tương đương 1,5% tổng tài sản của BSR), làm ảnh hưởng đến báo cáo tài chính hợp nhất của doanh nghiệp.
Theo quy định hiện hành, không có hướng dẫn cụ thể về việc xem xét áp dụng tiêu chí này đối với báo cáo tài chính công ty mẹ hay báo cáo hợp nhất.
Chia sẻ về vấn đề này tại phần thảo luận, CEO BSR - ông Bùi Ngọc Dương cho biết, công ty đang có 2 hướng xử lý: Thứ nhất là bám sát UBCKNN về việc xem xét chuyển sàn trên cơ sở báo cáo hợp nhất hay báo cáo tài chính công ty mẹ; Thứ hai là đang chờ có thông báo thụ lý việc phá sản BSR-BF, công ty làm việc với đơn vị kiểm toán để xem xét loại trừ ý kiến nhấn mạnh khi tòa án ra quyết định.
"Công ty kỳ vọng hết quý II và đầu quý III/2024 sẽ rõ ràng hơn về việc chuyển sàn" - ông Dương nói.
CEO BSR - ông Bùi Ngọc Dương |
Việc niêm yết trên HoSE đóng vai trò quan trọng, giúp BSR tăng khả năng tiếp cận các nhà đầu tư lớn.
Hiện tại, BSR vẫn đang trong quá trình tìm nhà đầu tư để thoái vốn Nhà nước. Theo kế hoạch, vốn Nhà nước sẽ giảm từ 92,13% về khoảng 43% (bán 49%). Trước đó, vào năm 2018 đã có các nhà đầu tư từ Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan,... nghiên cứu để xin được tiếp tục nộp hồ sơ tham gia quá trình lựa chọn Nhà đầu tư chiến lược. Tuy nhiên, kế hoạch này đến nay vẫn còn dang dở.
Về vấn đề này, CEO BSR chia sẻ, thời điểm cổ phần hóa, công ty từng có thời điểm gặp nhà đầu tư Nga và sắp chốt hợp đồng, nhưng sau đó bị ảnh hưởng bởi địa chính trị nên việc bán cổ phần cho đối tác chiến lược chưa thực hiện được.
Tuy nhiên, vấn đề này sau đó tạm gác lại bởi Nhà nước yêu cầu giữ nguyên tỷ lệ chi phối vào năm 2020 - thời điểm xuất hiện Covid-19 để ổn định năng lượng xăng dầu cho quốc gia.
Dự kiến, đến năm 2025, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước là 92,13% vẫn sẽ được giữ nguyên.
>> BSR 'khoe' công ty sức khỏe rất tốt, sở hữu 2 'liều thuốc bổ' sẽ đẩy giá cổ phiếu đi lên
Công ty nhà sếp Vinaconex (VCG), Ecopark 'chung vui' với sự kiện ông Nguyễn Đỗ Lăng tái xuất
Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng TTCK Việt Nam được nâng hạng trong nửa cuối năm 2024