CEO VPBank: Cần hỗ trợ pháp lý để doanh nghiệp BĐS triển khai dự án, khơi thông dòng tiền trả nợ cho ngân hàng
Tổng Giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh chia sẻ tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng về các giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước chiều ngày 21/9.
Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng về các giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước chiều ngày 21/9, lãnh đạo Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - Mã: VPB) đã đưa ra nhiều kiến nghị.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng Giám đốc VPBank cho biết, ngân hàng đang tích cực đẩy mạnh giải ngân, đáp ứng nhu cầu về vốn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đẩy lùi tín dụng đen. Định hướng này của VPBank cũng phù hợp với yêu cầu và khuôn khổ pháp lý của NHNN để hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận vốn mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ và NHNN, VPBank đã lập kế hoạch triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, khôi phục lại sản xuất kinh doanh, khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 (Yagi) gây ra theo chỉ đạo của NHNN.
CEO VPBank: Cần hỗ trợ pháp lý để các công ty BĐS triển khai dự án, có dòng tiền trả nợ cho ngân hàng |
VPBank cũng đã kịp thời chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời có các biện pháp hỗ trợ.
Với chương trình cho vay nhà ở xã hội, thực hiện theo Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ ngày 11/3/2023, VPBank đã đăng ký tham gia Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Doanh số giải ngân chương trình đến hết năm 2030 là 5.000 tỷ đồng.
Do đó, Tổng Giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh đưa ra một số kiến nghị, đề xuất cụ thể, đối với các bộ, ban ngành liên quan.
Thứ nhất, theo ông Vinh, cần có chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng lũ lụt, bão; giãn, hoãn nộp thuế giúp khách hàng sớm phục hồi cuộc sống, trở lại kinh doanh.
Thứ hai, cần hỗ trợ về mặt pháp lý để các công ty bất động sản có thể triển khai dự án, tạo dòng tiền, tạo ra giá trị thặng dư cho xã hội và có dòng tiền trả nợ cho ngân hàng. Cơ quan Công an, Tòa án, cơ quan Thi hành án hỗ trợ thu hồi nợ, thu giữ và xử lý TSBĐ, ưu tiên giải quyết cho các TCTD để thu hồi, bảo đảm an toàn tín dụng cho ngân hàng, có dòng tiền để tái sản xuất, tài trợ cho hoạt động chung.
"Cần xem xét gia hạn Thông tư 06/2024/TT-NHNN ngày 18/06/2024 đến 30/06/2025, đồng thời có hướng dẫn thêm về việc tổ chức tín dụng phân bổ lãi phải thu, phải thoái. Cho phép xây dựng lộ trình thực hiện đối với điểm b khoản 5 điều 4 về mức trích lập dự phòng cụ thể...", đại diện VPBank nêu kiến nghị.